Trong khi tour du xuân tại miền Bắc được lựa chọn nhiều thì miền Trung lại ế khách
Chưa bao giờ du lịch Tết lại tốt như thế
Dù “chạy” chương trình du lịch Xuân Tân Sửu từ đầu tháng 11/2020 với chùm tour độc lạ, thêm phần trải nghiệm cho khách hàng, song tới thời điểm này, khi chỉ còn hơn 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, đại diện Fiditour - Vietluxtour cho hay, sức mua vẫn rất chậm.
“Tầm này mọi năm vé đã hết từ lâu, nhưng năm nay chỉ có các tour miền Bắc bán được từ 60 - 70% lượng vé, ngược lại tour miền Trung dù đã “chạy” hết sức nhưng mới chỉ bán được 30 - 40%”, vị này nói và lý giải: “Miền Bắc thời tiết lạnh, có nhiều điểm du lịch khám phá, trải nghiệm, check-in.
Trong khi đó, các điểm du lịch tại miền Trung lại quá quen thuộc, không còn hấp dẫn. Đặc biệt, Tết này vé đặt đi Phú Quốc cũng không còn nhiều bởi do dịch bệnh, không đón được khách quốc tế nên kích cầu quanh năm”.
Mới đây, Công ty CP Du lịch Việt cũng công bố chương trình tri ân chào mừng kỷ niệm 13 năm thành lập với hàng loạt tour được quảng bá “không lợi nhuận”.
Tuy nhiên, chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Trần Văn Long, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt cho hay: “Thực ra kỷ niệm 13 năm chỉ là cái cớ, để thực hiện các tour giá gốc, chúng tôi đã hợp tác với các hãng hàng không lớn như: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và nhiều đối tác.
Nếu như trước kia buộc phải ấn định ngày đi - về thì giờ đây du khách chỉ cần đặt vé, sau đó thoải mái lựa chọn thời gian, đi hay ở tới lúc nào cũng được. Nếu khách có thay đổi ngày giờ, chỉ mất thêm tiền phí phát sinh”, ông Long cho hay.
Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt cũng khẳng định, chưa khi nào đi du lịch Tết lại tốt như bây giờ, thậm chí chi phí đi du lịch còn rẻ hơn tiền ăn chơi Tết ở nhà. “Các tour trọn gói từ vé máy bay tới ăn nghỉ tại khách sạn 3 sao ở miền Bắc trong 4 ngày chỉ khoảng 5 triệu đồng, nếu 5 ngày thì tăng thêm 500 nghìn đồng.
So với cùng kỳ, giá đã giảm từ 30 - 50%. Tuy nhiên, điều lợi nhất là tour Tết năm nay không bị căng thẳng, đổ dồn như mọi năm. Khách không phải chen chúc, phòng ốc, nhà nghỉ nhiều nơi chất lượng quốc tế đều dành cho khách nội địa”, ông Long chia sẻ.
Trước đó, các hãng lữ hành cũng phải “nát óc” nghiên cứu tâm lý thị trường mới quyết định tung ra các gói phục vụ khách miền Nam như: Sắc xuân Tây Bắc 5 ngày 4 đêm chỉ khoảng 10 triệu đồng trọn gói; Thiên đường biển Phú Yên - Quy Nhơn 3 ngày 2 đêm với giá trọn gói chỉ khoảng 6 triệu đồng/khách; Cung đường di sản miền Trung với các điểm đến tại Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Hội An, lịch trình từ 3 - 5 ngày cũng chỉ từ 7 triệu đồng/khách… Khám phá Đảo ngọc Phú Quốc kết hợp lặn ngắm san hô 3 ngày, giá trọn gói chỉ khoảng 5 triệu đồng/khách…
“Tính ra, giá mỗi tour đều thấp hơn cùng kỳ các năm trước ít nhất 2 triệu đồng/vé. Trong khi đó, tổ chức tour an toàn trong mùa dịch cũng phải thêm nhiều chi phí phát sinh. Đơn cử khách đi trong mùa này được phát khẩu trang, nước rửa tay, vitamin C…”, đại diện Fiditour - Vietluxtour cho hay.
Ngoài giảm giá, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng tăng ưu đãi làm mới tour như: Vừa du xuân vừa sắm Tết về Cần Đước, Sa Đéc hay Mỹ Tho trong 1 ngày từ 700 - 900 nghìn đồng/khách…
Đóng cửa còn hơn chịu lỗ thêm
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Văn Bảy, Phó giám đốc Vietravel Hà Nội cho hay, giá tour nội địa năm nay giảm từ 15 - 30% so với Tết 2020. Ngoài ra, hàng loạt ưu đãi cũng được tung ra để hút khách như: Gia đình đi tour 3 thế hệ nhận mức 1,2 triệu đồng; Tặng voucher phòng khách sạn 5 sao cho hóa đơn mua tour Xuyên Việt từ tên 30 triệu đồng…
“Để có được mức giá này, Vietravel đã sớm lên kế hoạch từ tháng 10/2020, phối hợp cùng các đơn vị cung ứng dịch vụ cho tour Tết, từ điểm tham quan, nhà hàng, khách sạn và hàng không đều liên kết để kích cầu cho du lịch nội địa”, ông Bảy thông tin.
Cũng theo đại diện Vietravel, bên cạnh tour trọn gói dịch vụ ăn ở, đi lại, hướng dẫn viên và tham quan theo lịch trình có sẵn, Vietravel mở bán thêm vé máy bay hoặc combo vé máy bay và khách sạn cho du khách có nhu cầu du lịch tự túc. Các gói tour được chia theo dịch vụ 3 sao, 4 sao, 5 sao để khách hàng lựa chọn.
“Vietravel cũng gia tăng các dịch vụ đi kèm cho cá nhân, nhóm nhỏ như đưa, đón khách du lịch tại sân bay, hướng dẫn viên riêng hay thiết kế tour nửa ngày, một ngày theo yêu cầu, tour có trải nghiệm mới lạ…”, ông Bảy phân tích.
Dù vậy, nằm trong tình cảnh sức mua chậm, theo ông Bảy, tính đến 19/1, tỉ lệ bán tour Tết tại Vietravel mới đạt khoảng 65%.
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng nhận định, giá tour Tết Tân Sửu 2021 “rẻ chưa từng có”.
“Nhiều tour bán ra đã tính đến cả những trường hợp khách có tâm lý tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu nên giá chỉ còn 3 - 4 triệu đồng chứ không phải chục triệu đồng như trước đây. Để làm được điều này, các doanh nghiệp lữ hành, hàng không, lưu trú… đã phải bắt tay nhằm đảm bảo được chất lượng tour với mức giá ưu đãi nhất”, ông Hoan cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Hoan, tới cận Tết, mãi lực tour vẫn rất yếu, đặc biệt tour miền Trung gặp nhiều khó khăn do tâm lý khách không còn háo hức.
“Tới nay, nhiều ngành vẫn chưa thấy Tết đâu, nên không khí ăn chơi vẫn trầm lắng. Những năm trước, người dân đổ xô đặt vé sớm để hưởng giá rẻ thì năm nay không việc gì phải lo lắng. Không còn lo chuyện quá tải, thiếu chỗ, thêm vào đó tình hình dịch cũng chưa ổn định nên sát ngày khách mới đăng ký cho chắc chắn”, ông Hoan nhận định.
Với mức giá “không thể giảm thêm” như hiện nay, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết đã có nhiều đơn vị tour, cơ sở lưu trú ngừng hoạt động thay vì càng mở ra lại càng phát sinh lỗ.
“Tâm lý khách vẫn chờ đợi giá tour Tết giảm thêm nhưng nếu giảm nữa thì các đơn vị cung ứng dịch vụ lại thêm lỗ. Chính vì thế, họ thà đóng cửa chấp nhận mất những chi phí cố định còn hơn mở ra lại phải chịu thêm nhiều chi phí biến đổi khác”, ông Hoan lý giải.
Chia sẻ với PV, lãnh đạo nhiều đơn vị lữ hành đều chọn cách im lặng trước những con số tổng kết hoạt động sau 1 năm chống chọi với dịch Covid-19. Ông Trần Văn Long cho hay, từ đầu mùa dịch, nếu không nhanh chân chuyển sang mảng thiết bị y tế tiêu hao thì khó có thể trụ được đến ngày hôm nay.
“Việc sản xuất và xuất khẩu combo khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ, kính và nước rửa tay tuy có đem lại doanh thu song lợi nhuận rất thấp, chỉ đủ bù vào chi phí hoạt động tối thiểu của công ty mà thôi”, Giám đốc Du lịch Việt nói.
Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông, Hiệp hội Du lịch Việt Nam
Hãng tour không dám nhắc đến hưởng Tết
Mức thưởng phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh. Thế nhưng, bước qua một năm khó khăn, các hãng tour duy trì được mức lương tối thiểu là may mắn lắm rồi, đâu dám mơ về thưởng Tết.
Nếu như năm trước, nhiều đơn vị chốt thưởng cho mỗi nhân viên hàng trăm triệu đồng, cao nhất là nửa tỷ đồng thì năm nay, nhiều đơn vị trụ lại chỉ dự kiến chi thêm 1 tháng lương thứ 13 cho khoảng 1/3 nhân viên mang lại doanh số.