TPHCM: Hết tiền, công ty vận hành metro số 1 'cầu cứu' Chính phủ

Hữu Huy |

Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (đơn vị vận hành metro số 1), hiện nay đơn vị hết sức khó khăn, có nguy cơ phải gián đoạn hoạt động do không có bất kỳ nguồn kinh phí nào kể từ tháng 8/2021.

Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) - Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ để trình bày những khó khăn vướng mắc về vấn đề tài chính.

Theo văn bản trên, vận hành tuyến metro số 1 cần khoảng 700 người nhưng đến nay HURC1 chỉ có 15 nhân sự chính thức và đang thiếu tiền để duy trì hoạt động.

Theo HURC1, hiện nay toàn bộ người lao động của công ty chưa được chi trả lương từ tháng 2/2022 đến nay và kể từ tháng 7/2021 chưa được đóng các khoản bảo hiểm xã hội. Công ty hiện hết sức khó khăn, có nguy cơ phải gián đoạn hoạt động do không có bất kỳ nguồn kinh phí nào kể từ tháng 8/2021.

Việc vướng mắc kinh phí hoạt động của HURC1 làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị vận hành tuyến metro 1 . Cụ thể, công ty không đảm bảo đủ nhân sự để tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ theo tiến độ của dự án xây dựng. Công ty cũng không đủ kinh phí để duy trì hoạt động ổn định đến giai đoạn vận hành, khai thác dự án.

 TPHCM: Hết tiền, công ty vận hành metro số 1 cầu cứu Chính phủ  - Ảnh 1.

Việc vướng mắc kinh phí hoạt động của HURC1 làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị vận hành tuyến metro 1.

Theo HURC1, giải pháp duy nhất là tạm ứng sử dụng vốn điều lệ ban đầu được cấp là 14 tỷ đồng để hoạt động. Đến tháng 8/2021 Công ty không còn bất cứ nguồn kinh phí nào để hoạt động, lương và khoản bảo hiểm cho người lao động liên tục trong nhiều tháng không được chi trả.

Liên quan vấn đề này, cuối năm 2021, UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận được sử dụng ngân sách thành phố để bố trí kinh phí đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của HURC1 trong giai đoạn chuẩn bị vận hành khai thác thương mại metro số 1.

Sau đó, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính xem xét, nghiên cứu; trường hợp vượt thẩm quyền, hai bộ đề xuất báo cáo Thủ tướng theo quy định.

Theo HURC1, do Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư có hướng dẫn khác nhau nên đến nay TPHCM chưa thể giải quyết kinh phí cho công ty. Trong khi đó, dù thực hiện phương án của Bộ Tài chính hoặc Bộ Kế hoạch và đầu tư đều cần nhiều thời gian để rà soát, trong khi nhu cầu kinh phí hiện nay rất cấp thiết.

Về phương án, Bộ Tài chính đề nghị TPHCM báo cáo Chính phủ cho phép bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo hoạt động. Còn Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị Thành phố rà soát cơ sở pháp lý, khả năng cân đối ngân sách hoặc các nguồn vốn phù hợp khác để bố trí cho Công ty trong giai đoạn chuẩn bị vận hành, trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

“Do tính chất cấp bách của sự việc trên, công ty kiến nghị Văn phòng Chính phủ quan tâm, hỗ trợ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến đồng thuận chủ trương cho TP được tạm ứng kinh phí trong khi chờ nghiên cứu thực hiện theo phương án hướng dẫn của các bộ”- HURC1 trình bày.

HURC1 trực thuộc UBND TPHCM, 100% vốn nhà nước. Năm 2015, công ty thành lập dựa trên kế hoạch Metro Số 1 khai thác năm 2018, để chuẩn bị trước nguồn lực cùng các điều kiện cần thiết cho quản lý vận hành, bảo dưỡng dự án. Khi thành lập, công ty được cấp vốn điều lệ 14 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị văn phòng, kinh phí hoạt động chưa được cấp.

Theo đề án thành lập công ty và thoả thuận giữa Chính phủ Việt Nam với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA - nhà tài trợ), trước khi vận hành thương mại Metro Số 1, HURC1 chưa có doanh thu nên TP HCM bố trí ngân sách để đảm bảo điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng tuyến metro chậm so với dự tính nên đến nay, công ty không đủ nguồn tạm ứng từ mức vốn ban đầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại