Theo Báo cáo, thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương là gần 6,6 triệu đồng/tháng. Trong đó, nam giới có thu nhập bình quân là hơn 6,9 triệu đồng/tháng, cao gấp 1,1 lần nữ giới. Phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động có bằng đại học trở lên có mức lương bình quân hơn 8,7 triệu đồng/tháng, cao gấp 1,5 lần nhóm không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Thu nhập từ việc làm bình quân/tháng của lao động làm công ăn lương chia theo giới tính và trình độ chuyên môn kỹ thuật, năm 2020. Nguồn: GSO
Xét theo từng lĩnh vực, mức lương bình quân của lao động cao nhất nằm ở ngành "Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế", đạt mức 12,1 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra ngành này có số lao động chiếm trong mẫu quá nhỏ và độ tin cậy thấp. Vì vậy, ngành đứng đầu có mức thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương cao nhất là "Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm" với mức thu nhập hơn 9,6 triệu đồng/tháng.
10 lĩnh vực có thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương cao nhất. Nguồn: GSO
Lĩnh vực "Thông tin và truyền thông" và "Hoạt động kinh doanh bất động sản" là 2 lĩnh vực xếp ở vị trí thứ 2 và thứ 3 với mức lương trung bình hơn 9 triệu đồng/tháng. Các ngành ở các vị trí còn lại có thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương trong khoảng từ 6,9 - 8,8 triệu đồng/tháng.
Báo cáo cũng chỉ ra sự khác nhau về thu nhập từ việc làm bình quân/tháng của lao động làm công ăn lương theo nghề nghiệp và giới tính. Hầu hết các nhóm nghề đều có mức thu nhập từ việc làm bình quân/tháng cao hơn 5 triệu đồng, chỉ riêng có nhóm lao động giản đơn có mức thu nhập thấp nhất là gần 4,9 triệu đồng. Nhóm “Nhà lãnh đạo” và “Chuyên môn kỹ thuật bậc cao” có mức thu nhập từ việc làm bình quân/tháng cao nhất, tương ứng là 10,5 triệu đồng và 8,8 triệu đồng.
Thu nhập từ việc làm bình quân/tháng của lao động làm công ăn lương chia theo nghề nghiệp và giới tính. Đơn vị: nghìn đồng/tháng (Nguồn: GSO)
Với vị trí lãnh đạo, nam giới có thu nhập cao hơn nữ giới khoảng 1,13 lần. Các nghề khác cũng tương tự, mức thu nhập bình quân của lao động nam thường cao hơn của lao động nữ.
Ngoài ra, Báo cáo cũng đưa ra mức thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương theo khu vực thành thị và nông thôn. Cụ thể, lao động ở khu vực thành thị có mức thu nhập bình quân gần 7,4 triệu đồng/tháng, trong khi thu nhập bình quân của lao động ở nông thôn chỉ dừng ở mức hơn 6 triệu đồng/tháng.
10 địa phương có thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương cao nhất. Nguồn: GSO
Theo từng địa phương, TP. Hồ Chí Minh là nơi có thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương cao nhất cả nước với mức lương hơn 8,4 triệu đồng/tháng. Đứng thứ hai là Đồng Nai với mức lương 8 triệu đồng/người/tháng. Hà Nội xếp thứ ba với 7,721 triệu đồng/người/tháng.
Các vị trí còn lại trong top 10 là Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Hải Dương và Vĩnh Phúc với mức lương bình quân của lao động dao động từ 6,5 - 7,5 triệu đồng/tháng.