Theo các chuyên gia giao thông, thành phố cần thiết phải sớm có một lộ trình cụ thể để người dân chuyển đổi hình thức sử dụng phương tiện giao thông từ cá nhân sang giao thông công cộng. Trong đó, để hạn chế và tiến tới cấm xe máy, trước hết, hãy đưa cho người dân một lựa chọn khác tốt hơn.
5 năm nữa sẽ hết đi, đứng nhìn nhau
Cũng như Hà Nội, tình trạng kẹt xe ở TPHCM - đô thị lớn nhất nước - khá trầm trọng, nhất là vào giờ cao điểm ở những nút giao thông huyết mạch.
Hình ảnh người dân thành phố vất vả nhích từng chút một vào đầu giờ sáng hay chiều tan tầm không còn quá xa lạ.
Đó là chưa kể khi trời mưa lớn hay triều cường, sự vất vả còn tăng lên gấp bội. Kẹt xe ngày càng trầm trọng ở TPHCM là kết quả của việc hạ tầng giao thông không đáp ứng được lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng.
Theo thống kê của Sở GTVT TPHCM, thành phố đang quản lý gần 8 triệu ôtô và xe máy (7,3 triệu xe máy và gần 640 nghìn ôtô), chưa tính khoảng một triệu xe mang biển số tỉnh đang lưu thông trên địa bàn thành phố.
Mỗi ngày có thêm khoảng 1.000 ôtô và xe máy đăng ký mới. Đáng chú ý, lượng xe ôtô cá nhân tăng cao cũng có một phần do không ít người đầu tư xe để chạy Uber, Grab taxi.
Bằng chứng là từ cuối năm 2015, lượng xe hợp đồng đến 9 chỗ (Uber, Grab) từ 300 xe tăng lên 20.000 xe (gấp 20 lần) cuối năm 2016.
Theo số liệu và tính toán của PGS.TS Phạm Xuân Mai, TPHCM là địa phương có lượng xe máy cao nhất thế giới, trung bình có 910 xe máy/1.000 dân.
Con số này ở Hà Nội là 653, ở Bangkok (Thái Lan) 265, ở Dehli (Ấn Độ) 175 và Jakarta (Indonesia) 160. Hiện 98% gia đình ở TPHCM có xe máy.
Ông Mai cho rằng “xe máy là kẻ chiếm đất” dành cho giao thông của TP, bởi quỹ mặt đường hiện nay của TP khoảng 26 triệu m2 không đủ khả năng chứa 70 - 80% lượng xe máy hoạt động.
Thực tế, lượng xe máy hoạt động chiếm 12 - 48 triệu m2 của TPHCM. Cụ thể hơn, ông Mai đưa ra tính toán: khi lưu thông, một người đi bộ chiếm 0,75m2/người; người đi xe đạp chiếm 6,7m2/người, trong khi người đi xe máy chiếm đến 12m2/người.
“Xe máy gây ra kẹt xe theo kiểu “cuộn chỉ rối", dù CSGT có xuất hiện cũng gặp khó khăn bế tắc khi điều tiết, gỡ rối. Trong khi ôtô thì kẹt thành dòng, CSGT có thể xử lý được” - ông Mai nói thêm.
Còn TS Lương Hoài Nam cho biết: "Cứ hình dung, TPHCM có 7,5 triệu xe máy, mỗi ngày thêm khoảng 1 triệu xe máy ngoại tỉnh đi qua. Cả TP có 3.750km đường, bình quân 1km đường TPHCM gánh hơn 2.000 xe máy.
Cứ vậy tất nhiên ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm là không tránh khỏi. Với tốc độ gia tăng 500.000 xe máy cả TPHCM mỗi năm, 5 năm nữa sẽ hết đi, đứng nhìn nhau”.
Sự bùng nổ xe máy ở Việt Nam, theo các chuyên gia, là do thất bại của chính quyền trong việc phát triển giao thông công cộng.
Nếu hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, đường thông hè thoáng, chắc không ai muốn đi xe gắn máy vì nắng nóng, bụi bặm và nguy hiểm.
Sáu tháng đầu năm 2017, trong khi xe cá nhân tăng nhanh thì lượng người đi xe buýt chỉ tăng nhẹ, số người đi xe buýt đạt 139,8 triệu lượt hành khách, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 40% so với kế hoạch năm 2017.
Phương tiện giao thông đang tiếp tục tăng cao nhưng TPHCM vẫn chưa có giải pháp hạn chế. Ảnh: MINH QUÂN
Hạ tầng giao thông không đáp ứng phát triển
Phương tiện giao thông đang tiếp tục tăng cao nhưng TPHCM vẫn chưa có giải pháp hạn chế. Vì vậy, cho dù TPHCM có xây thêm cơ sở hạ tầng giao thông thì vẫn không đủ đáp ứng bởi đất cho giao thông có giới hạn, trong khi tốc độ lượng xe đưa vào lưu thông vẫn tiếp tục tăng mạnh.
Đặc biệt là từ năm 2017, ngân sách của thành phố chỉ còn được giữ lại 18% tổng doanh thu, tiền đâu để cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng? Nếu cứ thả lỏng phương tiện cá nhân như hiện nay và không có một lộ trình quản lý thì đường sá không đáp ứng được và ùn tắc rất kinh khủng trong thời gian tới.
Không phải nói đâu xa, hiện nhiều tuyến đường TPHCM mới đưa vào sử dụng vài năm đã quá tải. Đi trên đường Võ Văn Kiệt từ chợ Bến Thành - đường Phó Đức Chính hướng ra cửa ngõ miền Tây hoặc ngược lại, nhiều người không còn thấy con đường “giao thông xanh” này rộng rãi và thông thoáng như năm 2010 khi mới đưa vào sử dụng.
Con đường đẹp bên cạnh dòng kênh Tàu Hủ, Bến Nghé dài 13,7km cho 8-10 làn xe bây giờ trở nên chật hẹp vì lượng xe quá đông, nhất là xe máy.
Đơn vị quản lý đường đã thu hẹp làn ôtô để mở rộng thêm làn đường cho xe máy, nhưng tốc độ xe vẫn giảm hơn trước rất nhiều. Tốc độ xe chạy trên đường này đã giảm 10 - 20 km/h so với cách đây 7 năm.
Tương tự, nhiều tuyến đường sau một thời gian ngắn được đầu tư mở rộng như: Trường Chinh, Cộng Hòa, Tôn Đức Thắng, Hùng Vương, Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường vành đai quốc lộ 1 đoạn từ Thủ Đức đến An Lạc (huyện Bình Chánh) cũng đã quá tải, so với năm 2010, nhiều đoạn phải chạy chậm như “rùa bò”.
Nguyên nhân chính là lượng xe đưa vào lưu thông tăng vọt, trong khi cơ sở hạ tầng được xây dựng mới chưa đáp ứng.
TPHCM đến năm 2030 sẽ cấm xe máy?
Kẹt xe đang là nỗi ám ảnh của người dân tại đô thị lớn nhất nước, dù sớm hay muộn thì TPHCM phải có một lộ trình hạn chế xe cá nhân, đặc biệt là xe máy.
Dĩ nhiên không cấm ngay mà phải có lộ trình từng bước, để hạn chế tiến tới cấm xe máy, trước hết, hãy đưa cho người dân một lựa chọn khác tốt hơn.
Hiện Sở GTVT TPHCM đã bắt đầu nghiên cứu lộ trình cấm xe máy vào khu trung tâm với đề án mang tên Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân.
Bước đầu đề án đưa ra từng giai đoạn thực hiện và dự kiến đến năm 2030 (hoặc sau đó) sẽ ngưng toàn bộ xe máy đi vào một số khu vực trung tâm và nơi thường xảy ra ùn tắc.
TS Lương Hoài Nam cho rằng, TPHCM phải xem xe buýt là loại hình giao thông công cộng chiến lược và chủ lực từ nay đến năm 2030, từ đó có chính sách đầu tư và phát triển.
“Khi Hà Nội thông qua đề án cấm xe máy, mạng xã hội tranh luận rất nhiều, có nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng nhiều ý kiến phản đối. Trong đó, vấn đề nhiều người quan tâm nhất là nếu cấm xe máy thì dân đi bằng gì?” – TS Nam nhấn mạnh.
Để hạn chế xe máy, ông Nam cho rằng, TPHCM cần phải mang lại cho người dân hệ thống giao thông công cộng hiện đại, an toàn văn minh và rẻ hơn xe máy.
Đồng thời cần phải có lộ trình và chiến lược cụ thể để phát triển xe buýt cũng như nghiên cứu thay đổi giờ học, giờ làm việc.
Bên cạnh đó, cấm xe máy phải gắn liền với cải tạo đô thị, dần dần tiến tới xóa bỏ nhà phố, xây dựng đô thị cao tầng. Nên hạn chế phương tiện cá nhân theo vành đai hạ tầng, áp dụng tại các quận trung tâm trước.
Trong khi đó, PGS.TS Phạm Xuân Mai cũng cho rằng, TPHCM muốn có hệ thống xe buýt bao phủ thì cần 21.000 chiếc xe buýt cả lớn và nhỏ.
Có xe buýt nhỏ trung chuyển hành khách ra các tuyến xe buýt lớn vì TPHCM có nhiều tuyến hẻm nhỏ. Hơn nữa, nhất thiết phải xây dựng giải pháp tổ chức quản lý chính quyền giao thông đô thị.
“Rất nhiều người dân sử dụng xe máy để làm ăn. Nếu cấm thì phải tính phương án dân đi bằng gì, nên có xe buýt nhỏ để trung chuyển hành khách.
Xe tải nhỏ loại 500kg được di chuyển trong thành phố cả ngày lẫn đêm để người dân mưu sinh” - ông Mai nói.
Theo ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TPHCM, từ nay đến năm 2030, TPHCM không cấm xe máy mà chỉ nghiên cứu cũng như thực hiện các biện pháp để kiểm soát việc sử dụng loại phương tiện này cùng các phương tiện giao thông cá nhân khác.
“Chỉ khi nào chứng minh được có đủ phương tiện giao thông công cộng cho người dân đi lại thì TPHCM mới tính đến việc cấm xe máy” – ông Cường nói.
Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, xe buýt vốn đang được xem là một trong những loại hình chủ lực của thành phố cho đến khi có những tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn như metro, xe buýt sẽ dần được chuyển đổi từ chủ lực qua trung gian để chuyên chở hành khách đến các tuyến metro.
“Trước mắt, Sở GTVT sẽ phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, UBND các địa phương khảo sát để nắm bắt nhu cầu, thói quen đi lại cũng như quan điểm về các chính sách quản lý giao thông để tiếp tục xây dựng đề án kiểm soát xe cá nhân.
Dự kiến cuối năm nay sẽ trình đề án cho HĐND TPHCM xem xét” – ông Cường cho biết.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội và TPHCM.
Người đứng đầu Chính phủ sẽ làm Trưởng ban chỉ đạo, các phó ban gồm một Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư và Chủ tịch UBND Hà Nội, TPHCM. Các thành viên gồm lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.
Đây là lần đầu tiên Chính phủ thành lập ban chỉ đạo chuyên giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông do người đứng đầu Chính phủ trực tiếp điều hành. Trước đó, vào đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP HCM về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Thủ tướng yêu cầu có lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường phương tiện vận chuyển công cộng, tổ chức lại không gian vận chuyển của TP.
Theo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân tại TPHCM, cùng với phát triển vận tải hành khách công cộng thành phố cần các biện pháp tài chính, hành chính, kỹ thuật để kiểm soát tiến tới hạn chế xe cá nhân.
Việc này sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Từ nay đến 2020 TPHCM tăng phí trông giữ xe, hạn chế đỗ xe máy trong khu vực trung tâm, mở rộng không gian đi bộ.
Song song đó, thành phố đẩy mạnh phát triển xe buýt, khuyến khích người dân sử dụng xe buýt, thu phí xe cơ giới vào khu vực trung tâm...
Sau năm 2020, tập trung phát triển các tuyến metro, BRT theo quy hoạch; giới hạn đăng ký mới xe cá nhân. Đặc biệt sẽ phân vùng, hạn chế và ngưng hoạt động xe máy vào năm 2030 (hoặc sau 2030) tại khu vực trung tâm và những nơi thường xảy ra ùn tắc.