Ngoài mẫu trực thăng quen thuộc như AH-64 Apache của Mỹ và Ka-52 của Nga ra, trực thăng vũ trang Z-10 của Trung Quốc cũng được liệt kê vào danh sách này.
1 Trực thăng vũ trang AH-64 Apache (Mỹ)
Trực thăng AH-64 có kết cấu thân mạnh mẽ, tập trung vào khả năng chống thiệt hại trong tác chiến.
Phía dưới mũi máy bay trang bị một pháo M230 30 mm, có thể bắn đạn xuyên giáp cỡ nhỏ. Trên máy bay có 2 giá treo, có thể mang tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire hoặc thiết bị phóng rocket Hydra-70, hỏa lực rất mạnh.
2. Trực thăng vũ trang Ka-52 Hokum-B (Nga)
Ka-52 Hokum là trực thăng vũ trang 2 chỗ ngồi đặt song song và sử dụng 2 cánh quạt đồng trục quay ngược chiều nhau, được thiết kế bởi cục thiết kế Kamov Liên Xô (hiện là công ty trực thăng Nga).
Đặc điểm lớn nhất của nó là sử dụng hệ thống ứng cứu khẩn cấp cho phi công với ghế phóng thoát hiểm. Ngoài ra, vị trí 2 động cơ của Ka-52 đặt tương đối xa nhau, giảm thiểu khả năng hai động cơ bị bắn cùng lúc, nâng cao khả năng sinh tồn.
3. Trực thăng vũ trang Mi-28 Havoc (Nga)
Mi-28 là trực thăng tấn công 2 ghế ngồi song song được phát triển bởi cục thiết kế Mil của Nga, buồng lái của trực thăng Mi-28 trang bị giáp hợp kim ti tan và được tích hợp hệ thống thoát hiểm khẩn cấp cho phi công.
Mi-28 có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, mẫu cải tiến mới nhất là Mi-28N có khả năng tác chiến trong đêm, chỉ thua kém trực thăng tấn công AH-64E của Mỹ.
4. Trực thăng vũ trang Eurocopter Tiger EC 665 (châu Âu)
Máy bay trực thăng tấn công Eurocopter Tiger là sản phẩm hợp tác của các tập đoàn hàng đầu châu Âu.
Theo yêu cầu của các nước châu Âu, trực thăng Tiger được phân thành 2 phiên bản, tấn công và hỗ trợ hỏa lực.
Hiện nay trực thăng vũ trang Tiger chủ yếu được trang bị cho các nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Australia. Nó từng được triển khai trong cuộc chiến tại Afghanistan, Libya và Mali.
Trực thăng Eurocopter Tiger được trang bị các loại vũ khí như tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire, tên lửa chống tăng PARS3-LR, tên lửa đối không Mistral, Rocket 70 mm Hydra, Rocket 68 mm SNEB.
5. Trực thăng vũ trang AH-1Z Viper (Mỹ)
Quân đội Mỹ đã mua tổng cộng 200 trực thăng vũ trang AH-1Z, chủ yếu phục vụ trong lực lượng thủy quân lục chiến.
AH-1Z được trang bị động cơ và hệ thống cánh quạt mới, nó còn có thiết bị điện tử hàng không phiên bản nâng cấp, thiết bị truyền lực công suất lớn và hệ thống ngắm mục tiêu mới. Ngoài ra, máy bay còn ứng dụng công nghệ chống bức xạ hồng ngoại.
AH-1Z trang bị pháo 3 nòng cỡ 20mm, có thể mang được 16 quả tên lửa dẫn đường chống tăng Hellfire, nó còn có thể mang rocket không dẫn đường và 2 tên lửa không đối không Sidewinder.
6. Trực thăng vũ trang WZ-10 (Trung Quốc)
WZ-10 là trực thăng tấn công hạng nặng hiện đại nhất do Trung Quốc sản xuất trên cơ sở thiết kế của hãng Kamov Helicopter (Nga).
WZ-10 được thiết kế với vai trò chủ yếu là tác chiến chống xe tăng, vai trò thứ yếu là khả năng không đối không ở tầm thấp khi cần. Hỏa lực gồm pháo tự động 30mm, tên lửa dẫn đường chống tăng HJ-8/9/10 và tên lửa không-đối-không TY-90. Ngoài ra, nó có thể mang theo các pod rocket.
WZ-10 có thể đạt tốc độ tối đa 300km/h, tốc độ hành trình 250km/h, tầm bay 800km, trần bay 6 km.
Theo ông Wu Chengfa, Phó giám đốc thiết kế máy bay trực thăng WZ-10, mẫu trực thăng của Trung Quốc có những khả năng tương tự như trực thăng Eurocopter Tiger châu Âu. Vì thế, nó không hề yếu thế nếu phải đối đầu với trực thăng Apache của Mỹ trong một cuộc không chiến.
Trong khi đó, báo chí Hàn Quốc cho rằng trực thăng WZ-10 đã lạc hậu do thời gian nghiên cứu quá lâu, áp dụng kỹ thuật không phù hợp với chiến thuật truyền thống và lực lượng quân đội đông đảo của Trung Quốc.
Thực tế cũng cho thấy trực thăng WZ-10 đã không ít lần gặp trục trặc trong quá trình hoạt động.