Trong khi đó, cựu Phó Thủ tướng Mehmet Simsek, người được xem có đường lối thân thiện với thị trường trong chính phủ trước đây, bị loại khỏi nội các mới của ông Erdogan.
"Chúng ta sẽ có một khởi đầu mới kể từ ngày hôm nay. Chúng ta đang bỏ lại phía sau hệ thống khiến đất nước trả giá nặng nề về chính trị và lâm vào tình cảnh hỗn loạn kinh tế trong quá khứ" - Tổng thống Ergogan phát biểu tại dinh tổng thống ở thủ đô Ankara.
Ông Erdogan cũng bổ nhiệm ông Fuat Oktay, cựu giám đốc điều hành hãng hàng không Turkish Airlines từng du học Mỹ, làm phó tổng thống. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar được chỉ định làm bộ trưởng quốc phòng trong khi vị trí bộ trưởng ngoại giao vẫn do ông Mevlut Cavusoglu đảm nhận.
Tổng thống 64 tuổi này cho rằng quyền điều hành mạnh mẽ của tổng thống đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh sau cuộc đảo chính quân sự bất thành vào năm 2016, cũng như bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chiến tranh ở biên giới phía Nam Syria và Iraq.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt tay người đồng cấp Venezuela Nicolas Maduro trong lễ nhậm chức. Ảnh: AP
Tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Erdogan còn có Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Sudan Omar Hassan al-Bashir nhưng thiếu vắng phần lớn lãnh đạo phương Tây.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của liên minh quân sự phương Tây NATO nhưng mâu thuẫn với Mỹ về chiến lược quân sự ở Syria và bất đồng với Liên minh châu Âu (EU) về việc trấn áp các tổ chức nhà nước, lực lượng vũ trang, cảnh sát và truyền thông của chính quyền ông Erdogan sau cuộc đảo chính bất thành trước đó.
Kể từ nhiệm kỳ này, chức danh thủ tướng bị loại bỏ và tổng thống sẽ có quyền chọn nội các, bổ nhiệm bộ trưởng và sa thải công chức mà không cần sự phê chuẩn của quốc hội.
Ông Marc Pierini, cựu đại sứ EU tại Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng quyền lực mới của ông Erdogan giúp ông trở thành "tổng thống có quyền điều hành tối cao" khi hầu hết quyền lực tập trung trong tay tổng thống.