TP.HCM khởi động tuyến đường 15.000 tỉ

LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN |

Tuyến đường này sẽ nối từ trung tâm đến sân bay Tân Sơn Nhất.

“Chúng tôi đang lập dự án tiền khả thi của dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trên cao số 1 nối trung tâm TP.HCM đến sân bay Tân Sơn Nhất. Dự án có vốn đầu tư khoảng 15.000 tỉ đồng, bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Chúng tôi đề xuất đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)” - ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), nói với Pháp Luật TP.HCM.

Theo ông Bình, CII đã công bố với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc CII thành lập Công ty TNHH Đầu tư đường trên cao số 1 (Công ty Đường trên cao số 1) với tỉ lệ tham gia góp vốn của CII là 80%.

Việc CII lập công ty con để thuận lợi cho việc triển khai, quản lý dự án từ khâu lập dự án, thiết kế, thi công và vận hành, khai thác.

Không phá vỡ cảnh quan kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Tuyến đường trên cao số 1 mà CII lập ra công ty để đầu tư là tuyến được theo Quyết định 568/2013 của Thủ tướng về điều chỉnh, quy hoạch GTVT TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2030.

“Như vậy, CII sẽ không đề xuất đầu tư theo hướng tuyến cũ từ nút giao Lăng Cha Cả - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Nguyễn Hữu Cảnh.

Hướng tuyến cũ đi dọc kênh sẽ phá vỡ cảnh quan dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vừa được chỉnh trang.

Ngoài ra, hướng tuyến này còn có nhiều khúc cong cua, gấp khúc nên khi đi trên cao phải xử lý kỹ thuật phức tạp” - ông Bình nói.

Ông Bình cho biết sẽ đề xuất đầu tư theo hướng tuyến mới, cũng bắt đầu từ nút giao Lăng Cha Cả nhưng theo đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện - Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long - Phan Xích Long nối dài - giao với đường Điện Biên Phủ. “Tại đây có một nhánh xuống nút giao đường Điện Biên Phủ.

Nhánh còn lại sẽ đi theo đường Ngô Tất Tố và kết thúc ở cầu Phú An (phường 22, quận Bình Thạnh)” - ông Bình nói.

Toàn bộ chiều dài tuyến khoảng 9,5 km. Theo ông Bình, việc chọn tuyến đường trên cao số 1 từ trung tâm ra sân bay Tân Sơn Nhất vì hiện nay các tuyến đường trên mặt đất đang quá tải.

“CII sẽ liên danh, liên kết với các công ty nước ngoài có tiềm lực tài chính và phát hành trái phiếu công trình hoặc vay vốn ngân hàng để thực hiện dự án.

Trong giai đoạn lập dự án CII sẽ cùng đối tác Nhật Bản khảo sát, lập dự án tiền khả thi… Khi bước sang giai đoạn thi công thì CII và đối tác sẽ là đầu tư chính cho công trình” - ông Bình thông tin.

Xây đường, bao luôn chuyện bồi thường

Công ty Đường trên cao số 1 đã khảo sát sơ bộ. Theo đó, khối lượng nhà, công trình phải giải tỏa nặng nhất là đoạn từ Phan Xích Long nối dài đến Điện Biên Phủ và đoạn Ngô Tất Tố hạ xuống cầu Phú An.

Tổng kinh phí bồi thường, giải tỏa ước khoảng 6.000 tỉ đồng. “Nếu để ngân sách TP chi trả tiền bồi thường thì có thể kéo dài thời gian hoàn tất việc giải tỏa, làm ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện dự án.

Vì vậy, CII cùng đối tác chi trả tiền này. Nhưng nếu được chọn làm chủ đầu tư dự án thì chúng tôi cũng đề nghị TP.HCM và các địa phương hỗ trợ thực hiện nhanh việc giải tỏa, giao mặt bằng sạch.

Nếu được như thế, trong vòng ba năm là chúng tôi hoàn tất việc thi công, đưa công trình vào khai thác” - ông Bình khẳng định.

Theo tiêu chuẩn chung, đường trên cao có bốn làn xe chạy hai chiều và có dải phân cách giữa cùng vách chắn an toàn hai bên.

Với “đầu bài” như thế, theo ông Bình hệ trụ từ dưới đất lên có thể nằm lọt giữa dải phân cách của mặt đường hiện hữu.

Còn hệ đà trụ phía trên sẽ là hình chữ T xòe ra hai bên. Ngoài ra, bốn làn đường trên cao sẽ được thiết kế gọn, đẹp để chúng không tỏa ra che hết mặt đường bên dưới.

“Về tổng thể, đường đi trên cao giữa lòng TP không chỉ là công trình cầu, đường mà nó còn là công trình kiến trúc, mỹ thuật bổ sung cho cảnh quan TP.

Nó không thể là thanh gươm xù xì huơ lên giữa lòng TP” - một kỹ sư của CII thông tin thêm.

Năm đường trên cao dài gần 71 km

Theo Quyết định 568/2013 của Thủ tướng, TP.HCM có năm đường trên cao. Cụ thể:

- Tuyến số 1 dài khoảng 9,5 km. Điểm đầu ở nút giao Lăng Cha Cả và điểm cuối ở cầu Phú An.

- Tuyến số 2 dài gần 12 km. Điểm đầu giao với đường trên cao số 1 tại nút giao Lăng Cha Cả - Bùi Thị Xuân - cầu số 5 trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Bắc Hải - Thiên Phước - Âu Cơ - Công viên Đầm Sen - rạch Bàu Trâu - Chiến Lược - hương lộ 2 và kết thúc tại quốc lộ 1 (quận Bình Tân).

- Tuyến số 3 dài hơn 8 km. Điểm đầu giao với tuyến số 2 tại đường Thành Thái - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - rạch Ông Lớn - Nguyễn Văn Linh.

- Tuyến số 4 dài khoảng 7,3 km. Bắt đầu từ quốc lộ 1 (giao với tuyến trên cao số 5) - Vườn Lài - vượt sông Vàm Thuật và đường sắt Bắc-Nam - Phan Chu Trinh - chung cư Mỹ Phước - Điện Biên Phủ, giao với tuyến số 1.

- Tuyến số 5 dài khoảng 34 km. Tuyến đi trùng đường Vành đai 2 (quốc lộ 1) từ nút giao Trạm 2 đến nút giao An Lạc.

______________________________________

Các tuyến đường trên cao được đưa ra từ những năm 2000 là giải pháp để giải bài toán kẹt xe nhưng từ nhiều năm qua, TP không có ngân sách để đầu tư. Nay CII đưa ra đề xuất làm tuyến số 1 thì Sở GTVT ủng hộ tối đa.

Trước mắt, nếu CII trình dự án tiền khả thi lên thì Sở sẽ chỉ đạo các phòng ban phối hợp, hướng dẫn CII thực hiện các bước lập dự án đầu tư, xây dựng thiết kế cơ sở… Trong đó, các thủ tục hành chính phải thật sự đơn giản, gọn, nhanh để giúp CII sớm triển khai dự án.

Ông BÙI XUÂN CƯỜNG, Giám đốc Sở GTVT

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại