Theo thống kê của Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), trên địa bàn TP có 8.864 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, kích dục. Có 21 tụ điểm, tuyến đường thường xuất hiện hiện tượng hoạt động tệ nạn mại dâm nơi công cộng.
Chỉ riêng 9 tháng năm 2018, cơ quan chức năng đã kiểm tra 5.466 cơ sở, phát hiện 2.816 nơi kinh doanh có sai phạm liên quan đến mại dâm, kích dục và xử phạt tổng cộng hơn 19 tỷ đồng.
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP HCM cho rằng một số quy định pháp luật về phòng chống tệ nạn mại dâm không còn phù hợp với thực tiễn, chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh, phòng chống mại dâm trong tình hình mới.
Cụ thể, luật hiện tại chưa có biện pháp chế tài về xử lý đối với các đối tượng hoạt động mại dâm nam và đồng tính, mại dâm chuyển giới và các đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi khiêu dâm, kích dục. Những hành vi này đang diễn ra rất phổ biến trong nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.
Pháp lệnh Phòng chống mại dâm chỉ đề cập tới việc xử phạt mua bán dâm thông thường, thỏa thuận trao đổi tiền hoặc lợi ích vật chất khác với mục đích giao cấu. Trong khi giao cấu được hiểu là việc quan hệ giữa nam và nữ, còn giữa nam với nam thì chưa thuộc phạm vi điều chỉnh trong pháp lệnh.
Điều này khiến cơ quan chức năng khó xử lý mại dâm đồng giới, hành vi kích dục, khiêu dâm bởi hiện hành chưa hề đề cập việc xử lý tổ chức, cá nhân bao che, thực hiện những hành vi này.
Do đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM đã kiến nghị Chính phủ bổ sung hành vi khiêu dâm, kích dục trong quy định xử phạt hành vi "Sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh".
Ngoài ra, Sở đề xuất phương án lấy ý kiến chính quyền địa phương khi cấp phép hoạt động cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ để dễ kiểm soát phòng chống tệ nạn xảy ra.