Tối 6/4/2017 (giờ Mỹ), 59 tên lửa hành trình Tomahawk đã được phóng đi từ 2 tàu chiến Mỹ ở Đông Địa Trung Hải nhằm vào căn cứ không quân Al-Shayrat, Syria để trả đũa cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học của quân chính phủ Syria vào dân thường nước này.
Tomahawk vốn được mô tả là thứ vũ khí "hiện đại và vô cùng mạnh mẽ", có khả năng "tấn công chính xác vào các mục tiêu giá trị cao, trong khi hạn chế những thiệt hại không mong muốn".
Lợi thế lớn nhất của chúng là được dẫn đường bằng GPS, có thể tấn công mục tiêu cách xa trên 1.600km với tốc độ 885km/h.
Cơ chế tiêu diệt mục tiêu của tên lửa hành trình Tomahawk
Tuy nhiên, ngày 7/4, Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra tuyên bố bất ngờ rằng, chỉ 23 trong 59 tên lửa Tomahawk của Mỹ bắn trúng mục tiêu. Vị trí rơi của 36 tên lửa còn lại vẫn chưa được xác định.
Giới quân sự đã đưa ra 3 phán đoán: Một là các tên lửa này do S-400 Nga bắn hạ; hai là bị hệ thống tác chiến điện tử hiện đại của Nga dẫn đi lạc xuống biển và cuối cùng là do lỗi của nhà sản xuất. Không có dữ liệu nào về sự can thiệp của phòng không Syria.
Cho tới thời điểm hiện tại, số phận của 36 tên lửa Tomahawk vẫn chưa có lời giải đáp. Chính phủ Mỹ vẫn kiên trì giữ im lặng, còn Nga ngay từ đầu đã khẳng định không hề can thiệp vào vụ việc này.
"Quân đội chúng tôi (ở Syria) chỉ chống lại chủ nghĩa khủng bố chứ không chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài. Đó không phải là nhiệm vụ của chúng tôi" - Thượng nghị sĩ Viktor Ozerov, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh và Quốc phòng Duma (Thượng viện) tuyên bố khi trả lời phỏng vấn của hãng Interfax hôm 10/4.
Có điều, ông Ozerov lại lấp lửng rằng Quân đội Syria có quyền bắn hạ tên lửa nhằm vào họ.
Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ tàu khu trục Mỹ nhằm vào căn cứ Syria. Nguồn: RT
Tàu ngầm ARA San Juan của Hải quân Argentina, với 44 thủy thủ, đã bất ngờ mất liên lạc trên Đại Tây Dương hôm 15/11 khi di chuyển từ căn cứ Ushuaia đến thành phố Mar del Plata.
Lộ trình của ARA San Juan. Đồ họa: DW
Đây là tàu ngầm diesel - điện lớp TR-1700 do Đức chế tạo, được hạ thủy ngày 20/6/1983 và biên chế ngày 19/11/1985.
Con tàu từng được nâng cấp giữa vòng đời trong giai đoạn 2008 - 2013 nhằm thay thế động cơ và hệ thống pin điện. ARA San Juan có lượng giãn nước 2.336 tấn khi lặn, tầm hoạt động 22.000 km và dự trữ hành trình 30 ngày.
Argentina bắt đầu tìm kiếm ARA San Juan hôm 17/11 với sự hỗ trợ từ 15 quốc gia hôm 17/11 và thông báo kết thúc chiến dịch cứu hộ hôm 30/11 do không còn hy vọng có người sống sót. Công tác tìm kiếm vẫn được tiếp tục nhưng không có những thiết bị cần thiết để cứu người.
Quân đội Argentina tin rằng một vụ nổ đã khiến ARA San Juan bị chìm. Tàu ngầm được thông báo là bị đoản mạch ắc quy khoảng 10 giờ trước khi có âm thanh như vụ nổ. Trước đó, trong quá trình tìm kiếm, Argentina phát hiện một số tín hiệu thủy âm, nhưng là từ tàu cá bị đắm nhiều năm trước.
Tư lệnh hải quân Argentina Marcelo Srur đã bị cách chức hồi đầu tháng 12 trong cuộc điều tra về vụ mất tích của tàu ngầm ARA San Juan.
Theo truyền thông Argentina, các dự án sửa chữa tàu ngầm ARA San Juan trước đây đang bị nghi có tiềm ẩn hành vi tham nhũng. Và đây rất có thể là nguyên nhân sâu xa khiến con tàu gặp sự cố trong quá trình hoạt động.
Cấu tạo tàu ngầm ARA San Juan. Nguồn: TTXVN
Một máy bay, được cho là máy bay chiến đấu Su-27 do Nga sản xuất, đã rơi gần Vùng 51, bang Nevada của Mỹ, khiến phi công thiệt mạng.
Trung tá Eric Schultz. Ảnh tư liệu
Tai nạn xảy ra hôm 5/9, nhưng thông cáo của căn cứ Nellis ở Nevada của Không quân Mỹ chỉ xác nhận phi công Eric Schultz đã thiệt mạng, song tuyệt nhiên không đề cập đến loại máy bay. Động thái trên làm dấy lên nhiều đồn đoán.
Chiếc máy bay rơi ở vị trí cách căn cứ Nellis khoảng 160km về phía tây bắc, gần Vùng 51, tổ hợp thuộc căn cứ không quân Edwards và vốn được coi là một trong những khu vực bí ẩn nhất nước Mỹ.
Nellis được biết đến là một trung tâm nghiên cứu của Mỹ được lập ra từ thời Chiến tranh lạnh để nghiên cứu các loại vũ khí của đối thủ. Phi công Schultz là chỉ huy phi đội phụ trách thử nghiệm các máy bay quân sự do nước ngoài sản xuất.
Phi đội này bao gồm cả các máy bay chiến đấu Su-27 do Nga sản xuất và được Mỹ mua lại từ bên thứ ba.
Hình ảnh Su-27P tiến hành không chiến giả định với F-16 tại Vùng 51. Ảnh: Phil Drake
Hiện chưa thể khẳng định chính xác chủng loại của chiếc máy bay gặp nạn ở Nevada, song nhiều nguồn tin nói rằng, đây nhiều khả năng là một chiếc Su-27P của Nga. Máy bay loại này từng xuất hiện ở khu vực máy bay rơi hồi năm ngoái.
Giới quan sát cho rằng, Mỹ đang đẩy mạnh phân tích đặc điểm kỹ thuật của các máy bay chiến đấu của Nga trong bối cảnh tần suất chạm trán giữa máy bay quân sự Nga, Mỹ ngày càng tăng ở khu vực Baltic.
Không quân Israel hôm 17/10 cho biết, một tiêm kích F-35I của nước này đã hư hại do đâm phải chim khi trở về căn cứ không quân Nevatim ở miền trung sau một chuyến bay huấn luyện.
Tuy nhiên, nguồn tin Syria và Nga lại khẳng định chiếc F-35I đã bị hệ thống phòng không tầm xa S-200 bắn hư hại sau một cuộc không kích.
Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Israel tuyên bố phòng không Syria đã phóng tên lửa tấn công một tiêm kích của nước này khi đang thực hiện "cuộc tuần tra thường nhật" trên không phận Lebanon, nhưng quả đạn bắn trượt mục tiêu.
Để đáp trả, không quân Israel đã phá hủy một hệ thống S-200 Vega ở phía đông thủ đô Damascus của Syria.
Trang Southfront, chuyên theo dõi hoạt động quân sự Nga tại Syria, đặt nghi vấn: "Vụ tai nạn (của F-35) được cho là xảy ra vào đầu tháng 10, nhưng tới ngày 16/10 mới được công bố rộng rãi. Bên cạnh đó, các nguồn tin Israel không thể đưa ra hình ảnh chiếc F-35I bị hư hại để chứng minh nó đâm phải chim".
Tiêm kích tàng hình F-35 của Israel. Ảnh: southfront.org
Không quân Israel chỉ tiết lộ tiêm kích F-35I này có thể không còn khả năng hoạt động do hỏng quá nặng, mức độ hư hại hiếm thấy trong các tai nạn đâm phải chim.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Mỹ Tyler Rogoway cho rằng Tel Aviv không có lý do để phải công khai hình ảnh của tiêm kích tàng hình bị hư hỏng, dù nó bị bắn trúng hay đâm phải chim.
Theo ông Rogoway, phi đội F-35I vừa được đưa vào biên chế không quân Israel, họ khó có thể triển khai chúng cho nhiệm vụ tấn công Syria, trừ phi có trường hợp khẩn cấp. Những chiếc F-35I cũng không được tối ưu cho nhiệm vụ trinh sát không ảnh trên bầu trời Lebanon.
Sức mạnh tên lửa S-200
Một tài liệu được Reuters đưa ra làm bằng chứng cho thấy đã có ít nhất 131 công dân Nga thiệt mạng ở Syria trong 9 tháng đầu năm nay. Theo Reuters, tài liệu này là bằng chứng xác thực bởi chúng là những tờ giấy chứng tử do cơ quan lãnh sự Nga tại Damascus ký ngày 4/10/2017.
Đây là một con số quá lớn khiến giới truyền thông phải kinh ngạc.
Giấy chứng tử có số serial 131 ở góc trên bên phải. Ảnh: Reuters
Trong tuyên bố ngày 27/10, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Kremlin cho biết: "Chúng tôi không có thông tin về các cá nhân từng đến Syria". Còn theo thống kê chính thức của quân đội Nga, số nhân viên quân đội Nga thiệt mạng tại Syria tính tới thời điểm đó là 16 người.
Tuy nhiên, hãng thông tấn Anh tuyên bố họ đã tìm ra manh mối sau khi thành lập các nhóm điều tra tại Nga.
Qua các cuộc phỏng vấn với gia đình và bạn bè của một số người đã qua đời và các quan chức ở quê nhà của họ, Reuters xác định được rằng trong số những người đã chết có lính đánh thuê tư nhân Nga. Họ đã thiệt mạng trong khi chiến đấu bên cạnh lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Hình ảnh được cho là 3 lính đánh thuê Nga chụp với các binh sĩ quân chính phủ Syria tại Latakia tháng 1/2016. Ảnh: Alaraby
Trước đó, theo truyền thông phương Tây, những tay súng đánh thuê mà Nga đưa sang Syria thuộc Công ty Wagner - thành lập năm 2014 dưới sự bảo trợ của Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU).
Thành viên của Wagner đều là những cựu đặc nhiệm của các cơ quan quân sự và an ninh Nga, đa số họ đã từng tham gia các chiến dịch chóng khủng bố tại các nước Cộng hòa thuộc Nga và chiến đấu khu vực phía Đông Ukraine.
Trong khi đó, từ trước đến nay, giới chức Nga luôn phủ nhận việc sử dụng lính đánh thuê ở Ukraine và Syria, bởi theo luật của Nga, việc điều động các nhân viên của một nhà thầu quân sự tư nhân sang tham chiến ở một nước khác là điều bất hợp pháp.