Tổng thống nước Cộng hòa tự trị Tatarstan (thuộc Nga), ông Rutstam Minnikhanov và Đại sứ Việt Nam tại Nga, ông Ngô Đức Mạnh đã có các cuộc thảo luận về các dự án trong lĩnh vực quân sự và các lĩnh vực khác.
Tàu hộ vệ tên lửa 015 Trần Hưng Đạo, 1 trong 4 tàu hộ vệ tên lửa Gepard của Hải quân nhân dân Việt Nam.
"Các sản phẩm quân sự có xe tải KAMAZ, trực thăng, 4 tàu chiến lớp Gepard cũng đã được chuyển giao (cho Việt Nam) và như chúng ta đã biết, phía Việt Nam cũng có kế hoạch tiếp tục mua các tàu hộ vệ tên lửa Gepard của nhà máy Zelenodolsk," ông Minnikhanov cho biết.
Ông cũng lưu ý rằng, Tatarstan và Việt Nam có nhiều cơ hội để hợp tác: "Chúng tôi có mối quan hệ tốt ở nhiều cấp lãnh đạo, mở rộng trao đổi thương mại, kinh tế và đầu tư", Tổng thống nước Cộng hòa Tatarstan cho biết.
Đại sứ quán Việt Nam đến thăm nhà máy Zelenodolsk vào hôm 18/07/2018.
Trước đó, đã có một số nguồn tin cho biết Việt Nam và Nga đã đàm phán về cặp tàu Gepard thứ 3 (chiếc số 5 và số 6) từ năm 2015. Các nguồn thông tin này cũng thống nhất ở 1 điểm là cặp tàu Gepard thứ 3 mà Việt Nam đặt đóng sẽ được trang bị tên lửa hiện đại hơn.
Ông Renat Mistahov, Tổng Giám đốc nhà máy Zelenodolsk từng tiết lộ họ có kế hoạch lắp đặt hệ thống tên lửa Klub-N thay cho Uran-E trên các tàu lớp Gepard. Nếu như kế hoạch đặt đóng cặp tàu Gepard thứ 3 của Việt Nam được hiện thực hóa, thì khả năng cao các tàu này sẽ được trang bị tên lửa Klub-N.
Tại buổi lễ hạ thủy cặp tàu Gepard thứ 2 vào ngày 27/04/2016 có sự tham dự của Phó Đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc nhà máy Zelenodolsk, ông Alexander Karpov cho biết cả 2 phía Việt Nam và Nga đều sẵn sàng ký thỏa thuận về đóng cặp tàu Gepard thứ 3.
Và cũng theo ông Karpov, phía Việt Nam mong muốn có mẫu tàu (Gepard) mà Nga sử dụng ở chiến trường Syria. Có nghĩa là Việt Nam muốn nhà máy Zelenodolsk trang bị các bệ phóng tên lửa Kalibr-NK.
Việc bắt đầu đóng tàu phụ thuộc vào thời gian ký hợp đồng. Thời gian thi công mỗi tàu hộ vệ tên lửa Gepard mất trung bình khoảng 3 năm.