Câu chuyện đại học một ngành, ra trường làm một nẻo không còn là chuyện hiếm. Vì thiếu kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công việc hay kỹ năng mà nhiều người liên tục gặp chuyện không ưng ý, rồi chợt nhận ra làm thứ hoàn toàn khác đôi khi cũng tốt. Điển hình như câu chuyện của nữ sinh Sư phạm dưới đây.
Cô bạn chia sẻ sau khi ra trường đã xin vào trường công nhưng vì nhiều lý do nên mãi không được biên chế, cộng thêm mức lương bèo bọt, công việc tẻ nhạt nên đã quyết định chuyển hướng bán chè. Nào ngờ nữ sinh rất "mát tay" kinh doanh nên thu nhập ngày càng khấm khá, thậm chí đang dần tích cóp vốn riêng.
Học đại học 4 năm nhưng trầy trật không xin được biên chế, nữ sinh Sư phạm đổi hướng đi bán chè. (Ảnh minh họa)
"Chào mọi người, mình học 1 trường về ngành Sư phạm (xin phép giấu tên trường) vì bài viết này cũng không đáng tự hào cho lắm. Gia đình mình có 4 người gồm bố mẹ, anh trai đi lấy vợ và mình. Bố mình là công nhân về hưu, mẹ nấu ăn cho công nhân ở khu công nhiệp, thu nhập được mấy đồng đâu, đáng nhẽ ra là về hưu sớm hơn vì bố mẹ sức khoẻ yếu nhưng họ thương vì làm ở đó nhiều năm nên giữ lại làm.
Anh mình sau khi lấy vợ thì lên Hà Nội làm nhưng cũng chỉ đủ tiền nuôi vợ con, chẳng gửi được tiền về cho gia đình mấy. Còn mình sinh sau đẻ muộn, sau khi học xong 4 năm đại học ra thì cũng về quê làm đúng ngành sư phạm, xin mãi mới được kí hợp đồng 1 năm 1 với trường công.
Cũng hi vọng nếu có vị trí, có biên chế sẽ thi để đỗ nhưng 3 năm trôi qua, mình khỗng đỗ vị trí nào hết, và sau 3 năm chán nản vì lương thấp, mãi không vào được vị trí, chán vì công việc cũng dở dở ương ương.
Rồi rất nhiều suy nghĩ nữa, bằng tuổi mình thì con gái có bạn đã lập gia đình, có bạn chăm lo được cho bố mẹ, đây mình lương 3 cọc 3 đồng, tiêu chẳng dám tiêu, mua chẳng dám mua vì tiêu gì, mua gì 1 cái coi như tháng ấy chẳng để ra được đồng nào cho bố mẹ.
Mình quyết định xin nghỉ hợp đồng về bán chè vì mẹ mình nấu chè khá ngon. Mình cũng nghĩ đơn giản là mở 1 quán chè tại nhà sau đó bán, ít ra thu nhập vẫn hơn là việc đi dạy mà thời gian cũng thoải mái hơn, có nhiều thời gian để mình suy nghĩ và làm việc khác.
Nữ sinh dần trở nên chán nản vì không đỗ được vị trí mong muốn, công việc tẻ nhạt.
Lúc đó là cách đây hơn 2 năm, ban đầu cũng khó khăn nhưng mọi thứ cũng thuận lợi, thu nhập 2 triệu, 4 triệu, 7 triệu…cứ thế lên dần.
Mình và mẹ nấu, bố phụ giúp bán có thuê thêm 1 nhân viên nữa, dần thu nhập quanh mức 20 triệu. Việc mở thêm quán hay mở rộng thì mình cũng chưa nghĩ tới vì hiện tại mình cũng đã khá mệt. Mệt nhưng được cái thu nhập ổn hơn rất nhiều so với việc đi dạy trước kia.
Nhiều người nói với mình rằng bán chè thì thu nhập chỉ có thế, sao không kiếm công việc nào ổn định thành ra hơi vô duyên "Học 4 năm đại học, tốn tiền ăn ở trên đó mà giờ về bán chè, sao không bán chè từ sớm".
Đâu phải ai muốn thế đâu, công việc có nhiều thứ không như mình nghĩ thì mới phải vậy. Mà mình bán chè có sao đâu, cũng chẳng sai mà, mình còn thấy đỡ hơn nhiều, thoải mái hơn, có tiền cho bố mẹ dưỡng già, lo được cho bản thân, sắm được nhiều thứ cho gia đình.
Mình tâm sự vì đợt này thấy nhiều bạn chia sẻ về công việc, 1 bạn chia sẻ học đại học về bán bún riêu, 2 người bạn thân về bán ốc... mới thấy có nhiều người giống mình. Mình cũng đã có 1 khoản tiết kiệm sau từng ấy thời gian, chắc sắp tới nếu có thời gian, mình sẽ làm thêm không thì cứ gửi tạm ngân hàng.
Thôi dù sao như này thì cuộc sống cũng ổn, cũng thoải mái hơn."
Ai ngờ cô nàng cực kỳ "mát tay", chẳng mấy chốc đã thu nhập xấp xỉ hàng chục triệu đồng.
Lời chia sẻ của cô nàng chắc hẳn cũng là tiếng nói chung của rất nhiều sinh viên. Ra trường không kiếm được việc ưng ý, nên sẵn sàng nhảy sang hướng nghề hoàn toàn khác. Có người thành công, nhưng cũng không ít bạn chật vật nhưng chung quy nếu được theo đuổi hướng đi khiến mình vui vẻ thì tội gì không thử.
Câu chuyện kinh doanh của đôi bạn thân bán bún ốc thu nhập gần 40 triệu/tháng hay chàng sinh viên Kinh tế Quốc dân bán bún riêu lãi được gần 60 triệu đã tiếp thêm động lực cho nhiều bạn trẻ làm trái ngành. Hẳn nhiên họ cũng nhận nhiều sự gièm pha vì cử nhân đại học mà phải lao động tay chân. Tuy vậy, chẳng có ngành nghề nào sai trái, miễn sao bạn kiếm được tiền và nuôi sống bản thân là đã hạnh phúc lắm rồi.