Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc: Khuyết 9 đại biểu sau nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14

Hoàng Đan |

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, số đại biểu Quốc hội khoá 14 đến kỳ họp này là 487 người so với 496 người trúng cử năm 2016. Trong đó, 4 người không còn là ĐB sau các án kỷ luật nghiêm khắc.

Quốc hội sẽ theo đuổi đến cùng lời hứa của các Bộ trưởng

Theo chương trình, sáng 21/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14 sẽ chính thức khai mạc tại Hà Nội. Kỳ họp dự kiến diễn ra trong vòng 20 ngày và sẽ bế mạc vào chiều 15/6.

Trao đổi với PV, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, điểm đổi mới quan trọng trong kỳ họp là ở phần chất vấn, trả lời chất vấn. Cụ thể, các đại biểu sẽ chỉ chất vấn trong vòng 1 phút và Bộ trưởng, Trưởng ngành trả lời tối đa 3 phút.

Ông Phúc nói, với việc đổi mới này, người hỏi cần ngắn gọn, rõ ý và người trả lời rất nhanh, không lòng vòng nhưng phải nghiên cứu rất thấu đáo nội dung, lĩnh vực phụ trách. Với thời lượng như vậy, số người được hỏi sẽ tăng lên gần gấp đôi so với kỳ trước.

Ngoài ra, trong kỳ họp, để giảm áp lực cho các thành viên Chính phủ, sau 3 người hỏi, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ trả lời.

"Tôi tin rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ Quốc hội sẽ rất sôi động", Tổng thư ký Quốc hội nói.

Nhiều ĐB đánh giá, phiên chất vấn, trả lời chất vấn ở kỳ họp này sẽ là cơ hội nhưng đan xen những thách thức đối với các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành, để lấy được tín nhiệm của các ĐBQH, chuẩn bị cho việc lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp cuối năm. Ông đánh giá gì về điều này?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đó chỉ là một phần vấn đề còn việc lấy phiếu tín nhiệm ở kỳ họp cuối năm nay sẽ là tín nhiệm của nửa nhiệm kỳ Quốc hội. 

Đối với phần chất vấn, trả lời chất vấn trong kỳ họp sẽ chỉ có 4 Bộ trưởng, thành viên Chính phủ tham gia vì thế còn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành khác.

Trước khi chất vấn, Quốc hội đã có cuộc giám sát để xem Chính phủ thực hiện lời hứa của mình, Nghị quyết chất vấn đến đâu, cái gì được, chưa được và nguyên nhân vì sao.

Đây là cơ sở để Quốc hội, ĐBQH đánh giá các thành viên Chính phủ, ai thực hiện tốt, ai thực hiện chưa tốt và từ đó, bỏ phiếu tín nhiệm.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc: Khuyết 9 đại biểu sau nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc.

Một số ý kiến cho rằng, để tạo sự công bằng, trong các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cần tăng cường chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng, Trưởng ngành?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ QH nên bố trí để các Bộ trưởng đăng đàn và có Bộ trưởng đã trả lời rồi nhưng vấn đề vẫn bức xúc thì cần tiếp tục trả lời, làm rõ.

Ngoài chất vấn tại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội cũng yêu cầu Bộ trưởng, Trường ngành giải trình những vấn đề cụ thể.

Ví dụ như tình trạng thuốc ung thư giả gây bức xúc, lập tức Ủy ban về các vấn đề xã hội mời Bộ Y tế lên giải trình ngay hay việc phong Giáo sư, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng cũng mời Bộ Giáo dục lên giải trình.

Sau khi nghe giám sát về việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, tư lệnh ngành, các thành viên Chính phủ, Quốc hội có ra Nghị quyết, hoặc quy định để buộc các Bộ trưởng phải thực hiện lời hứa của mình không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Tại phiên họp cuối năm và phiên họp giữa nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa, cam kết của thành viên Chính phủ khi thực hiện Nghị quyết của Quốc hội.

Sau đó, Quốc hội sẽ có Nghị quyết và theo đuổi đến khi nào các Bộ trưởng, thành viên hoàn thành lời hứa, cam kết mới dừng lại.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc: Khuyết 9 đại biểu sau nửa nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14 - Ảnh 3.

Một phiên họp của Quốc hội. Ảnh: N.T.

Nhưng hiện nay chúng ta đã có chế tài cụ thể nào để xử lý những Bộ trưởng, thành viên không thực hiện đúng lời hứa, cam kết chưa thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Hiện nay, chế tài nặng nhất là bỏ phiếu tín nhiệm. Nếu anh dưới 50% phiếu tín nhiện chắc chắn sẽ không còn được ngồi ghế Bộ trưởng, Trưởng ngành và phải từ chức ngay.

Nhiều cử tri cũng quan tâm tại kỳ họp 5 này, Thủ tướng Chính phủ có đăng đàn trả lời chất vấn không, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Thông thường phiên giữa năm, Thủ tướng có thể giao cho Phó Thủ tướng trả lời và trong trường hợp cần thiết Thủ tướng vẫn đăng đàn trả lời chất vấn.

Quốc hội khuyết 9 đại biểu không ảnh hưởng nhiều

Sau trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, tính tất cả các trường hợp cho thôi, bãi nhiệm, mất quyền ĐBQH… đến nay, tổng số ĐBQH bị khuyết so với khi trúng cử còn lại bao nhiêu, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Như chúng ta biết, khi tiến hành bầu cử, số ứng cử viên trúng cử đầu tiên do Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố có 496 ĐBQH. 

Sau đó tại kỳ họp thứ nhất, Hội đồng đã xem xét về tư cách đại biểu và có 2 ĐB không đủ tư cách là Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Tiếp đó, vừa qua, do vi phạm pháp luật và bản án của tòa phúc thẩm đã có hiệu lực nên 2 đại biểu đương nhiên mất quyền ĐBQH là ông Đinh La Thăng, Nguyễn Quốc Khánh.

Ngoài ra, có 3 trường hợp ĐBQH cho thôi nhiệm vụ, được Ủy ban Thường vụ QH chấp nhận theo đơn vì lý do sức khỏe và chuyển công tác cùng 2 đại biểu qua đời.

Như vậy, đến nay có tổng số 9 ĐBQH được cho thôi, bãi nhiệm, mất quyền ĐBQH và qua đời. So với tổng số ĐBQH trúng cử ban đầu là 496 đến nay còn 487 ĐB.

Chúng tôi đang thống kê nhưng khóa gần đây nhất, không khuyết nhiều ĐB như vậy.

Việc khuyết 9 ĐBQH như vậy ảnh hưởng thế nào đến hoạt động của Quốc hội, thưa ông?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Hiện nay, không có ảnh hưởng gì và theo quy định tại Điều 89 Luật bầu cử, việc bầu cử bổ sung ĐBQH trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn hai năm và thiếu trên 10% tổng số ĐBQH đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ.

So với thực tế hiện nay chưa đến 10% tổng số ĐBQH nên chưa cần phải bầu bổ sung.

Đối với những tỉnh theo cơ cấu đã ít đại biểu, lại bị khuyết như vậy thì ảnh hưởng đến quyền lợi của cử tri tại nơi bầu các ĐB bị khuyết như thế nào?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Ở đây không phải khuyết nhiều mà thực tế, cả đoàn có 6-9 đại biểu chỉ thiếu 1 người nên chưa gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cử tri.

Hơn thế, ĐBQH không chỉ làm việc tại nơi đó mà là đại biểu chung của toàn dân nên có thể được bầu ở khu vực này nhưng hoạt động ở khu vực khác. Thậm chí, do điều động, phân công của Đoàn ĐBQH khi tiếp xúc cử tri, ĐBQH tỉnh này có thể sang tỉnh khác tiếp xúc.

Xin cảm ơn ông!

Danh sách 9 ĐBQH đã rời ghế Quốc hội

Ông Đinh La Thăng, ĐBQH đoàn Thanh Hoá: Mất quyền ĐBQH kể từ ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên có tội (từ ngày 14/5).

Ông Nguyễn Quốc Khánh, ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Mất quyền ĐBQH kể từ ngày Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên có tội (từ ngày 14/5).

Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai: UBTVQH cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH kể từ ngày 14/5 do bị thi hành kỷ luật và bà có đơn xin thôi vì sức khỏe.

Ông Võ Kim Cự, ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh: Ngày 15/5/2017, UB Thường vụ QH đồng ý cho thôi nhiệm vụ ĐBQH do bị thi hành kỷ luật và có đơn xin thôi vì sức khỏe.

Ông Trịnh Xuân Thanh, trúng cử ĐBQH tỉnh Hậu Giang: Sáng 15/7/2016, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã bỏ phiếu tán thành việc không công nhận tư cách ĐBQH.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, trúng cử ĐBQH TP Hà Nội: Ngày 17/7/2016, Hội đồng Bầu cử quốc gia họp phiên đột xuất không xác nhận tư cách ĐBQH khóa 14 vì không đủ tiêu chuẩn và có đơn xin rút trước đó.

Ông Ngô Đức Mạnh, ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Quyết định cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH vì được phân công nhiệm vụ Đại sứ tại Liên bang Nga.

Ông Ngô Văn Minh, ĐBQH tỉnh Quảng Nam qua đời vào ngày 16/12/2016.

Hòa thượng Thích Chơn Thiện, ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế là ĐBQH cao tuổi nhất mất vào trưa 8/11/2016.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại