TP Hồ Chí Minh: ‘Đi chợ hộ’ quá tải nhưng nơi được, nơi không

Hoàng Tuyết |

Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện nghiêm chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó” và người dân tuyệt đối không ra ngoài, kể cả đi chợ. Thay vào đó, việc đi chợ của người dân đang được các địa phương thực hiện hộ. Tuy nhiên, việc "đi chợ hộ" cho người dân không hề đơn giản khi có nhiều tình huống "dở khóc dở cười".

Các cán bộ Mặt trận, Hội phụ nữ, tình nguyện viên... "đi chợ hộ" cho người dân từ ngày 23/8 đến nay.

Các cán bộ Mặt trận, Hội phụ nữ, tình nguyện viên... "đi chợ hộ" cho người dân từ ngày 23/8 đến nay.

Quá tải đơn hàng

Những ngày qua, việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân TP Hồ Chí Minh được các cơ quan chức năng thực hiện thông qua các mô hình "đi chợ hộ", cung cấp túi an sinh... Tuy nhiên, sau 6 ngày triển khai, nhiều người dân cho biết vẫn không liên lạc được với người "đi chợ hộ" hoặc vẫn chưa nhận được hàng mua hộ dù đơn đã đặt 3-5 ngày; một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì thông báo “quá tải”...

Chị Lê Thị Ngọc, ngụ thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) cho biết, vì là dân ở "vùng đỏ" nên việc  cung cấp lương thực, thực phẩm cho cả gia đình đều nhờ cán bộ phường, khu phố và tổ trưởng. Tuy nhiên, chị Ngọc đặt đơn hàng 3 ngày nay vẫn chưa nhận được số hàng hóa mình cần. Khi hỏi cán bộ "chốt đơn" thì họ cho biết lượng đơn quá tải nên sẽ giao theo thứ tự.

Không thể chờ đợi, chị Ngọc tiếp tục tìm cách đặt hàng trên hệ thống online của các siêu thị, nhưng những nơi này đều thông báo quá tải, không đặt được hàng.

 TP Hồ Chí Minh: ‘Đi chợ hộ’ quá tải nhưng nơi được, nơi không  - Ảnh 1.

Lực lượng "đi chợ hộ" được huy động từ nhiều thành phần, tuy nhiên vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân.

   

Tương tự, chị Đỗ Thị Giang ngụ ở chung cư Hoàng Kim Thế Gia (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) cho biết, người dân trong chung cư của chị hiện đang rất cần mua thực phẩm, bởi cả chung cư có một siêu thị mini nhưng vì dịch bệnh cũng đã đóng cửa mấy ngày nay. "Người dân đặt hàng “đi chợ hộ” trên trang Zalo của khu phố những 4 ngày vẫn chưa có hồi âm", chị Giang cho biết.

Theo chị Giang, vì không có thực phẩm nên chị đã tìm cách đặt hàng qua siêu thị do khu phố cung cấp nhưng siêu thị lại thông báo tạm ngưng nhận đơn hàng. "Siêu thị thông báo có thể quay lại sau 16 giờ vì đang quá tải, nhưng khi quay lại, tình trạng quá tải vẫn xuất hiện nên tôi không biết khi nào mới có thể mua được hàng. Đã hơn một tuần nay, gia đình tôi và nhiều hộ dân ở chung cư này chưa mua được thực phẩm thiết yếu", chị Giang bức xúc nói.

 TP Hồ Chí Minh: ‘Đi chợ hộ’ quá tải nhưng nơi được, nơi không  - Ảnh 2.

Nhiều cán bộ Mặt trận các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã "đi chợ hộ" cho người dân.

   

Ông Nguyễn Công Chánh, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú cho biết, từ ngày 23/8, khi thực hiện việc đi chợ giúp dân, các đơn vị đã cố gắng phối hợp với các hệ thống siêu thị để lên đơn và giao hàng, tuy nhiên nhiều đơn hàng cũng đang bị người dân không nhận.

"Việc "đi chợ hộ" đang được các phường đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp làm khó cán bộ như giao hàng không có người nhận, một số trường hợp người dân "chỉ đặt thử" nên khi có hàng cũng không nhận. Cụ thể, ngày 27/8, tại phường Tây Thạnh có khoảng 30 đơn hàng người dân đặt mà không nhận hàng. Khi cán bộ gọi tới một vài số điện thoại thì không ai bắt máy, những trường hợp còn lại thì nói không đặt và một số thì nói chỉ đặt thử cho biết... ”, ông Nguyễn Công Chánh phản ánh.

Không đủ nhân viên giao hàng

Theo đại diện các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, hiện các đơn vị đã nhận đến hàng nghìn đơn nên cùng một lúc các siêu thị, cửa hàng không thể phục vụ kịp, mong người dân thông cảm.

 TP Hồ Chí Minh: ‘Đi chợ hộ’ quá tải nhưng nơi được, nơi không  - Ảnh 3.

Các tình nguyện viên là dân quân tự vệ cũng được huy động tham gia "đi chợ hộ" trong mùa dịch.

 

Đại diện Công ty VinCommerce (hiện đang quản lý hệ thống siêu thị VinMart/VinMart+) cho biết, hiện đơn vị đang có hàng nghìn đơn hàng online đang tồn và lượng đơn đặt mới tiếp tục tăng mạnh. Trong khi đó, lực lượng nhân viên được cấp giấy đi đường quá ít nên không thể đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân.

"Đơn vị mong Sở Công Thương, Công an TP Hồ Chí Minh xem xét, đẩy nhanh việc cấp thêm giấy đi đường cho nhân viên của hệ thống để có thể chuẩn bị hàng kịp thời cho người dân", đại diện công ty này cho biết.

 TP Hồ Chí Minh: ‘Đi chợ hộ’ quá tải nhưng nơi được, nơi không  - Ảnh 4.

Một chiến sĩ đang chọn hàng cho người dân tại quận Tân Bình.

 

Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngọc Thương, đại diện hệ thống Bách Hóa Xanh cũng cho biết, hiện nay các hệ thống đặt hàng trực tuyến đang quá tải vì lượng đặt hàng lên tới vài chục nghìn đơn nhưng không có người giao hàng.

Đơn vị cũng đã nỗ lực liên hệ cán bộ phường ở các quận, huyện để kết nối nhận hàng nhưng năng lực của các phường chưa đáp ứng được. Lực lượng này còn quá "mỏng" để phân phối hàng kịp thời cho người dân.

 TP Hồ Chí Minh: ‘Đi chợ hộ’ quá tải nhưng nơi được, nơi không  - Ảnh 5.

Lượng đơn hàng người dân đặt khá cao nên các đơn vị quân đội phải đi giao từ sớm để kịp đến tay người dân.

 

Lý giải nguyên nhân của việc giao hàng chậm khi triển khai "đi chợ hộ", ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, việc cung ứng hàng hóa cho người dân theo phương thức này khá mới và chưa có tiền lệ; cán bộ soạn hàng cho dân cũng chưa có kinh nghiệm. Cụ thể, tại một số địa bàn, đối tượng đi soạn hàng cho dân được huy động từ đội ngũ Tổ COVID cộng đồng, cán bộ hưu trí, tình nguyện viên... Trong đó, một số người lớn tuổi không biết nhiều về công nghệ nên thường xử lý thông tin qua giấy tờ viết tay nên có khó khăn cho việc thống kê, lên đơn hàng cho dân.

“Để giải quyết khó khăn trên, Sở đã phân công các đầu mối phụ trách địa bàn quận, huyện; cung cấp các số điện thoại cho người dân biết người phụ trách "đi chợ hộ" tại địa bàn. Trường hợp có khó khăn nếu liên hệ địa phương không được thì liên hệ Sở Công thương. Ngoài ra, do các lực lượng kiêm nhiệm nhiều công việc ở địa phương nên việc "đi chợ hộ" đang có phần chậm trễ, mong người dân thông cảm”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.

 TP Hồ Chí Minh: ‘Đi chợ hộ’ quá tải nhưng nơi được, nơi không  - Ảnh 6.

Người dân được cán bộ địa phương "đi chợ hộ" giao hàng tận nhà.

 

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, vừa qua cũng có nhiều phản hồi như nhận phiếu đăng ký mua hàng nhưng đến lúc giao thì không ai nhận hoặc đăng ký rồi nhưng không thấy ai giao hàng… "Khi kiểm tra thông tin, có nhiều trường hợp "dở khóc dở cười" như có gia đình có thể vì sợ dịch bệnh nên đã đóng cửa, tổ công tác đến phát phiếu hoặc giao hàng không được vì gõ cửa không ai nghe. Một số nơi đặt hàng xong khi giao đến nơi gọi điện thoại không được hoặc bảo không đặt giao hàng… Vì không có ai nhận nên tổ công tác phải mang hàng về và giao lại vào buổi chiều, dẫn đến chậm trễ hoặc hàng đã bị hư hỏng khiến người dân bức xúc. Tuy nhiên, Sở ghi nhận và sẽ rút kinh nghiệm để từng bước khắc phục các hạn chế nhằm giao hàng nhanh nhất cho người dân", ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, dự kiến, trong thời gian tới, việc "đi chợ hộ" sẽ còn khó khăn hơn khi số lượng lương thực, thực phẩm mà người dân dự trữ từ trước giảm dần, phải tăng cường mua sắm thêm. Vì vậy, Sở đã tham mưu cho lãnh đạo Thành phố những giải pháp về cung ứng hàng hóa cho người dân là cho phép các ứng dụng của doanh nghiệp vận chuyển công nghệ hoặc doanh nghiệp thương mại điện tử có năng lực chuyên môn, nền tảng công nghệ "đi chợ hộ" cho người dân để giảm áp lực cho các cán bộ tại địa phương.

Theo UBND thành phố Thủ Đức, dự kiến từ 17 giờ chiều 28/8, người dân thành phố Thủ Đức sẽ được đặt hàng các gói theo nhu cầu tại các siêu thị, cửa hàng trong địa bàn cư trú trên nền tảng GabMart. Sau đó, đại diện UBND phường sẽ giao hàng đến tận nhà cho người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại