Xe tăng T-90M do Nga chế tạo.
Bất chấp các loại phương tiện chống tăng phát triển như vũ bão, nhất là tên lửa có điều khiển, xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) vẫn đang hiện diện một cách nổi bật.
Chỉ những chiếc xe tăng hội tụ đầy đủ các yếu tố dưới đây mới có thể sống sót và thực sự tạo ra những cú đột kích mạnh mẽ trên chiến trường: Sức mạnh hoả lực; Sức cơ động; Khả năng phòng hộ; Tác chiến kết nối mạng.
Các xe tăng thế hệ mới bắt đầu được tích hợp các khí tài thông tin liên lạc hiện đại, các phương tiện định vị, dẫn đường, hệ thống thông tin - điều khiển chiến đấu và chỉ huy tự động hóa ở các cấp với tính năng bảo mật cao, truyền dữ liệu trong hệ thống mạng trung tâm, cung cấp đầy đủ tham số kỹ thuật của xe cũng như toàn cảnh chiến trường.
Dưới đây là Top 10 xe tăng chiến đấu chủ lực tốt nhất thế giới năm 2022 do trang thông tin quân sự uy tín Military Today đánh giá và bình chọn:
Xe tăng Leopard 2A7 (Đức)
1. Xe tăng Leopard 2A7 (Đức)
Đây là phiên bản mới nhất kế thừa đầy đủ và phát huy các đặc tính thiết kế vượt trội của dòng xe Leopard 2 đã được chứng minh trên chiến trường. Chúng được gia cố lớp giáp và có hệ thống điện tử tối tân.
Leopard 2A7 có khả năng bảo vệ xuất sắc khi tác chiến trong mọi loại môi trường, đặc biệt là ở đô thị, đề kháng tốt trước các loại đạn chống tăng như súng phóng lựu RPG và bom cài ven đường (IED).
Hỏa lực trên xe có độ chính xác tốt hơn và tầm bắn xa hơn so với những xe tăng khác nhờ được trang bị pháo chính mạnh mẽ và hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến.
Trong các cuộc đấu xe tăng (giả định) và các cuộc thi, họ xe tăng Leopard 2 thường xuyên đánh bại các đối thủ M1A2 SEP (Mỹ), Challenger 2 (Anh), Leclerc (Pháp) và một số dòng xe tăng khác.
Leopard 2A7 có động cơ mạnh mẽ với công suất đỉnh lên tới 1.500 mã lực nên cho dù trọng lượng của xe có tăng nhưng khả năng cơ động của nó vẫn tăng nhờ hệ thống treo cải tiến. Khả năng việt dã băng đồng tương đương với các thế hệ Leopard 2 trước đó.
Quân đội Đức hiện đã đặt mua loạt đầu tiên gồm 20 chiếc Leopard 2A7, nâng cấp từ phiên bản Leopard 2A6, bắt đầu giao hàng từ năm 2014. Quân đội Đức có kế hoạch nâng cấp tới 150 xe lên chuẩn 2A7. Qatar đặt mua 62 chiếc và Saudi Arabia cũng chốt đơn hơn 200 chiếc.
Xe tăng K2 Black Panther (Hàn Quốc)
2. Xe tăng K2 Black Panther (Hàn Quốc)
Theo đánh giá, hiện nay Black Panther là một trong những xe tăng chiến đấu chủ lực tiên tiến nhất trên thế giới, với tính năng vượt trội hơn bất kỳ xe tăng nào của Triều Tiên và Trung Quốc. Thêm nữa, nó cùng là dòng MBT đắt nhất thế giới tính tới thời điểm này.
Loạt xe tăng K2 Black Panther đầu tiên đã được bàn giao cho Lục quân Hàn Quốc vào năm 2016. Tính tới năm 2017, có ít nhất 100 chiếc xe tăng loại này được xuất xưởng. Quân đội Hàn Quốc có kế hoạch đặt mua tổng hơn khoảng 300 chiếc nhằm thay thế cho những xe tăng K1 cũ hơn.
Xe được trang bị lớp giáp composite kèm theo các modul giáp phản ứng nổ, cho phép phía trước của nó chịu được các phát đạn cỡ 120mm bắn đi từ pháo L55. Khả năng phòng hộ được cho là tương đương với M1A2 Abrams (Mỹ) nhưng lại có trọng lượng nhẹ hơn nhiều.
Black Panther cũng được trang bị hệ thống phòng hộ chủ động và hệ thống đối kháng điện tử giúp nó sống sót tốt hơn trên chiến trường.
Dòng xe tăng tối tân nhất của Hàn Quốc này được trang bị pháo L55 cỡ nòng 120mm do Đức chế tạo, tương tự loại lắp trên các xe tăng Leopard 2A6 và 2A7 ở chính quốc.
Xe có hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến có thể sục sạo, bám sát và khai hỏa tự động với các phương tiện cơ giới, thậm chí còn diệt được cả trực thăng bay thấp mà không cần tới người điều khiển. Pháo chính sử dụng các loại đạn mới có uy lực vượt trội.
Black Panther được trang bị động cơ diesel mạnh mẽ kèm theo hệ thống treo thủy lực mới nhất, cho phép cơ động nhanh.
Xe tăng M1A2 SEP (Mỹ)
3. Xe tăng M1A2 SEP (Mỹ)
M1A2 SEP là phiên bản mới nhất, phát triển trên nền tảng M1A2 Abrams nổi tiếng, với những công nghệ và lớp giáp hoàn hảo. Qua thực chiến, nó đã chứng minh được khả năng tốt và được coi là một trong những dòng xe tăng đáng sợ nhất trên thế giới.
M1A2 SEP có khả năng phòng hộ ấn tượng trước mọi loại vũ khí chống tăng. Pháo chính sử dụng những loại đạn xuyên giáp có lõi là uranium nghèo.
Xe được trang bị camera màu, cảm biến laser mới nhằm thu thập hình ảnh mục tiêu ở khoảng cách xa hơn trong mọi điều kiện thời tiết, hệ thống kết nối mạng lưới thông tin với các xe tăng khác và đạn pháo đa năng 120mm.
Ngoài ra, hệ thống dò tìm laser, cảm biến khí tượng… cung cấp các thông số như độ ẩm tương đối, mật độ không khí, tốc độ gió cho phép hệ thống điều khiển hỏa lực chủ động kịp thời điều chỉnh theo điều kiện thực của môi trường tác chiến.
Hiện nay M1A2 SEP đang phục vụ trong biên chế Lục quân Mỹ với số lượng lên đến ít nhất 900 chiếc. Chúng được cho là sẽ có vòng đời đến năm 2050. M1A2 SEP hiện chưa được xuất khẩu. Tuy nhiên, phiên bản trước đó là M1A2 đã được xuất khẩu sang Kuwait (218 chiếc) và Saudi Arabia (373 xe).
Challenger 2 (Anh)
4. Xe tăng Challenger 2 (Anh)
Challenger 2 là xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Anh, được công ty Vickers Defense Systems (nay là BAE Systems Land & Armaments), một tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Anh nghiên cứu và phát triển. Với hơn 400 chiếc trong biên chế, xe tăng Challenger 2 đã trở thành 'trụ cột' không thể thay thế của Lục quân Anh
Tại Iraq, Challenger 2 đã chứng tỏ được sự chắc chắn của lớp giáp Chobham/Dorchester được trang bị cho xe này, khi toàn bộ các loại tên lửa vác vai hoặc vũ khí chống tăng quân đội Iraq sở hữu không thể xuyên phá và bắn hỏng được bất kỳ chiếc Challenger 2 nào.
Thậm chí trong một trận đánh, một chiếc Challenger 2 đã bị trúng 14 phát đạn RPG-7 và 1 tên lửa chống tăng MILAN ở tầm gần, nhưng toàn bộ kíp lái đều sống sót và xe không hề bị hư hại gì đáng kể.
Hiện nay Challenger 2 đang phục vụ trong biên chế Lục quân Anh với số lượng 386 chiếc và Oman (38 chiếc).
Xe tăng T-14 Armata (Nga)
5. Xe tăng T-14 Armata (Nga)
T-14 Armata đứng thứ tư trong bảng xếp hạng, bài báo viết rằng chiếc xe này được sản xuất với số lượng rất ít, nhưng lại có "một số tính năng độc đáo khiến nó trở thành một lực lượng cần phải tính đến trên chiến trường".
hồi năm 2019, giới quân sự thế giới cũng đã công nhận xe tăng T-14 Armata của Nga là một trong những xe tăng tốt nhất thế giới.
Theo các nhà phân tích của ấn phẩm World Digital News, ưu điểm chính của vũ khí Nga là khối lượng xe tăng, cỡ nòng của súng, sức mạnh động cơ và giáp tăng.
Nhờ thiết kế cho phần tháp pháo xe tăng không có người, các nhà thiết kế của xe tăng Armata đã giảm được khối lượng xuống còn 49 tấn. Ngoài ra, bản thân xe tăng thấp hơn và đỡ lộ hơn đối với kẻ thù. Trên T-14 có thể lắp súng cỡ nòng 125 mm hoặc 152 mm.
Động cơ của T-14 Armata cho phép đạt tốc độ tối đa 90 km/h. Thể tích của bình nhiên liệu được thiết kế để xe tăng có thể chạy xa tới 500 km. Độ dày của lớp giáp phía trước Armata là 950 mm, tấm bọc thép được sản xuất dựa trên cơ sở hợp kim composite. Đồng thời, xe tăng được trang bị các tổ hợp phòng thủ Afganit và Malakhit, có khả năng chống lại tên lửa và đạn chống tăng.
Việc T-14 Armata ra đời đã đặt ra cho phương Tây một mối đe dọa lớn, vì thế nhiều quốc gia như Đức, Anh đã và đang phải nâng cấp hoặc phát triển các dòng xe tăng mới để đương cự.
Merkava Mk.4 (Israel)
6. Xe tăng Merkava Mk.4 (Israel)
Merkava Mk-4 là biến thể mạnh nhất và mới nhất trong gia đình tăng Merkava Mk nổi tiếng. Thậm chí chiếc xe tăng này còn được phong là "Vua tăng" trong bảng xếp hạng bởi sức mạnh công thủ toàn diện của nó.
Merkava IV được trang bị pháo 120mm, bắn được tất cả các loại đạn của NATO trong đó có đạn xuyên thoát vỏ có cánh ổn định APFSDS, đạn nổ lõm chống tăng đa năng HEAT-MP, pháo tăng còn có thể phóng tên lửa chống tăng nổi tiếng LAHAT qua nòng.
Nhờ hệ thống kiểm soát hỏa lực đa kênh (TV, ảnh nhiệt, laser) Merkava IV có thể bắt bám, bắn các mục tiêu di chuyển trong khi hành tiến, kể cả mục tiêu là trực thăng bay tầm thấp.
Hệ thống phòng vệ chủ động Trophy-A có nhiệm vụ phát hiện, kiểm soát, phân loại các mối đe dọa từ tên lửa chống tăng để phóng các loại đạn đánh chặn chúng không cho tiếp cận xe tăng.
Hiện nay hệ thống Trophy-A được trang bị cho Merkava mk-4 được đánh giá là hệ thống phòng vệ chủ động hiệu quả nhất trên xe tăng hiện đại.
Ngoài ra Merkava mk-4 cũng được trang bị hệ thống cảnh báo laser LWS-2 với màn hình cảnh báo nguy hiểm được lắp đặt ở vị trí chỉ huy. Nó liên kết đến hệ thống phóng đạn khói hoặc mồi nhử để đánh lừa vũ khí chống tăng dẫn đường.
Hiện đã có khoảng 360 xe Merkava Mk.4 trong biên chế Quân đội Israel và 300 chiếc nữa đang được đặt mua. Trong một thời gian dài, dòng xe tăng này không được xuất khẩu, tuy nhiên vào năm 2014 có thông cho rằng Israel đã bán cho một khách hàng giấu tên.
Type 90 (Nhật Bản)
7. Xe tăng Type 90 (Nhật Bản)
Xe tăng Type 90 hiện đang là “xương sống” lực lượng thiết giáp Nhật Bản và được xem là một trong những chiếc xe tăng hiện đại nhất ở châu Á, hàng đầu thế giới hiện nay.
xe tăng Type 90 hóa ra vốn được phát triển trên cơ sở mẫu tăng Leopard 2 danh tiếng của Quân đội Đức hiện đại. Theo Military-Today, Type 90 được phát triển bởi Mitsubishi hợp tác với hãng Krauss-Maffei của Cộng hòa Liên bang Đức. Đặc biệt, một loạt các thành phần giáp, hỏa lực trên Type 90 đều dùng chung với Leopard 2.
Giáp bảo vệ của Type 90 cơ bản tương tự dòng tăng Leopard 2 với việc sử dụng module giáp composite kết hợp giáp thép + gốm, không dùng giáp phản ứng nổ. Ngoài ra, Type 90 còn được trang bị hệ thống cảnh báo bị chiếu rọi chùm tia laser (của các tổ hợp tên lửa chống tăng), hệ thống phòng vệ NBC và hệ thống dập lửa tự động...Hòm đạn cũng được ngăn cách với kíp lái tăng.
Vào năm 2012, dòng xe tăng mới Type 10 tiên tiến hơn đã được Lực lượng phòng vệ Nhật Bản chấp nhận đưa vào biên chế, tuy nhiên chúng nhỏ và nhẹ hơn rất nhiều so với Type 90.
Leclerc (Pháp)
8. Xe tăng Leclerc (Pháp)
AMX-56 Leclerc là xe tăng chiến đấu chủ lực của quân đội Pháp, được hãng NEXTER - một tập đoàn công nghiệp quốc phòng phát triển. Với giá khoảng 6,5 triệu Euro/chiếc, xe tăng Leclerc được mệnh danh là xe tăng đắt đỏ nhất trên thế giới.
Xe được trang bị một động cơ diesel V8X SACM với công suất đỉnh lên tới 1.500 mã lực. Nhờ vậy, AMX-56 Leclerc có thể di chuyển với vận tốc 71 km/h trên địa hình bằng phẳng và 55 km/h việt dã băng đồng, với dự trữ nhiên liệu hành trình, phạm vi hoạt động của chúng lên tới hơn 550km.
Tháp pháo xe AMX-56 Leclerc được trang bị pháo nòng trơn Modele F1 có cỡ đạn 120mm cùng hai súng máy có cỡ đạn lần lượt 7,62 x 51mm NATO và 12,7 x 99mm NATO. Pháo nòng trơn của Leclerc được tích hợp thêm hệ thống nạp đạn tự động với 22 viên sẵn trong ổ nạp. Nhờ vậy, tốc độ bắn của pháo chính lắp trên xe tăng được nhanh hơn và an toàn hơn khi chiến đấu.
AMX-56 Leclerc có một bề dày kinh nghiệm chiến đấu khi từng góp mặt trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của quân đội Pháp tại một số điểm nóng như Kosovo và Lebanon. Vào tháng 8/2015, ít nhất 70 xe tăng Leclerc thuộc biên chế quân đội Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) đã được triển khai gần thành phố cảng Aden ở Yemen để chiến đấu chống lại lực lượng du kích Houthi có mặt tại đây.
Hiện Quân đội Pháp đang sở hữu 406 chiếc và UAE với 388 chiếc.
9. Xe tăng Oplot-M (Ukraine)
Ukraina từng là "thủ phủ" chế tạo xe tăng của Liên Xô nên T-84 Oplot-M của Ukraina là một loại xe tăng đặc biệt, được phát triển trên cơ sở dòng xe tăng T-80UD nổi tiếng.
Mặc dù nó chưa được phục vụ chiến đấu trong quân đội Ukraine, nhưng nó chứa đựng nhiều tính năng tiên tiến của một chiếc xe tăng hiện đại.
