Thừa cân hay béo phì
Theo thống kê, có 80% đến 90% bệnh nhân béo phì mắc gan nhiễm mỡ. Béo phì càng nặng thì mức độ gan nhiễm mỡ cũng nặng hơn, lâu ngày sẽ có khả năng dẫn đến viêm gan thoái hóa mỡ và cuối cùng có thể tiến triển thành xơ gan.
Tiểu đường
Gan nhiễm mỡ ít phổ biến ở người tiểu đường type I, nhưng thường xuyên gặp ở bệnh nhân tiểu đường type II do có sự rối loạn về chuyển hoá chất béo. Ước tính, khoảng 50% bệnh nhân tiểu đường type II mắc gan nhiễm mỡ.
Nếu bệnh nhân vừa mắc tiểu đường, vừa béo phì thì mức độ bị gan nhiễm mỡ càng cao, dễ có nguy cơ dẫn đến xơ gan. Vì vậy điều trị tốt bệnh tiểu đường, ổn định đường huyết, thực hiện tốt chương trình giảm cân hợp lý, khoa học là điều quan trọng và hiệu quả để cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ ở người mắc bệnh tiểu đường.
Có 80% đến 90% bệnh nhân béo phì mắc gan nhiễm mỡ.
Tăng mỡ máu
Tăng mỡ máu hay tăng lipid máu (bao gồm tăng triglyceride máu, tăng cholesterol máu hoặc cả hai) cũng thường kèm theo gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tương đối cao.
Việc thực hiện tốt chế độ ăn hợp lý mà chưa cần dùng đến thuốc để giảm mỡ máu cũng góp phần cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.
Nghiện rượu
Gan nhiễm mỡ thường gặp ở người nghiện rượu. Việc tăng tổng hợp và giảm phân giải chất béo trong gan là kết quả của nghiện rượu mãn tính làm mỡ bị ứ lại trong gan.
Cách phòng tránh gan nhiễm mỡ
Để phòng tránh gan nhiễm mỡ người bệnh cần:
- Ăn uống điều độ, đúng bữa, đúng khẩu phần. Nên ăn ít vào buổi tối, không nên ăn sau 19 giờ.
- Hạn chế ăn nhiều các thực phẩm giàu cholesterol như phủ tạng và da động vật, lòng đỏ trứng, chất béo động vật (có thể thay thế bằng chất béo thực vật).
- Hạn chế ăn các món chiên, rán, xào chứa nhiều dầu mỡ, các thức ăn nhanh (pate, thịt nguội, xúc xích).
- Hạn chế ăn nhiều muối. Mỗi người không nên ăn quá 5g muối một ngày;
- Hạn chế hấp thu chất đạm từ thịt, nên thay thế bằng tôm, cua, cá để bổ sung chất đạm cần thiết.
- Hạn chế tối đa cà phê, trà đặc, thuốc lá, rượu, bia và các loại thức uống có cồn khác.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ: Nên tăng cường các thực phẩm tốt cho gan như nấm hương, nước chè xanh, bí đao, dầu đậu nành, tỏi, chanh, cam, quýt, bưởi...
- Tăng cường vận động để phòng bệnh gan nhiễm mỡ. Bạn hãy lựa chọn cho mình một môn thể thao phù hợp và dành ít nhất 30 phút mỗi ngày để tập luyện đều đặn.
- Tránh sử dụng các loại thuốc gây hại cho gan như corticide, thuốc kháng ung thư, hormone sinh dục nữ, amiodarone, methotrexate, diltiazem, tetracycline, thuốc kháng virus, glucocorticoids, tamoxifen… Nếu bắt buộc phải uống để trị bệnh, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để có thể thay thế bằng những thuốc khác.