Những con "quái thú" kim loại công nghệ cao từ Nga có thể giúp Iran tăng cường phòng thủ trước các mối đe dọa từ trên không và trên biển vào cuối năm 2020, trừ trường hợp Liên Hiệp Quốc một lần nữa cấm các nước khác cung cấp vũ khí cho Tehran.
Theo bài viết đăng ngày 13/1 trên tờ Russia Beyond, phần lớn các hệ thống vũ khí của Iran đều đã lỗi thời, do một loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ và LHQ đã hạn chế quốc gia này mua công nghệ quân sự mới từ nước ngoài.
Tuy nhiên, tới cuối năm 2020, các biện pháp cấm vận của LHQ sẽ được nới lỏng và Tehran sẽ có cơ hội hiện đại hóa mạng lưới phòng thủ của mình với những công nghệ mới nhất. Tất nhiên, đó là trong trường hợp LHQ không thay đổi quyết định.
Nga là một trong những nhà cung cấp tiềm năng cho quân đội Iran, xét tới thực tế là Tehran vẫn đang sử dụng rất nhiều vũ khí mua từ thời Liên Xô.
Vậy Nga sẽ đồng ý bán cho Iran những hệ thống vũ khí nào để giúp quốc gia Trung Đông này tăng cường phòng thủ, một khi các biện pháp trừng phạt được nới lỏng?
Su-30SM
Đây là phiên bản mới nhất thuộc dòng tiêm kích thế hệ 4++ được sản xuất nhiều nhất của Nga.
Một trong những đặc điểm nổi trội của nó là khả năng siêu cơ động trong tác chiến đường không, cho phép phi công thực hiện những cú nhào lộn trình độ cao để né tránh tên lửa đối phương.
Điều đó đạt được là nhờ khung máy bay khí động học tích hợp hiệu suất cao và mẫu động cơ mới nhất AL-31FP.
Nhờ có "Bars" – thiết bị điện-vô tuyến trên khoang, mỗi chiếc Su-30SM đều có khả năng bắn tên lửa trong quá trình thực hiện các động tác cơ động và loại bỏ các mục tiêu cách xa máy bay tới 100km.
Su-30SM có khả năng triển khai tất cả các loại tên lửa dẫn đường không-đối-không và không-đối-đất hiện đại, có độ chính xác cao của Nga, trong khi có thể bay xa tới 3.000km mà không cần tiếp dầu hay hạ cánh nghỉ.
K-300P Bastion-P
Hệ thống tên lửa phòng thủ di động của Nga là giải pháp để bảo vệ bờ biển trước mối đe dọa từ các nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu chiến và tàu đổ bộ hiện đại.
Mỗi tổ hợp Bastion-P có xe chỉ huy, xe hỗ trợ và 4 ống phóng tên lửa. Các ống phóng này được trang bị tên lửa P-800 Oniks – có tốc độ siêu thanh, mang đầu đạn nặng 250kg.
Những tên lửa này có thể xóa sổ các mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300km từ bờ biển, mang lại cho Iran hỏa lực cần thiết để phòng thủ vịnh Ba Tư và đảm bảo cho mỗi con tàu đi qua khu vực này.
Hệ thống phòng không S-400
Theo Russia Beyond, đây là "kiệt tác" phòng không của Nga và hiện không có đối thủ trên thế giới.
S-400 được thiết kế để bảo vệ các cơ sở quân sự trong yếu và cơ sở hạ tầng của chính phủ trước các mối đe dọa đường không.
Những mối đe dọa này bao gồm các loại máy bay chiến đấu, máy bay ném bom ứng dụng công nghệ tàng hình, tên lửa hành trình bay với tốc độ siêu thanh ngay sát mặt đất và các loại tên lửa đạn đạo…
Mỗi tổ hợp S-400 có thể bắn hạ các mục tiêu từ mọi hướng, ở cự ly lên tới 200km, nhờ khả năng "quét" mục tiêu 360 độ (Trong khi đó, tổ hợp MIM-104 Patriot của Mỹ chỉ có thể "quét" bầu trời trong khoảng 180 độ).
Tương tự như các hệ thống phòng không khác của Nga, S-400 có thể hoạt động trong bất cứ điều kiện thời tiết nào, trong những cơn mưa xối xả, cho tới những cơn bão cát dữ dội, và vẫn có thể bắn hạ máy bay chiến đấu tàng hình của đối phương trong 10/10 trường hợp.