Những nâng cấp chủ yếu là lắp ERA Nozh-2/Duplet mới hơn, bổ sung kính ngắm ảnh nhiệt PKN-6 toàn cảnh (T-84 và T-80UD đã có kính ổn định tầm nhìn của chỉ huy và ảnh nhiệt của pháo thủ), tương tự như ống ngắm CITV trên xe tăng M1A2 của Mỹ và súng máy trên nóc xe được điều khiển từ trong xe.
T-84 Oplot-M được cho là còn hiện đại hơn cả xe tăng T-90 của Nga nhờ giáp bổ sung tiên tiến, động cơ mạnh mẽ. Tuy nhiên so với biền thể T-90M mới nhất của Nga thì chúng còn thua kém
Phiên bản BM Oplot đã có một khách hàng nước ngoài là Thái Lan. Năm 2011, Thái Lan đã ký hợp đồng mua 49 chiếc BM Oplot. Những chiếc Oplot này được gọi là Oplot-T, có điều hòa không khí, thiết bị vô tuyến mới và động cơ phụ trợ APU mới. Tuy nhiên, tốc độ giao hàng chậm khiến Thái Lan phải hủy hợp đồng toàn bộ.
Xe tăng T-90M (Nga)
10. Xe tăng T-90M (Nga)
T-90M được nâng cấp toàn diện về hỏa lực, hệ thống điện tử và giáp bảo vệ trên cơ sở xe tăng chiến đấu chủ lực T-90, xương sống của lực lượng tăng thiết giáp Nga, đưa nó trở thành một trong những xe tăng mạnh nhất thế giới.
T-90M nổi bật với tháp pháo hình chiếc đĩa, cùng với các lưới bảo vệ khoảng hở giữa tháp pháo và thân xe. Theo Army Recognition, T-90M còn gọi là Proryv-3 (Đột phá 3, theo phiên âm tiếng Nga). Gói nâng cấp này được thực hiện từ năm 2017.
T-90M được nâng cấp nhiều về hỏa lực. Xe sử dụng pháo chính 2A46M-5, 125 mm, phiên bản nâng cấp mới nhất của loại pháo tăng huyền thoại 2A46. Theo trang Topwar của Nga, pháo 2A46M-5 có độ chính xác tăng thêm 20% so với phiên bản 2A46M-4, độ phân tán của đạn khi bắn trong lục di chuyển giảm 1,7%.
Pháo mới hiệu suất cao cùng hệ thống ổn định nâng cấp cho phép công kích mục tiêu chính xác hơn trong lúc xe đang di chuyển.
T-90M được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tích hợp Kalina. Đây là hệ thống điều khiển hỏa lực tối tân được lắp trên siêu tăng T-14 Armata. Hệ thống Kalina với các cảm biến hiện đại cho phép theo dõi mục tiêu tự động và khóa pháo chính vào mục tiêu cho đến khi pháo thủ khai hỏa.
Hệ thống cảm biến trên T-90M có thể xác định mục tiêu cỡ xe tăng ở cự ly 5.500 m trong điều kiện ban ngày, 2.000 m trong điều kiện đêm tối.
T-90M được trang bị giáp phản ứng nổ (ERA) Relikt thế hệ mới, thay cho Kontakt-5 ERA. Relikt được thiết kế dạng module bọc phía trước tháp pháo, hai bên hông và các khu vực quan trọng của xe tăng.
Thiết kế dạng module cho phép dễ dàng thay thế trong điều kiện chiến trường. Relikt cung cấp khả năng bảo vệ tăng 50% chống lại các loại đạn xuyên giáp, tên lửa chống tăng.
Giới phân tích quân sự đánh giá, nhờ cập nhật các công nghệ của siêu tăng T-14, T-90M đã thực sự lột xác tạo nên một nắm đấm hỏa lực uy lực trên chiến trường dựa trên bộ khung cũ của T-90.
Xe tăng T-90M Proryv-3 do Nga chế tạo