Yêu sách đòi Nga bồi thường chiến tranh được Tổng thống Ukraine đưa ra trước kỳ bầu cử quốc hội năm 2019. Chủ đề cuộc nội chiến ở đông Ukraine sẽ là một trong những chủ đề hàng đầu trong chiến dịch tái tranh cử của ông Poroshenko.
Theo Newsweek, hồi đầu năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea, rồi ủng hộ quân ly khai ở vùng Donbass phía đông Ukraine, ngay sau khi những cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Kiev đã lật đổ chính phủ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych.
Sau cuộc bầu cử đột xuất, Tổng thống Poroshenko đã hứa đòi bằng được Crimea về Ukraine nhưng không bằng giải pháp quân sự. Từ sau thỏa thuận ngưng bắn Minsk 2 ký hồi tháng 2.2015, cuộc chiến ở đông Ukraine vẫn diễn ra nhỏ lẻ giữa quân ly khai và quân Ukraine, trong cuộc chiến đã khiến hơn 10.300 người Ukraine chết, 1,7 triệu người phải sơ tán.
Trong tuần này, ông Poroshenko viết Facebook, yêu cầu các bộ trưởng bắt đầu tính toán tổn thất từ những hành động của Nga:
“Nga đã gây tổn thất về người từng ngày ngay trên lãnh thổ Ukraine, phá hủy cơ sở hạ tầng, xí nghiệp và tiềm năng kinh tế của vùng Donbass và Crimea, nên chúng ta không được ngần ngại từng phút giây nào, và phải lập tuyên bố chính đáng của Ukraine đòi Nga phải bồi thường cho các tổn thất”.
Tổng thống Poroshenko không nêu bất kỳ sự ước tính sơ bộ nào về tổn thất. Nhưng hồi đầu năm 2018, nữ nghị sĩ Irina Lutsenko từng nói sự tổn thất do Nga gây ra vượt quá 50 tỉ USD.
Điện Kremlin vẫn phủ nhận không dính líu cuộc nội chiến Ukraine. Ngoại trưởng Sergei Lavrov từng nói không có lính Nga ở Donbass, chiến tranh ở đông Ukraine là nội chiến chứ không phải Nga đánh chiếm, và Nga không bắn rơi chiếc máy bay dân sự MH-17 của hãng hàng không Malaysia Airlines hồi tháng 7.2014.
Theo Newsweek, Nga đã thừa nhận có quân tham gia cuộc sáp nhập Crimea dù trước đó phủ nhận, vốn khiến các nước phương Tây không chấp nhận, tiến hành nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế Nga.
Ngày 11.1. 2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói với các nhà báo ở Moscow, rằng ông có đề nghị trả cho Ukraine 11 tàu chiến mà Nga từng tịch thu khi sáp nhập Crimea hồi tháng 3.2014.
Theo trang Daily Signal, ông Putin nói: “Chúng tôi sẵn sàng trả tàu chiến Ukraine hiện vẫn ở Crimea. Chúng tôi cũng sẵn sàng trả phương tiện bay và xe bọc thép. Tuy nhiên, số phương tiện quân sự này cũ nát rồi. Điều kiện thật hiện nay của chúng thật sự là thế. Và trong nhiều năm qua, không ai sử dụng đến chúng. Nhưng đấy không phải là chuyện Nga quan tâm”.
Tuyên bố của Tổng thống Nga khiến các quan chức, quân đội Ukraine tức, xem đấy là sự sỉ nhục. Bà Iryna Gerashchenko, Phó chủ tịch thứ nhất Quốc hội Ukraine, viết Facebook ngày 11.1, bày tỏ sự phẫn nộ với đề nghị của ông Putin:
“Chúng tôi sẽ không bán Crimea để lấy tàu chiến, chúng tôi cũng sẽ không đầu hàng và không trao đổi lấy chúng. Putin đã cướp số tàu của chúng tôi. Chúng tôi sẽ thu hồi Crimea, tất cả các tài sản của Ukraine ở đó, gồm số tàu chiến. Và thu hồi cả vùng Donbass”.
Ông Oleksiy Melnyk, một cựu phi công Liên Xô và nay là đồng chủ nhiệm chương trình an ninh quốc tế-quan hệ đối ngoại ở tổ chức nghiên cứu Trung tâm Razumkov (ở Kiev) nói đề xuất trả tàu chiến Ukraine của ông Putin là bêu riếu Ukraine.
Andrey Kobzar, một cựu binh 40 tuổi từng chống quân ly khai ở Donbass, nói với Daily Signal: “Nga không muốn tìm một giải pháp hòa bình. Họ đang hưởng lợi là cứ duy trì tình trạng căng thẳng và hành động quân sự ở Ukraine. Đề xuất của Putin chỉ là một âm mưu trắng trợn để hợp thức hóa việc chiếm Crimea. Để thu hồi tàu chiến và phương tiện quân sự, thì phải đàm phán ở cấp nhà nước. Nếu tham gia các cuộc đàm phán này, hóa ra Ukraine tự động thừa nhận Crimea không còn là lãnh thổ của mình”.
Nga từng không chấp nhận yêu sách đền bù tổn thất do các nước khác đưa ra. Ví dụ Latvia từng ước tính Nga nợ nước này 210 tỉ USD vì bị tổn thất về cơ sở hạ tầng, đầu tư và phát triển từ khi Liên Xô chiếm Latvia, theo Newsweek.
Nga đã bác yêu sách của Latvia, sau đó Đại sứ Nga Alexander Udaltsov ra một hóa đơn đòi Latvia trả món nợ 72 tỉ USD mà Liên Xô từng đầu tư vào nước này.