TP.HCM: Tìm... sân cho bóng đá cất cánh

Nguyên Khôi |

Dù tham dự V-League nhưng cả CLB TP.HCM và Sài Gòn lại không có được cơ sở vật chất cho riêng mình để vận hành theo cơ chế bóng đá chuyên nghiệp.

TP.HCM: Tìm... sân cho bóng đá cất cánh - Ảnh 1.

Sân Thống Nhất (TP.HCM) chỉ có 16.000 chỗ ngồi, nhưng cảnh khán giả đến chật sân là chuyện của quá khứ - Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Cơ chế chính là rào cản để hai CLB này được giao sân bãi hoặc địa điểm để tự mình xây sân tập và sân thi đấu. Đây cũng là vấn đề được hai CLB nêu ra trong cuộc gặp gỡ với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên hôm 11-8.

"Kiếp" thuê sân của CLB chuyên nghiệp

Nói vậy bởi các địa phương khác đều giao quyền quản lý và sử dụng sân vận động (tài sản nhà nước) cho CLB. Thậm chí, các CLB còn được hỗ trợ ngân sách để hoạt động. Trên thực tế, hai CLB TP.HCM và Sài Gòn cũng không đến mức phải cần hỗ trợ ngân sách để hoạt động.

Điều quan trọng nhất với cả hai chính là được trao cơ chế, giao sân bãi hoặc đất để chủ động việc tập luyện và thi đấu, khai thác, kêu gọi đầu tư để tạo nguồn thu.

Hiện tại, cả hai đều phải thuê sân Thống Nhất để tập một buổi làm quen sân và hôm diễn ra trận đấu với giá 50 triệu đồng nếu tự lo công tác an ninh (với CLB TP.HCM) và 130 triệu đồng nếu bao trọn gói (với CLB Sài Gòn).

Thực tế, đây là giá khá mềm được hỗ trợ từ Trung tâm TDTT Thống Nhất. Nhưng nếu được giao sân Thống Nhất, CLB sẽ chủ động được rất nhiều trong việc tập luyện lẫn khai thác nguồn thu.

Do chưa có sân riêng, CLB TP.HCM thời gian qua phải thuê sân Phú Thọ (được Trung tâm TDTT Thống Nhất hỗ trợ với giá 4 triệu đồng/buổi) để tập luyện hằng ngày.

Nhưng khi mưa lớn, sân Phú Thọ ngập nước nên các cầu thủ CLB TP.HCM phải vào phòng gym để tập tạm. Theo chủ tịch CLB TP.HCM Nguyễn Hữu Thắng, điều này ảnh hưởng không ít đến sự chuẩn bị cho trận đấu.

TP.HCM: Tìm... sân cho bóng đá cất cánh - Ảnh 2.

Sân Thống Nhất chỉ có 16.000 chỗ ngồi nhưng muốn tập luyện đội bóng phải thuê - Ảnh: N.K.

Kinh nghiệm từ địa phương bạn

Việc phải đi thuê sân để tập luyện hay thi đấu là chuyện khó có thể chấp nhận với CLB chuyên nghiệp bởi không thể chủ động việc tập luyện cho đội 1, đào tạo các tuyến trẻ và khai thác nguồn thu.

Thực tế, dù gặp khó trong cơ chế nhưng CLB B.Bình Dương và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vẫn cùng với địa phương tìm được hướng ra. Với CLB B.Bình Dương, sân Gò Đậu được giao cho Công ty Becamex (doanh nghiệp nhà nước và là nhà tài trợ của CLB) sử dụng nên cũng thuận lợi thay vì sẽ vướng về luật nếu giao cho doanh nghiệp tư nhân tài sản của nhà nước (sân vận động).

Chia sẻ về câu chuyện này, một lãnh đạo Sở VH-TT Bình Dương nói: "Việc giao sân vận động giúp CLB giải quyết rất tốt sự chủ động và vận hành đội bóng chứ không hẳn là khai thác nguồn thu.

Nói vậy bởi nếu thuê sân, đúng giờ CLB mới được vào, và khi kết thúc trận đấu phải rời sân ngay sau thời gian đã quy định. Trong khi đó, nếu là sân do mình quản lý, CLB sẽ chủ động giờ tập luyện kể cả đội trẻ. Nguồn thu cũng có thể có với cửa hàng bán đồ lưu niệm, kinh doanh nhà hàng... điều mà việc đi thuê sân không thể có".

TP.HCM: Tìm... sân cho bóng đá cất cánh - Ảnh 3.

Mô hình đại bản doanh CLB TP.HCM ở quận 7 - Ảnh: HCM FC

HAGL là câu chuyện ngược lại khi Nhà nước chủ động giao sân Pleiku cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư, khai thác. Giám đốc điều hành CLB HAGL Nguyễn Tấn Anh cho biết ngay từ khi thành lập CLB vào năm 2001, HAGL đã làm đề án và xin được khai thác sân Pleiku.

Do sân khi đó rất cũ, không thể tổ chức giải chuyên nghiệp được nên chủ tịch CLB Đoàn Nguyên Đức cam kết nếu được giao sân sẽ đầu tư xây dựng sân vận động hiện đại. Sau nhiều lần sửa chữa, năm 2008 sân Pleiku được xây mới thành "tiểu Emirates" giống sân nhà của CLB Arsenal và đưa vào hoạt động năm 2010.

Dù kinh phí bỏ ra rất nhiều nhưng CLB HAGL cũng chỉ dùng sân Pleiku để thi đấu. Còn tập luyện, đội tập ở Trung tâm thể thao Hàm Rồng. "Bóng đá chuyên nghiệp sẽ rất khó nếu không có sân tập và sân thi đấu của riêng mình. Vì vậy, các CLB cần có định hướng đầu tư lâu dài để xây dựng sân bãi", ông Nguyễn Tấn Anh nói thêm.

TP.HCM: Tìm... sân cho bóng đá cất cánh - Ảnh 4.

Mô hình thiết kế phòng ăn dành cho các thành viên của CLB TP.HCM ở quận 7 - Ảnh: HCM FC

Tự cứu lấy mình

Ba năm qua, CLB TP.HCM đầu tư rất nhiều tiền cho hoạt động chuyển nhượng để đem về các hợp đồng bom tấn cả trên băng ghế chủ tịch, HLV lẫn cầu thủ. Nhưng về cơ ngơi đội bóng, tất cả là con số 0: không đại bản doanh, không sân tập.

Không thể cứ mãi đi thuê sân tập và ăn ở tạm bợ, CLB TP.HCM đã liên hệ và hỗ trợ kinh phí sửa sang tạm thời sân vận động quận 7 nhằm có thể sử dụng làm đại bản doanh trong thời gian tới.

Nơi đây có 1 sân tập lớn, 2 sân tập nhỏ, sân quần vợt, phòng xông hơi, nơi ăn ở hiện đại... với kinh phí hơn 100 tỉ đồng. Dự kiến giai đoạn 1 sẽ khánh thành vào đầu tháng 9 để CLB TP.HCM chuyển sang sinh hoạt và tập luyện tại đây.

Đáng nói, dù tiền đã bỏ ra nhưng liên kết khai thác thế nào với Trung tâm TDTT quận 7 thì chưa có vì vẫn còn vướng chủ trương và cơ chế. Đó cũng là một trong những kiến nghị của CLB TP.HCM với Bí thư Thành ủy trong cuộc gặp vừa qua nhằm giúp đội yên tâm tập luyện và thi đấu.

Trong khi đó, CLB Sài Gòn đã vay ngân hàng để mua lại Trung tâm thể thao Thành Long làm nơi sinh hoạt và tập luyện từ năm 2021. Nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc tìm nguồn thu để trả nợ ngân hàng và nuôi đội bóng cũng không đơn giản.

Từ đây, CLB Sài Gòn muốn điều chỉnh một phần quy hoạch để xây dựng trung tâm thương mại, căn hộ chuyên gia, khách sạn để có nguồn thu. Ngoài ra, CLB Sài Gòn còn muốn liên kết với sân Thống Nhất để cải tạo cơ sở vật chất tại đây, tham gia vào việc quản lý, khai thác sân vận động.

Kiến nghị này của CLB Sài Gòn cũng chưa thể sớm thành hiện thực vì vướng cơ chế, không thể giải quyết ngay. Do đó, trước mắt CLB Sài Gòn cũng chỉ có thể cầm cự và tự cứu lấy mình.

TP.HCM: Tìm... sân cho bóng đá cất cánh - Ảnh 5.

Mô hình thiết kế sân tập CLB TP.HCM ở quận 7 - Ảnh: HCM FC

Muốn xây sân 60.000 chỗ nhưng phải có... đất

Trong số các kiến nghị với Bí thư Thành ủy, CLB TP.HCM đã xin giao 5ha đất trong khu công viên Thạnh Mỹ Lợi (13ha) ở TP Thủ Đức thuộc một công ty đang quản lý và hiện đã để trống nhiều năm, nhằm có thể xây sân vận động mới 60.000 chỗ.

Điều này không chỉ giúp TP.HCM có một sân vận động xứng tầm mà còn thay thế cho sân Thống Nhất có sức chứa nhỏ (sau cải tạo chỉ còn 16.000 chỗ ngồi) và không đáp ứng được các yêu cầu tổ chức các trận đấu quốc tế lớn. Tuy nhiên, để có thể thực hiện được hay không lại là câu chuyện dài.

Không có sân vận động mới hiện đại, TP.HCM những năm qua rất ít được tổ chức các sự kiện thể thao lớn hoặc các trận đấu quốc tế. Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc được quy hoạch từ rất lâu nhưng đến giờ vẫn còn nằm trên giấy và diện tích ngày càng bị teo tóp. Vì vậy, việc xây sân vận động mới không chỉ là chuyện của các CLB mà còn là của thể thao TP.HCM.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại