Chiều 24/11, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14.
Tại buổi họp báo, phóng viên đã nêu câu hỏi, nhiều đại biểu chất vấn, Bộ trưởng, trưởng ngành giải trình thì khi đi vào phần chính lại hết giờ và bị cắt. Vì vậy, thông tin quan trọng nhất không được truyền đạt đến cử tri, nhân dân?
Trả lời câu hỏi này, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, theo quy định nội quy kỳ họp thì Quốc hội làm việc có giờ và không làm quá giờ đó.
"Vì thế, trong quá trình làm cũng cần rút kinh nghiệm. Bộ trưởng chúng ta khi trả lời, giải trình cố gắng cũng phải ngắn gọn.
Bộ trưởng chỉ có 15 phút, anh giải trình cái gì, quan trọng thì phải lựa chọn nội dung vấn đề để trả lời chứ tôi thấy Bộ trưởng trả lời nhiều cái còn dài, chưa tập trung nên kéo dài thời gian. Các thành viên Chính phủ cần rút kinh nghiệm điều đó", ông Phúc nói.
Tiếp đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời câu hỏi về nguồn vốn giải phóng mặt bằng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành được lấy từ đâu và Quốc hội sẽ giám sát ra sao để không dẫn đến tình trạng đội vốn.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, giải phóng mặt bằng là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng lớn tới tiến độ dự án và cũng phải được thực hiện chặt chẽ.
Với việc giải phóng gần 5.400ha, tổng mức đầu tư ban đầu Chính phủ trình là khoảng 23.000 tỷ đồng. Quốc hội trước đó đã bố trí 5.000 tỷ đồng và tiếp tục quyết bổ sung 15.000 tỷ đồng tại Kỳ họp thứ 4. Số còn thiếu là 2.900 tỷ đồng sẽ được lấy từ nguồn xã hội hoá.
"Quan trọng là tiến độ cuốn chiếu khi tiến hành giải phóng mặt bằng và giải phóng được đến đâu gọn đến đấy, phải quản lý được đất đai đã giải phóng mặt bằng.
Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng như HĐND tỉnh chịu trách nhiệm giám sát để không xảy ra sai phạm. Gần đây xảy ra vụ việc ở Sơn La là bài học quan trọng, không để xảy ra tương tự", Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh
Phóng viên cũng đặt câu hỏi về vấn đề, đầu kỳ họp QH đã phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng GTVT và Tổng thanh tra Chính phủ.
Theo thường lệ, việc QH lấy phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ sẽ thực hiện vào giữa nhiệm kỳ, vậy việc lấy phiếu tín nhiệm với 2 thành viên Chính phủ mới sẽ được thực hiện ra sao khi họ chỉ mới giữ chức vụ chưa được 1 năm có hợp lý không?
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo Nghị quyết 85 về lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm, với những người đảm nhiệm chức vụ liên tục từ đủ 9 tháng trở lên thì đủ điều kiện lấy phiếu.
Dự kiến vào tháng 10/2018, QH sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, khi đó Bộ trưởng GTVT và Tổng thanh tra Chính phủ đã nhậm chức được 1 năm.
Đối với câu hỏi về việc xem xét tư cách ĐBQH của bà Phan Thị Mỹ Thanh sẽ được thực hành như thế nào? Tổng Thư ký Quốc hội cho hay, ngay tại phiên họp báo trước kỳ họp này, ông đã có trao đổi về việc này.
"Vừa qua, trong quá trình các cơ quan chức năng đang xét xét, xử lý thì bà Phan Thị Mỹ Thanh có đơn khiếu nại với việc kỷ luật. Sau đó, Ban Bí thư đã thành lập đoàn kiểm tra và quyết định y án mức kỷ luật cảnh cáo.
Tiếp theo đó, các cơ quan chức năng đang xem xét tiếp các hành vi. Liên quan đến công tác cán bộ thì các cơ quan chức năng sẽ xem xét và kết quả như thế nào sẽ báo cáo Quốc hội", Tổng thư ký nhấn mạnh.