Tổng Thư ký Quốc hội nói về trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường

Trường Phong |

Bên lề Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin thêm với báo chí về trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường vừa bị bác tư cách ĐBQH.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường có sai phạm khi đăng ký thêm một quốc tịch nước ngoài khi đang là công dân Việt Nam. "Chúng tôi mới biết điều này. Việc bà Hường có quốc tịch nước ngoài là hoàn toàn bất ngờ", ông Phúc nói.

Thông tin này biết được từ nguồn nào, thưa ông?

Cơ quan chức năng cung cấp thông tin. Ban đầu thì không biết được. Bà Hường là cơ cấu của T.Ư do MTTQ giới thiệu, là 1 trong 31 ứng cử viên của MTTQ giới thiệu cho HĐBCQG.

Trong cơ cấu đó có 2 doanh nghiệp. Bà Hường là 1 trong số đó.

Vậy, ngoài lý do bà Hường vi phạm luật quốc tịch còn có lý do gì nữa không?

Đến giờ phút này mới có lý do đó thôi. Vì có hành vi vi phạm như thế nên xử lý luôn. Còn gì nữa thì chưa biết. Cơ quan chức năng vào cuộc thì chưa biết thế nào cả.

Ông có thể nói rõ hơn về sai phạm của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường?

Có thể người ta biết hoặc không biết việc hành vi vi phạm luật. Công dân nước Việt Nam chỉ có một quốc tịch được công nhận. Điều đó quy định rõ rồi.

Khi anh có một quốc tịch thứ hai thì phải xin thôi quốc tịch kia. Xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài. Còn khi anh ra nước ngoài, mà nước đó cho phép 2 quốc tịch, 3 quốc tịch hay 1 thì tùy nước đó.

Nhưng mà đã 2 quốc tịch rồi về Việt Nam thì chỉ được sử dụng 1 cái thôi. Không thể mang 2 quốc tịch được.

Anh là người Việt Nam, sử dụng hộ chiếu, quốc tịch nước ngoài thì anh là người nước ngoài. Còn nếu sử dụng hộ chiếu, quốc tịch Việt Nam thì anh là công dân Việt Nam, hưởng mọi quy chế, quyền lợi của công dân Việt Nam.

Tóm lại khi đang là công dân Việt Nam, khi muốn làm một hộ chiếu nữa thì anh phải từ chối, xin thôi một hộ chiếu đi.

Không thể anh đang là công dân Việt Nam đang sống ở Việt Nam mà anh có hai hộ chiếu. Một lúc sử dụng hai quốc tịch cả.

Như vậy, bà Nguyệt Hường là kê khai không trung thực?

Nói không trung thực thì cũng đúng nhưng trong hồ sơ không có bắt buộc kê khai quốc tịch.

Trong hồ sơ xin rút thì nội dung của bà Nguyệt Hường là gì, thưa ông?

Xin thôi không làm ĐBQH nữa vì lý do xét thấy không đủ điều kiện.

Thời gian bà Nguyệt Hường gửi đơn vào lúc nào, thưa ông?

Bà Hường gửi đơn sau phiên họp thứ bảy của HĐBCQG. Do đó, HĐBCQG phiên họp thứ 8 xem xét tiêu chuẩn và xem xét đơn của bà Hường. HĐBCQG thấy không đủ điều kiện nên không xác nhận tư cách đại biểu.

Như vậy, một người ở Việt Nam mà có quốc tịch nước khác cũng sai phạm giống với trường hợp của bà Nguyệt Hường?

Bất cứ công dân nào đang sống ở Việt Nam mà đang là công dân Việt Nam, đang có quốc tịch Việt Nam, ở Việt Nam, lại đăng ký một quốc tịch khác mà chưa từ bỏ quốc tịch Việt Nam là sai.

Vậy, chế tài xử lý thế nào, thưa ông?

Buộc phải thu hồi lại. Nếu anh là ĐBQH thì tôi không xác nhận tư cách ĐBQH nữa. Và đương nhiên phải thu lại một quốc tịch.

Việc có thêm một quốc tịch nước ngoài thì theo quy định của nước đó, phải đầu tư rất nhiều. Vậy cơ quan chức năng có cho biết việc đầu tư của bà Nguyệt Hường ra nước ngoài là bao nhiêu không?

Cái này là quy định của nước ngoài. Anh muốn làm công dân của nước tôi thì phải có điều kiện gì đó.

Malta thì ban đầu chúng tôi cũng không biết, sau vào tìm hiểu thì biết đó là một quốc đảo ở Châu Âu, nằm giữa Địa Trung Hải. Chỉ có 386km vuông thôi, có 396 nghìn dân. Rất nhỏ.

Thưa ông, sau vụ này có rà soát lại toàn bộ ĐBQH không?

Việc đó là đương nhiên rồi, từ nay đến hết nhiệm kỳ. Nếu như xác định có trường hợp nào vi phạm, chúng ta vẫn làm.

May là luật vừa sửa, trước Kỳ họp đầu tiên thì HĐBCQG sẽ xác nhận tư cách ĐBQH, chứ nếu theo luật cũ, vào QH rồi biểu quyết thì phức tạp lắm.

Liên quan đến trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh thì có xem xét trách nhiệm của đơn vị bầu cử địa phương hay không? Ông này được giới thiệu qua rất nhiều vòng nhưng rồi lại sai phạm rất nhiều?

Cử tri đi bỏ phiếu thì người ta biết sao được. Ông Thanh do Chủ tịch MTTQ tỉnh giới thiệu. Hiệp thương tất cả các vòng. Hồ sơ không trung thực.

Cả trong quá trình làm việc của ông ấy người dân có biết đâu, cứ tưởng là ghê gớm lắm, qua chức này, chức kia…

Đến lúc vào kiểm tra thì mới biết được. Cũng vì thế mới có việc giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Thậm chí, công bố danh sách xong rồi vẫn chờ 30 ngày - 35 ngày để xem những người trúng cử có vấn đề gì không.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường và ông Trịnh Xuân Thanh đều rơi vào thời gian này mới phát hiện sai phạm. Danh sách trúng cử vẫn là 496 người, sau đó mới có đơn thư.

Nếu trường hợp đơn thư muộn quá thì HĐBCQG vẫn xem xét cơ mà.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại