Top 5 đại sư võ công cao nhất trong truyện của Kim Dung: Hư Trúc và hậu duệ Đoàn Dự đều trượt vị trí đầu

Nguyệt Phạm |

Thậm chí, nhiều vị đại sư còn được công nhận là có võ công mạnh nhất trong giới võ lâm.

Trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung, các đại sư là cao thủ võ lâm chiếm số lượng không nhỏ. Họ không chỉ có thực lực mạnh mẽ mà còn xuất hiện trong nhiều tình tiết quan trọng trong các tác phẩm. Hãy cùng xem top 5 đại sư có thực lực mạnh nhất trong các tiểu thuyết của Kim Dung là những ai nhé!

5. Kim Luân Pháp Vương

Kim Luân Pháp vương, hay còn được gọi là Kim Luân Quốc sư là nhân vật phản diện trong Thần điêu đại hiệp. Ông ta xuất thân từ Kim Cang Tông, một chi của Mật giáo ở Mông Cổ. Sau nhận sách phong Quốc sư của Đại Hãn Mông Cổ, ông ta giúp đỡ Hốt Tất Liệt xâm lược Nam Tống.

Lần đầu tiên Kim Luân Pháp vương xuất hiện là tại Anh hùng đại yến. Tại đây ông ta cùng Hoắc Đô và Đạt Nhĩ Ba tỉ thí võ công với các cao thủ võ lâm Trung Nguyên nhằm trở thành đệ nhất minh chủ võ lâm. Tuy nhiên, ông ta không đạt được ý định do Dương Quá và Tiểu Long Nữ phá đám.

Top 5 đại sư võ công cao nhất trong truyện của Kim Dung: Hư Trúc và hậu duệ Đoàn Dự đều trượt vị trí đầu- Ảnh 1.

Kim Luân Pháp Vương đã vượt qua tầng 9 của Long Tượng Bát Nhã Công và đạt đến tầng thứ 10, võ công đã sánh ngang với Ngũ Tuyệt Trung Nguyên. (Ảnh: Sohu)

16 năm sau, Kim Luân Pháp Vương trở lại Trung Nguyên. Lúc này ông ta đã luyện thành Long Tượng Ban Nhược Công, môn công phu bí truyền của phái Mật Tông ở Tây Tạng Long Tượng Bát Nhã Công gồm có 13 tầng. Tầng thứ nhất dễ hơn cả, dù là người ngu dốt, chỉ cần một, hai năm cũng luyện thành. Tầng thứ hai khó gấp đôi tầng thứ nhất, tốn ba, bốn năm luyện tập. Tầng thứ ba khó gấp đôi tầng thứ hai, tốn bảy, tám năm. Cứ thế càng về sau càng khó hơn, thường thường tốn ba chục năm khổ luyện. Mười ba tầng Long Tượng Bát Nhã Công chưa có ai luyện được đến tầng thứ mười. Chỉ duy nhất Kim Luân Pháp Vương đã vượt qua tầng 9 và đạt đến tầng thứ 10, võ công đã sánh ngang với Ngũ Tuyệt Trung Nguyên. Như vậy, Kim Luân Pháp Vương đúng là một bậc kỳ tài hiếm thấy nhiều đời trong phái Mật Tông.

4. Nhất Đăng Đại sư

Đoàn Trí Hưng là một nhân vật trong tiểu thuyết võ hiệp Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ. Đoàn Trí Hưng là Hoàng đế thứ 14 của Đại Lý. Ông là con trai Cảnh Tông Chính Khang Đế Đoàn Chính Hưng và là cháu nội của vợ chồng Đoàn Dự và Mộc Uyển Thanh trong Thiên long bát bộ. Sau nhường ngôi cho con mình là Đoàn Trí Liêm rồi xuất gia lấy hiệu là Nhất Đăng.

Top 5 đại sư võ công cao nhất trong truyện của Kim Dung: Hư Trúc và hậu duệ Đoàn Dự đều trượt vị trí đầu- Ảnh 2.

Nói về võ công, Nhất Đăng Đại sư là một cao thủ sử dụng Nhất Dương Chỉ của Đại Lý Đoàn thị. (Ảnh: Sohu)

Nói về võ công, Nhất Đăng Đại sư là một cao thủ sử dụng Nhất Dương Chỉ của Đại Lý Đoàn thị. Sau này, ông còn được Vương Trùng Dương truyền thụ cho thêm Tiên Thiên Công. Đây cũng là một trong 2 công phu mạnh nhất của Vương Trùng Dương. Ngoài ra, sau khi ông dùng công phu Nhất Dương Chỉ của mình cứu sống Hoàng Dung thì đã bị thương nặng nhưng nhờ khẩu quyết trong Cửu âm chân kinh mới không bị tổn hao công lực.

Trong kỳ Hoa Sơn Luận Kiếm lần thứ nhất, ông đã trở thành một trong Thiên hạ ngũ tuyệt, hiệu xưng là Nam Đế uy danh lừng lẫy võ lâm (4 người kia là: Vương Trùng Dương, Hoàng Dược Sư, Âu Dương Phong và Hồng Thất Công).

3. Phương Chứng Đại sư

Top 5 đại sư võ công cao nhất trong truyện của Kim Dung: Hư Trúc và hậu duệ Đoàn Dự đều trượt vị trí đầu- Ảnh 3.

Võ công của Phương Chứng Đại sư đã tới mức xuất thần nhập hóa. (Ảnh: Sohu)

Phương Chứng Đại sư là chưởng môn phái Thiếu Lâm, trụ trì Thiếu Lâm tự. Ông xuất hiện trong tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ. Ông nằm trong số ít cao thủ luyện thành Dịch Cân Kinh, 1 trong 10 chiêu thức võ công lợi hại nhất truyện Kim Dung. Võ công công của ông đã tới mức xuất thần nhập hóa, với nội công Dịch cân kinh vô địch cộng với Thiên thủ Như Lai chưởng, ông còn trên cơ cả Nhậm Ngã Hành.

2. Hư Trúc

Hư Trúc là 1 trong 3 nhân vật chính (cùng với Tiêu Phong và Đoàn Dự) của bộ tiểu thuyết Thiên long bát bộ. Xuất thân là 1 tiểu hòa thượng địa vị và võ công rất thấp kém của chùa Thiếu Lâm nhưng sau bước đường phiêu lưu với rất nhiều kỳ duyên, Hư Trúc chẳng những có được 1 thân võ công thượng thừa, nắm giữ nhiều quyền lực.

Top 5 đại sư võ công cao nhất trong truyện của Kim Dung: Hư Trúc và hậu duệ Đoàn Dự đều trượt vị trí đầu- Ảnh 4.

Hư Trúc là một trong những nhân vật có võ công cao nhất trong Thiên long bát bộ. (Ảnh: Sohu)

Xét về võ công có thể nói Hư Trúc là một trong những nhân vật có võ công cao nhất trong Thiên long bát bộ vì chàng tiếp nhận nội công thâm hậu của ba cao thủ là Vô Nhai Tử, Thiên Sơn Đồng Lão và Lý Thu Thủy, nội công của họ đều có nguồn gốc từ Tiêu Dao phái – một môn phái mạnh nhất trong võ lâm.

1. Vô Danh Thần Tăng

Vô Danh Thần Tăng là một nhân vật trong Thiên long bát bộ. Khi ông ta xuất hiện, chẳng có ai nhận ra, thậm chí hòa thượng Thiếu Lâm Tự cũng không gọi ra được tên lão, chỉ biết đó là lão tăng phục vụ ở vào địa vị thấp nhất, quét chùa, làm việc tạp vụ, "chỉ cạo đầu mà không bái sư, không truyền võ công, không tu thiền định, không xếp thứ bậc trong Huyền, Huệ, Hư, Không".

Top 5 đại sư võ công cao nhất trong truyện của Kim Dung: Hư Trúc và hậu duệ Đoàn Dự đều trượt vị trí đầu- Ảnh 5.

rong Thiên long bát bộ, Vô Danh Thần Tăng chính là người có võ công siêu phàm nhất. (Ảnh: Sohu)

Trong Thiên long bát bộ, Vô Danh chính là người có võ công siêu phàm nhất. Vô Danh Thần Tăng chỉ cần nhìn qua là biết được loại võ công mà Cưu Ma Trí dụng chính là Tiểu Vô tướng công của Tiêu Dao Phái. Cưu Ma Trí dấu hai tay trong áo, ngầm sử dụng Vô tướng kiếp chỉ, thần không hay, quỷ không biết nhắm ngay nhà sư búng ra. Ngờ đâu chỉ lực chỉ đến cách nhà sư chừng ba thước liền đụng phải một bức tường mềm nhũn, nhưng cũng hết sức cứng rắn chặn lại, chỉ lực liền tan biến không còn dấu vết gì, nhưng cũng không bật ngược lại.

Những cao thủ như Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác cũng không thể đỡ nổi một chưởng của ông. Ngay cả anh hùng cái thế Tiêu Phong sử Hàng long thập bát chưởng, Mộ Dung Phục dùng thuật Đẩu chuyển tinh di cũng bị ông nhẹ nhàng chặn lại. Sau đó, ông càng làm điều không thể tưởng, mang Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác trở về từ cõi chết còn chữa lành nội thương nhiều năm của họ. Ông cũng là người được xem là đã luyện thành 72 Tuyệt kỹ Thiếu Lâm, Dịch cân kinh, và nhiều tuyệt học khác của Thiếu Lâm tự.

*Bài viết tổng hợp dựa trên các ý kiến chia sẻ quan điểm về những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung từ trang tin Sina, Sohu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại