Đáng chú ý, có tới 3 tàu sân bay trong danh sách này do các lực lượng hải quân châu Á vận hành.
1. Lớp Gerald R Ford (Mỹ)
Với lượng giãn nước đầy tải 100.000 tấn, Gerald R Ford trở thành lớp tàu sân bay lớn nhất thế giới.
USS Gerald R. Ford (CVN 78), chiếc đầu tiên thuộc lớp này, đã được chuyển giao cho Hải quân Mỹ hồi tháng 5/2017. Dự kiến, con tàu sẽ đạt khả năng hoạt động ban đầu vào năm 2020.
CVN-78 có boong tàu rộng 78m, trang bị máy phóng điện từ và hệ thống cáp hãm tiên tiến. Nó có thể mang theo hơn 75 máy bay và có đủ không gian sinh hoạt cho 4.539 người (gồm thủy thủ đoàn, phi hành đoàn và các nhân viên hỗ trợ).
Vũ khí trên tàu gồm tên lửa RIM-162 Evolved Sea Sparrow, Rolling Airframe (RAM), hệ thống phòng thủ tầm gần (CIWS) Phalanx.
2. Lớp Nimitz (Mỹ)
Lớp Nimitz, với lượng giãn nước đầy tải 97.000 tấn, là lớp tàu sân bay lớn thứ hai thế giới. Chiếc tàu đầu tiên thuộc lớp này được triển khai vào tháng 5/1975, còn chiếc thứ 10 (cũng là chiếc cuối cùng) - USS George H.W. Bush (CVN 77) - được đưa vào biên chế tháng 1/2009.
Mỗi tàu lớp Nimitz được thiết kế để hoạt động trong khoảng 50 năm, chỉ cần đại tu giữa vòng đời một lần.
Chiếc siêu tàu sân bay dài 332,8m, có boong tàu đủ rộng để mang hơn 60 máy bay và có đủ không gian sinh hoạt cho 3.000 - 3.200 thủy thủ, 1.500 thành viên trực thuộc các không đoàn trên tàu, và 500 nhân viên hỗ trợ khác.
Tàu sân bay lớp Nimitz trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân, cho phép nó đạt tốc độ tối đa hơn 30 hải lý/h. Vũ khí trên tàu gồm tên lửa Sea Sparrow, hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx, tên lửa Rolling Airframe (RAM) để phòng thủ trước các mối đe dọa tiềm tàng.
Các tàu sân bay thế hệ mới lớp Gerald R. Ford sẽ dần thay thế các tàu lớp Nimitz từ năm 2020.
3. Lớp Queen Elizabeth (Anh)
Với lượng giãn nước 65.000 tấn, tàu sân bay lớp Queen Elizabeth trở thành tàu chiến lớn nhất từng được chế tạo cho Hải quân Hoàng gia Anh.
HMS Queen Elizabeth, chiếc đầu tiên thuộc lớp này, đã bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển trong tháng 6/2017 và dự kiến được đưa vào trang bị trong năm 2020.
Trong khi đó, HMS Prince of Wales, chiếc tàu thứ hai, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023.
Tàu lớp Queen Elizabeth có kích cỡ lớn gấp 3 lần các tàu lớp Invincible trước đó của Hải quân Anh, nó có thể mang theo 40 máy bay cánh xoay và cánh cố định. Các hệ thống tự động hóa và áp dụng công nghệ mới nhất cho phép con tàu vận hành với quy mô thủy thủ đoàn được tinh giản, chỉ gồm 679 người.
Mỗi tàu Queen Elizabeth trang bị hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx, pháo hạm 30mm và mini-gun để đối phó với các mối đe dọa phi đối xứng.
Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 25 hải lý/h.
4. Admiral Kuznetsov (Nga)
Admiral Kuznetsov là tàu sân bay duy nhất đang hoạt động của Hải quân Nga và là tàu sân bay lớn thứ 4 trên thế giới, với lượng giãn nước đầy tải 58.500 tấn.
Admiral Kuznetsov có thể mang theo các máy bay Su-33, Su-25UTG/UBP, cùng các trực thăng Ka-27S, Ka-27LD32 và Ka-27PLO. Tàu có đủ không gian sinh hoạt cho 1.960 thủy thủ, 626 thành viên trực thuộc không đoàn trên tàu và 40 nhân viên hỗ trợ khác.
Tàu sân bay Admiral Kuznetsov có thể đạt tốc độ tối đa 32 hải lý/h. Vũ khí mang theo gồm pháo hạm AK-630 AA, hệ thống phòng thủ tầm gần CADS-N-1 Kashtan, tên lửa hành trình chống tàu P-700 Granit, hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-12000 UDAV-1.
5. Liêu Ninh (Trung Quốc)
Liêu Ninh là tàu sân bay duy nhất đang có trong biên chế Hải quân Trung Quốc (PLAN) hiện nay. Ban đầu, con tàu thuộc lớp Admiral Kuznetsov đóng cho Hải quân Liên Xô và có tên là Varyag. Nó được chuyển sang cho Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ.
