“Tống tiền” Mỹ 16 tỉ USD: Philippines đang nghiêng về Trung Quốc?

Huyền Chi |

Việc chính phủ Philippines yêu cầu Mỹ tăng gấp 4 lần tiền viện trợ cho Manila thì mới cho phép binh sĩ Mỹ hoạt động ở nước này đã khiến Washington bị sốc.

Binh sĩ Mỹ trong một cuộc tập trận ở Philippines (Ảnh: Reuters)

Binh sĩ Mỹ trong một cuộc tập trận ở Philippines (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng vị trí chiến lược của Philippines trên Biển Đông khiến mức giá này có thể hiểu được.

Sau một số vòng đàm phán song phương mới đây nhằm hoàn tất Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) mới giữa hai nước, Tổng thống Philippines Rdrigo Duterte đã đánh tín hiệu cho Mỹ rằng nếu họ muốn đạt một thỏa thuận, họ sẽ “phải trả giá”.

“Đây là trách nhiệm chung, nhưng phần trách nhiệm của các bạn không miễn phí” – ông Duterte nói vào ngày 12/2, một ngày sau khi các vòng đàm phán kết thúc, và nhằm vào Washington mặc dù phát biểu trước các binh sĩ Philippines.

Để biện minh cho khoản tiền trên, ông Duterte nói rằng Philippines là quốc gia trong khu vực “gần nhất với một cuộc chiến tranh”, thêm rằng “đồn trú thuận lợi nhất (cho lực lượng Mỹ) thực sự sẽ là Philippines”. Bài phát biểu này dường như nhắc tới các tranh chấp lãnh thổ mà Trung Quốc đang có với nhiều quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông.

“Tống tiền” Mỹ 16 tỉ USD: Philippines đang nghiêng về Trung Quốc?  - Ảnh 1.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: Reuters)

Phát ngôn viên của ông Duterte, Harry Roque, công bố khoản tiền yêu cầu cầu trên chỉ 3 ngày sau đó, nói rằng khoản viện trợ mà Mỹ cung cấp cho Manila nên sát hơn với khoản tiền 16,4 tỉ USD mà Mỹ trao cho Pakistan trong khoảng 2002-2017, thay vì chỉ 3,9 tỉ USD “nhỏ bé” và Manila nhận được trong cùng khoảng thời gian.

Roque nói ông lấy được con số trên từ một bản báo cáo năm 2018 của Trung tâm Stimson, một hãng phân tích trụ sở tại Washington, về việc rót vốn của Washington cho hoạt động chống khủng bố.

“Tại sao chúng ta không bắt họ chi tiền, để chúng ta có thể sử dụng số tiền đó trang trải cho ứng phó COVID-19, cho chăm sóc y tế cộng đồng, và nước tưới tiêu miễn phí cho nông dân” – ông nói.

Phát ngôn viên Roque còn khẳng định: “Đây không phải tống tiền”.

Trớ trêu thay, “tống tiền” chính là điều mà một số nhà phê bình đưa ra để mô tả động thái trên.

Phó Tổng thống Leni Robredo, thuộc đảng Tự do đối lập, cho rằng lời lẽ của ông Duterte “là đáng xấu hổ, như thể chúng ta đang tống tiền họ”.

Việc đàm phán VFA mới nối tiếp động thái của ông Duterte cách đây 1 năm, đó là ngừng thỏa thuận trước đó (có hiệu lực từ năm 1999).

Thỏa thuận này, cho phép Mỹ có quyền xét xử binh sĩ của họ khi bị cáo buộc phạm tội trên lãnh thổ Philippines, đã được chứng minh là gây tranh cãi, sau khi xuất hiện 2 vụ việc: một liên quan tới 4 sĩ quan Mỹ bị cáo buộc tội danh hãm hiếp khi đang thăm vịnh Subic, và một vụ khác liên quan tới vụ giết hại một phụ nữ chuyển giới Philippines tên Jennifer Laude.

Một số nhà phê bình còn cho rằng thỏa thuận này biến người dân Philippines thành công dân hạng hai ngay trên đất nước của họ.

“Tống tiền” Mỹ 16 tỉ USD: Philippines đang nghiêng về Trung Quốc?  - Ảnh 2.

Binh sĩ Mỹ tại Manila, Philippines (Ảnh: EPA)

Tổng thống Duterte đầu tiên dọa hủy thỏa thuận này sau khi Mỹ hủy thị thực của Thượng nghị sĩ Ronald “Bato” dela Rosa, người được coi là “cánh tay phải” của ông trong cuộc chiến chống ma túy gây tranh cãi. Kể từ sau đó, ông Duterte do dự về vấn đề này, và từng 2 lần hoãn việc hủy thỏa thuận.

Trong khi đó, Washington coi VFA là thỏa thuận rất quan trọng để gửi binh sĩ tới Philippines, hỗ trợ cho Hiệp ước Phòng thủ Chung được ký kết giữa hai nước vào năm 1951. Mỹ hiện tại duy trì dưới 200 binh sĩ ở Philippines, chủ yếu là tham gia vào hoạt động chống khủng bố - ít hơn nhiều so với nhiều thập kỷ trước, khi Mỹ vận hành một trạm hải quân và một căn cứ không quân ở nước này.

Việc ông Duterte ngừng ủng hộ VFA được nhiều nhà quan sát coi như một phần trong một động thái lớn hơn của ông, đó là đi vào quỹ đạo của Trung Quốc và tách dần khỏi đồng minh truyền thống lâu năm của Philippines.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện Philippines, Panfilo Lacson, nói rằng Tổng thống Duterte “có thể tạo ấn tượng rằng Philippines là một quốc gia tống tiền, trong khi có nhiều cách thiết thực hơn để yêu cầu bồi thường từ một quốc gia đồng minh lâu năm, nhờ sử dụng các kênh ngoại giao mà vẫn có thể có được kết quả như mong muốn”.

Phản bác lại, ông Duterte gọi Lacson là người “chả biết gì”.

Giống như trong quá khứ?

Theo các nhà phê bình, Philippines từng thử đàm phán đòi tiền tương tự trước đây, và lần nào cũng kết thúc thảm hại. Hiến pháp 1987 có điều khoản rằng, khi Thỏa thuận Căn cứ Quân sự (MBA) hết hạn vào năm 1991, nó chỉ có thể được thay thế bằng một thỏa thuận mới được Thượng viện chấp nhận.

Chính phủ của Tổng thống Corazon Aquino đã bắt đầu đàm phán hiệp ước mới vào năm 1989 và bắt đầu yêu cầu Mỹ chi 1 tỉ USD để duy trì hoạt động các căn cứ của họ thêm 5 năm nữa. Điều này khiến Mỹ quay ra cáo buộc Manila theo đuổi kiểu ngoại giao “tính tiền”.

Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói rằng: “Đương nhiên Mỹ hiểu rõ các yếu tố hỗ trợ an ninh và kinh tế để đưa vào thảo luận. Họ làm vậy trong mọi cuộc đàm phán về Hiệp ước Phòng thủ Chung và Thỏa thuận Căn cứ Quân sự, vậy tại sao VFA lại khác?”.

“Ông Roque đang mô tả khối đồng minh này như thể nó là một vấn đề phiến diện, trong đó Mỹ phải chi tiền để được làm một đồng minh của Philippines. Đây là cách nguy hiểm để mô tả mối quan hệ này, may mắn rằng tôi không nghĩ đây là quan điểm được chia sẻ rộng rãi” – ông Poling nói.

Vị chuyên gia cho hay, theo chính phủ Mỹ, Philippines đã nhận được khoản tiền 428 triệu USD viện trợ trong năm ngoái, nhiều nhất trong số các nước ở Đông Á.

“Tống tiền” Mỹ 16 tỉ USD: Philippines đang nghiêng về Trung Quốc?  - Ảnh 3.

Một cuộc biểu tình phản đối thỏa thuận VFA giữa Mỹ và Philippines ở Manila (Ảnh: SCMP)

Derek Grossman, chuyên gia an ninh quốc gia thuộc hãng phân tích Rand Corporation, đưa ra quan điểm khác.

“Tôi nghĩ ông Duterte đang nghiêm túc, bởi ông ấy liên tục tuyên bố rằng Washington cần phải chuẩn bị tinh thần đưa ra sự nhượng bộ để đổi lấy việc được tiếp cận về mặt quân sự với Philippines. Giờ đây, liệu con số 16 tỉ USD có thể đàm phán được hay không vẫn còn là điều tranh cãi, nhưng ít nhất thì đó là cái giá khởi điểm” – Grossman nói.

Aaron Jed Rabena, nhà nghiên cứu thuộc hãng Asia-Pacific Pathways to Progress có trụ sở ở Manila, cho rằng ông Duterte đang sử dụng “VFA như một con bài ngã giá” và ông càng ngày càng tin tưởng vào nó nhờ thành công trong những lần yêu cầu trước.

“Con bài ngã giá”

“Khi Tổng thống Duterte chỉ trích Mỹ vì luôn chuyển cho Philippines trang thiết bị quân sự cũ kĩ, phía Mỹ đã bắt đầu gửi cho họ những trang thiết bị mới toanh.

Thêm nữa, khi ông Duterte thể hiện mong muốn mua vũ khí của Nga, Mỹ đã báo động và thuyết phục Philippines không làm vậy. Tương tự, khi ông Duterte dọa hủy VFA, Mỹ đã cấp lại thị thực cho Thượng nghị sĩ Ronald “Bato” dela Rosa và hối thúc Philippines tăng cường quan hệ với họ” – Rabena nói.

Dữ liệu từ chính phủ Mỹ cũng củng cố phân tích của Rabena. Năm 2016, khi ông Duterte chỉ trích Tổng thống Mỹ Barack Obama, thậm chí chửi bới ông, Quốc hội Mỹ vẫn phê duyệt khoản tiền 126,58 triệu USD cho “các lĩnh vực hòa bình và an ninh” của Philippines – mức cao nhất dành cho an ninh kể từ năm 2006.

“Đây dường như là chiến thuật ngã giá” – Collin Koh, chuyên gia phân tích thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapre, nhận định.

Koh nói rằng Tổng thống Duterte đang nghiêm túc về yêu cầu khoản tiền 16 tỉ USD, bởi Philippines đang cần tiền để mua trang thiết bị quân sự mới, đặc biệt là kể từ sau vụ rơi máy bay trực thăng Huey ngày 13/2 khiến 7 binh sĩ thiệt mạng.

Koh cũng nghĩ rằng cái giá trên nếu nhìn tổng thể cũng không phải không có lý. “Nếu xem xét về tầm quan trọng địa-chiến lược của Philippines – nhìn ra các tuyến đường biển quan trọng như Kênh Bashi, tuyến hàng hải mà các tàu bè và máy bay Mỹ cũng như Trung Quốc thường xuyên qua lại – thì vai trò của Philippines ngày càng quan trọng hơn”.

Ông cũng cho rằng, với việc lực lượng Mỹ trải dọc khu vực Thái Bình Dương, họ sẽ cần các đồng minh của mình nắm giữ vai trò lớn hơn “trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang trên Biển Đông”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại