Rời quê hương đi buôn ba
Tôi tên là Trình Sinh Tân. Hiện đang sống ở Thái An, Sơn Đông (Trung Quốc). Khi còn trẻ tôi đam mê kinh doanh, đi khắp nơi làm ăn. Sau này việc kinh doanh vô cùng phát triển,vợ chồng tôi mua một căn nhà ở Tế Nam và quyết định ở đó sinh sống. Từ lúc mua nhà, vợ chồng tôi ít khi về quê nhà. Chỉ khi nào họ hàng có việc thì chúng tôi mới về quê.
Ở quê, bố mẹ có để lại cho tôi một căn nhà cũ. Sau khi kiếm tiền được kha khá, tôi nghĩ rằng quê nhà dù gì cũng là cội nguồn. Mặc dù chúng tôi có cuộc sống ổn định ở nơi khác, nhưng không thể nào mà từ bỏ quê hương được. Trên mảnh đất bố mẹ để lại, tôi đã xây một căn nhà khang trang hơn để mỗi khi gia đình về quê có chỗ ăn ở.
Mảnh đất ở quê nhà của tôi có vị trí đắc địa, cách núi Thái Sơn không xa, lại ở mặt đường quốc lộ lớn. Mấy năm nay, khách đến núi Thái Sơn du lịch càng nhiều vì thế ngành dịch vụ ở quê cũng phát triển, nhiều nhà hàng xóm căn nên làm ra.
Tốt bụng cho hàng xóm mượn sân nhà
Từ cách đây hơn 20 năm, khi ngành du lịch ở quê bắt đầu phát triển rầm rộ. Mọi người ở khắp nơi đến núi Thái Sơn du lịch kéo theo nhiều ngành cùng phát triển.
15 năm trước, anh Chu, một người hàng xóm của tôi nhìn thấy cơ hội làm ăn kinh doanh, nên cùng với một số người quen góp vốn mở một nhà hàng. Du khách tới ngày càng đông, việc kinh doanh nhà hàng ngày càng tốt lên. Vì bây giờ khách du lịch đi bằng ô tô riêng ngày càng nhiều, nhưng mà nhà hàng ít chỗ đậu. Anh Chu đặc biệt tìm gặp tôi mong muốn mượn hoặc thuê sân nhà để làm bãi giữ xe tạm thời.
Sau khi lấy được chìa khóa cổng từ chỗ tôi, anh Chu ra về và từ đó không thấy quay lại nữa. Bao nhiêu năm, tôi thi thoảng về quê vài lần cũng có tới nhà hàng của anh Chu ăn uống vui vẻ. Anh ấy cũng nhiệt tình đón tiếp, nói chuyện với tôi. Lúc đầu, anh Chu có đưa tôi tiền thuê sân. Tuy nhiên sau khi tôi từ chối 2 lần thì anh cũng không nhắc gì đến nữa. Thấy tôi hào phóng như vậy, anh ấy cũng nhiệt tình với tôi hơn.
Cái kết bất ngờ sau 15 năm
Gia đình tôi đã lập nghiệp và sinh sống ở thành phố khác, nhưng quê hương thì không thể bỏ được. Đến nay, vợ chồng tôi đã có tuổi, con cháu cũng đã trưởng thành, độc lập và đang tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình.
Bôn ba bên ngoài hơn 20 năm, nhưng tôi không có cảm giác thuộc về.Giờ tuổi tác đã cao rồi nên tôi chỉ muốn về quê chăm mấy con gà trồng mấy luống rau. Cứ đến ngày lễ tết, tôi lại càng muốn về quê hơn. Do đó, đầu năm tôi quyết định tôi và vợ về quê để dưỡng già, các con tôi cũng vui vẻ đồng ý.
"Anh Trình, chẳng phải anh đã mua nhà ở Tế Nam sao? Anh ở bên ngoài sống đã nhiều năm, quê hương bây giờ đã đổi khác, sợ rằng anh sống không quen đâu"' anh Chu vừa nói vừa cười.
"Tôi đã ở đây từ nhỏ sao mà không quen được, cho dù tôi đi hơn 20 năm nhưng suy đi tính lại thời gian tôi ở quê cũng không ít. Trong 1 tháng nữa, anh tìm chỗ để đậu xe mới nhé. Sang tháng sau, chúng tôi sẽ chuyển về đây ở".
Anh Chu nghe xong, tỏ ra vô cùng khó chịu. Anh muốn tôi đợi qua tết Trung Thu, bởi lúc đó khách du lịch tới rất đông, mỗi ngày có thể kiếm 2, 3 vạn NDT (tương đương với 68 - 102 triệu VND). Nghe anh Chu nói vậy tôi cũng đồng ý.
Tôi nói: “Như vậy đi, tháng sau tôi sẽ chuyển đến đây, sân thì anh cứ mượn đến qua rằm trung thu , anh thấy sao?”
Anh Chu liền cảm ơn tôi. Nhưng sau 1 tháng, vợ chồng tôi chuyển về quê ở, anh vẫn chưa sắp xếp việc sân đỗ xe. Anh Chu lại đòi tôi cho thêm thời gian vì chưa tìm được nơi thích hợp.
“Đây không phải là việc tiền bạc, mà tôi chỉ muốn về quê sống cuộc sống yên bình thôi, anh nói xem khách đỗ xe ở sân nhà tôi vô cùng ầm ĩ, có nhiều cái bất tiện” , tôi cũng nói rõ ràng cho anh Chu hiểu.
Thật ra, tôi đoán được, anh Chu đã dùng sân nhà tôi miễn phí nhiều năm, hiện giờ anh có lẽ không nỡ để bị mất mối lợi này. Anh ta miễn cưỡng trình bày lí do rồi nói về nhà thương lượng thêm với vợ.
Tôi không biết là hai vợ chồng họ thương lượng như thế nào, nhưng sau đó anh ấy không mượn sân nhà tôi nữa. Tuy nhiên, vợ anh ấy thỉnh thoảng cố tình dùng những từ khó nghe đứng trước cửa nhà tôi nói to.
“Có người giàu thật. Khi kiếm được tiền, họ bắt đầu khoe khoang". “Người giàu thậm chí còn không biết cách kiếm tiền rơi ngay cửa nhà mình”.
"Một số người quên đi cội nguồn, làng xóm, có tiền ăn thịt nhưng không muốn người khác uống canh".
Vợ tôi thường hỏi, cô hàng xóm có phải đang mắng chúng tôi hay không. Chuyện xảy ra thật vô lý, rõ ràng chúng tôi đã cho anh Chu dùng nhờ sân nhiều năm miễn phí. Nhưng khi lấy lại tài sản của mình chúng tôi lại gặp phải thái độ khó chịu của người hàng xóm. Dù sao, chúng tôi không thể quản được vợ anh ta ấy nói gì nên mặc kệ cho cô ấy nói gì thì nói. Chúng tôi sống tử tế, không thẹn với lòng mình là được.