Đây được coi là sự thay đổi lớn, vì lâu nay nhà lãnh đạo này luôn thề sẽ chiến đấu để đòi lại từng tấc đất cuối cùng của Ukraine.
Thông điệp mà ông Zelensky đưa ra rất thận trọng. Ông không nói rõ Kiev sẽ đồng ý nhượng đất hoặc các vấn đề khác, dù Nga đang kiểm soát hơn 20% lãnh thổ Ukraine và không đồng ý trả lại để đổi lấy bất kỳ thoả thuận ngừng bắn nào.
Từng khăng khăng yêu cầu Nga rút toàn bộ quân trước khi đàm phán, ông Zelensky hiện nay nhấn mạnh nhu cầu bảo đảm an ninh lâu dài.
Những thay đổi của ông Zelensky mà giới chức Ukraine và phương Tây đều nhận thấy có thể là do tình hình ở tuyến đầu đang xấu đi và chính quyền Mỹ sắp tới có thể sẽ không viện trợ cho Kiev nữa.
Trong suốt năm đầu tiên của cuộc xung đột, lãnh đạo và các quan chức Ukraine luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đòi lại toàn bộ đất đai của Ukraine, bao gồm bán đảo Crimea và các khu vực khác mà Nga đã kiểm soát trên thực tế từ năm 2014, để Kiev chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào.
Trong những cuộc họp gần đây với ông Trump và các lãnh đạo châu Âu, ông Zelensky tập trung nhiều hơn vào cái mà ông gọi là "hòa bình lâu dài" cho Ukraine. Ông khẳng định ưu tiên hàng đầu của Kiev hiện nay là được mời tham gia liên minh quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và nhận được những cam kết an ninh khác, chẳng hạn như sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu, để ngăn chặn Nga mở chiến dịch quân sự một lần nữa.
Các quan chức và giới phân tích cho rằng sự thay đổi của ông Zelensky có thể phù hợp hơn với quan điểm của ông Trump về việc phải chấm dứt xung đột. Nhưng nhà lãnh đạo Ukraine cũng đang cố gắng đảm bảo Kiev không rơi vào tình cảnh “xôi hỏng bỏng không”.
Theo ông Michael McFaul, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga và là người đồng chủ trì Nhóm công tác quốc tế về trừng phạt Nga, cho rằng chính quyền của Tổng thống Zelensky "hiểu rằng mọi thứ sẽ thay đổi" dưới thời ông Trump.
"Tôi nghĩ đối với ông Zelensky, thay đổi này giúp ông ấy thoát khỏi quan điểm bị khóa chặt của mình, rằng họ sẽ chiến đấu cho đến khi khôi phục được biên giới từ năm 1991, bất kể điều gì xảy ra. Bây giờ ông ấy có thể nói, 'Chà, tôi rất muốn làm điều đó, nhưng ông Trump đã vào cuộc và mọi thứ đã thay đổi'", ông McFaul nói với Washington Post .
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với Sky News , ông Zelensky cho biết "giai đoạn nóng của cuộc chiến" có thể dừng lại nếu Ukraine được mời vào NATO. Ông cho biết vùng đất mà lực lượng Nga kiểm soát sau đó có thể được trả lại "bằng phương pháp ngoại giao". Những phát biểu này cho thấy ông Zelensky trước mắt chấp nhận nhượng lãnh thổ.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao NATO cho biết lời mời Ukraine tham gia liên minh quân sự phương Tây vẫn là một viễn cảnh xa vời vì hoài nghi và bất ổn, cùng với sự phản đối của một số thành viên như Hungary.
"Theo quan điểm của người Ukraine, việc thúc đẩy vấn đề này là hoàn toàn hợp lý. Nếu bạn là người Ukraine, sự đảm bảo an ninh duy nhất mà bạn thực sự coi trọng là tư cách thành viên NATO. Vì vậy, ông ấy sẽ làm mọi cách để thúc đẩy điều đó. Không thể đổ lỗi cho ông ấy vì điều đó", nhà ngoại giao giấu tên cho biết.
Một câu hỏi lớn là Tổng thống Nga Vladimir Putin đã sẵn sàng đàm phán hay chưa trong bối cảnh quân đội của ông đang giành được lợi thế trên tiền tuyến.
Một số quan chức suy đoán ông Zelensky khôn ngoan khi điều chỉnh lập trường, nhằm lấy lòng chính quyền Trump sắp tới để có thể nhận được hỗ trợ nhiều hơn nếu Nga từ chối đàm phán.