Đáng tiếc, những mỹ nhân này tuy đẹp và tài năng nhưng số phận của họ lại không có kết thúc tốt đẹp.
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền hay còn gọi là Điêu Thiền, là một mỹ nhân xinh đẹp nổi tiếng xuất hiện trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung. Với sắc đẹp được ví như bế nguyệt (khiến trăng phải thẹn mà nấp sau mây), nàng được xem là một trong Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa.
Với sắc đẹp và tài năng của mình, Điêu Thuyền đã vì muốn báo đáp công ơn nuôi dưỡng của cha nuôi Vương Doãn mà khéo léo khiến Đổng Trác bị giết bởi Lữ Bố vì giành giật nàng. Trong tiểu thuyết, Điêu Thuyền là một thiếu nữ thuộc tầng lớp nô lệ, chẳng may đã mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên bán mình vào trong cung hầu hạ. Về sau do loạn Thập thường thị, nàng ta bèn trốn thoát được ra khỏi cung, cuối cùng xin vào hầu trong phủ nhà Tư đồ Vương Doãn.
Trong lúc đó, một mặt an phận sống trong phủ, một mặt chứng kiến chủ nhân là Vương Doãn ngày đêm lo lắng vương triều nhà Hán bị Đổng Trác thao túng, khiến Điêu Thuyền cảm thấy chạnh lòng. Vương Doãn tình cờ nhìn thấy nhan sắc của Điêu Thuyền động lòng người, Vương Doãn bèn nhận nàng làm con nuôi và bày tỏ xin Điêu Thuyền thực hiện kế sách được ông gọi là Liên hoàn Mỹ nhân kế, mục đích khiến Đổng Trác và Lã Bố tự diệt.
Để thực hiện kế sách này, một mặt Vương Doãn dâng Điêu Thuyền cho Lã Bố, hứa sẽ đính hôn với y, nhưng sau đó lại lén mời Đổng Trác đến nhà khiến Trác mê mẩn Điêu Thuyền, nhân đó Vương Doãn khéo léo "chủ động" ưng thuận đưa Điêu Thuyền làm thiếp cho Trác. Vương Doãn cũng hết sức chăm chú sự yêu mị của Điêu Thuyền, dạy nàng một mặt tỏ vẻ yêu quý Đổng Trác, nhưng khi đến với Lã Bố thì lại ra sức quyến rũ, khi đến cao trào thì Lã Bố chịu không nổi đả kích giết luôn Đổng Trác vì muốn cướp lấy Điêu Thuyền từ tay Đổng Trác.
Tuy mưu kế là do Vương Doãn đề xuất nhưng nếu Điêu Thuyền không khôn khéo thì chắc chắn kế này sẽ không thành công. Sau thời Tam Quốc, không ai còn tìm được dấu vết của Điêu Thuyền nữa, nhiều người cho rằng nàng đã bị giết chết.
Tôn Thượng Hương
Nhắc tới những mỹ nhân vừa xinh đẹp mà lại có trí tuệ cao siêu, nhân vật không thể không nhắc tới chính là Tôn Thượng Hương. Tôn Thượng Hương hay Tôn phu nhân là con gái duy nhất của Tôn Kiên, bà là em của Tôn Sách và Tôn Quyền. Tôn Thượng Hương từng được gả cho Lưu Bị.
Theo Tam quốc chí ghi lại, bà là một nhân vật không thể xem thường, đặc biệt là trí tuệ cao siêu, mưu lược uyên thâm, không thua kém nam giới, có tính cách cương trường, giỏi kiếm cung, rất giống 2 người anh trai.
Theo Tam quốc diễn nghĩa, năm Kiến An thứ 14 (210), sau Trận Xích Bích với thắng lợi thuộc về Đông Ngô, bà được gả cho Lưu Bị nhằm giữ vững mối hòa hiệp trong liên minh Ngô-Thục.
Trong một xã hội nam quyền, vận mệnh của người phụ nữ phụ thuộc, gắn chặt với chồng, Tôn Thượng Hương biết rõ đạo lý này nên dù huynh trưởng của bà bắt bà kết hôn thật hay kết hôn giả, dù sao khi đã bước vào nhà họ Lưu thì sẽ trở thành người nhà họ Lưu, coi đại nghiệp của Lưu tiên sinh là trách nhiệm của mình, giúp đỡ Lưu Bị hết sức mình, hoàn toàn là một nữ trung hào kiệt mưu lược để làm chủ bản thân. Ở thời điểm đó, bà chỉ vừa tầm 20 tuổi, còn Lưu Bị đã hơn 40 tuổi. Do cả hai bà vợ trước đó của Lưu Bị đều đã mất, Tôn phu nhân dần dần kiểm soát nhà và con trai Lưu Thiện của Lưu Bị.
Theo Tam quốc diễn nghĩa, sau trận Di Lăng có kẻ phao tin Lưu Bị chết, bà đã trầm mình xuống sông tự vẫn.
Nhị Kiều
Nhị Kiều của Giang Đông là hai chị em sống tại huyện Hoàn, quận Lư Giang (nay là huyện Tiềm Sơn, tỉnh An Huy), xứ Đông Ngô ở đầu thời kỳ Tam Quốc. Danh tính thật của hai chị em chưa được biết đến, vì vậy hậu thế gọi người chị là Đại Kiều và người em là Tiểu Kiều.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Đại Kiều được mô tả là cô gái nhu mì, đẹp trầm lặng, đôi mắt diễm lệ nhưng đa sầu, tính cách hiền hậu, nhút nhát, sống nội tâm và tình cảm, nàng thích công việc nữ công gia chánh, thêu thùa, nấu ăn, chăm sóc hoa lá. Tiểu Kiều dung mạo xinh đẹp, thông minh, thích đọc sách, đánh đàn, ngắm hoa và làm thơ. Cả hai đều là tài nữ đương thời.
Sau khi chiếm được Uyển Thành (hay Hoãn Thành), Lư Giang, Tiểu bá vương Tôn Sách cùng bạn Chu Du đến thăm Kiều gia trang và trước vẻ đẹp danh bất hư truyền, hai chàng tướng trẻ tuổi đã cầu hôn hai nàng họ Kiều. Đại Kiều kết hôn với Tôn Sách và Tiểu Kiều kết hôn với Chu Du.
Sắc đẹp và tài hoa của chị em Nhị Kiều đã trở thành một trong những nguyên nhân xảy ra trận đại chiến Xích Bích. Bấy giờ, Tào Tháo vốn háo sắc và đã ngưỡng mộ hai nàng Kiều đã lâu, vì vậy muốn tấn công xứ Giang Đông nhằm chiếm đoạt mỹ nhân về bên mình.
Trong chương 44, trong một cuộc đối thoại giữa Gia Cát Lượng và Chu Du, Lượng bảo rằng ông có một kế hoạch để buộc quân Tào Tháo rút lui, đó là cống nộp hai nàng Kiều cho Tào, và Lượng bày tỏ rằng ông không biết ai là người mà hai nàng sẽ lấy. Khi Du hỏi Lượng có bằng cớ gì không, Lượng bảo có nghe Tào Tháo ra lệnh con trai Tào Thực làm thơ với tựa đề là Đồng Tước đài phú, và Lượng đọc lại bài thơ và chỉ rõ ý đồ của Tào. Mưu khích tướng của Lượng đã thành công, Chu Du tỏ ra vô cùng phẫn nộ và tức giận, quyết tâm liên minh với Lưu Bị để chống Tào.
Đáng tiếc, hai nàng Nhị Kiều không có kết thúc tốt đẹp. Hồng nhan bạc mệnh, số phận nghiệt ngã ập đến hai mỹ nhân khi cả hai phu quân đều yểu mệnh, Tôn Sách bị ám sát khi chưa đầy 25 tuổi, Chu Du bị trọng thương và mất tại Nam Quận. Sau đó, những thông tin về hai nàng Kiều vẫn chưa rõ.
* Nguồn: Sohu, Sina