Công ty du lịch Chong Lot (trụ sở tại Hong Kong) đã mua lại tàu Varyag trong một buổi bán đấu giá năm 1998, mục đích ban đầu là xây dựng một sòng bạc nổi nhưng không thành. Sau này, Trung Quốc đã mua lại và tiến hành tân trang con tàu tại nhà máy Đại Liên.
Tàu sân bay Varyag được đổi tên là Liêu Ninh và đưa vào biên chế Hải quân Trung Quốc trong tháng 9/2012.
Tàu trang bị hệ thống phòng thủ tầm gần Type 1030, tên lửa HQ-10, rocket chống ngầm. Nó có lượng giãn nước đầy tải hơn 58.000 tấn, có thể mang 50 máy bay, trong đó có máy bay có cánh cố định và trực thăng.
6. INS Vikramaditya (Ấn Độ)
INS Vikramaditya, với lượng giãn nước 44.500 tấn, là tàu chiến lớn nhất có trong trang bị của Hải quân Ấn Độ hiện nay. Tàu được đưa vào biên chế trong tháng 11/2013, được cải tạo từ một tàu sân bay cũ lớp Kiev mua lại từ Nga.
INS Vikramaditya dài 284m, rộng 60m, có thể mang hơn 30 máy bay, gồm MiG 29K/Sea Harrier, Kamov 31, Kamov 28, Sea King, ALH-Dhruv và Chetak. Ngoài tên lửa chống hạm, tàu được trang bị tên lửa phòng không, bom dẫn đường và rocket.
7. Charles de Gaulle (Pháp)
Charles de Gaulle (R91) là tàu chiến mặt nước đầu tiên của Pháp sử dụng nặng lượng hạt nhân và cũng là tàu chiến lớn nhất tại Tây Âu. Ngoài các tàu sân bay của Hải quân Mỹ thì chỉ có Charles de Gaulle là tàu sân bay hạt nhân tiếp theo đang hoạt động trên thế giới.
Charles de Gaulle đã trải qua đợt sửa chữa, nâng cấp kéo dài 6 tháng, hoàn tất tại căn cứ hải quân Toulon vào tháng 7/2013. Nó có thể mang theo 40 trực thăng và máy bay có cánh cố định, bao gồm Rafale M, Super Étendard, E-2C Hawkeye, SA365 Dauphin, EC725 Caracal và AS532 Cougar.
Tàu có lượng giãn nước 42.000 tấn, thủy thủ đoàn 1.350 người, có thể đạt tốc độ 27 hải lý/h.
8. São Paulo (Brazil)
São Paulo (A12), thuộc lớp Clemenceau, là tàu sân bay lớn thứ 8 trên thế giới, với lượng giãn nước đầy tải hơn 32.000 tấn.
Con tàu này vốn được Hải quân Pháp biên chế năm 1963 nhưng sau đó được bán lại cho Brazil vào năm 2000.
Tàu São Paulo có đủ không gian sinh hoạt cho 1.920 người, trong đó có 1.338 thủy thủ và 582 thành viên trực thuộc các không đoàn trên tàu. Nó có thể mang theo 39 trực thăng và máy bay có cánh cố định, tốc độ tối đa 32 hải lý/h.
9. Cavour (Italy)
Tàu sân bay Cavour (550) có lượng giãn nước 30.000 tấn, đóng vai trò là kỳ hạm của Hải quân Italia.
Tàu có boong dài 232,6m, rộng 34,5m, có thể mang theo máy bay có cánh cố định như AV-8B Harrier, JSF, cũng như các trực thăng EH101, AB212, NH 90 và SH3D.
Vũ khí trên tàu gồm các hệ thống phòng thủ tầm ngắn, pháo hạm, mồi bẫy để chống lại nhiều mối đe dọa khác nhau.
Tàu có thể đạt tốc độ tối đa 29 hải lý/h.
10. INS Viraat (Ấn Độ)
INS Viraat (R22) là tàu sân bay thuộc lớp Centaur. Đây là tàu sân bay cũ nhất, giữ vai trò kỳ hạm của Hải quân Ấn Độ.
Nó được Hải quân Hoàng gia Anh đưa vào biên chế năm 1959 với tên gọi HMS Hermes, sau đó được bán lại cho Ấn Độ vào năm 1986.
INS Viraat có lượng giãn nước đầy tải 28.700 tấn, có thể mang tới 30 máy bay cánh xoay và cánh cố định như Sea Harrier, Westland Sea King, HAL Chetak và HAL Dhruv. Thủy thủ đoàn 1.350 người (trong đó có 43 sĩ quan), tốc độ tối đa 28 hải lý/h.
Tàu được trang bị pháo hạm Bofors AA, tên lửa đất-đối-không Barak để đối phó với các mối đe dọa trên không và trên mặt nước.