Syria cần nâng cấp hệ thống phòng không
Thượng nghị sĩ Nga Viktor Ozerov hôm thứ Bảy cho hay, Nga sẵn sàng cung cấp các hệ thống phòng không mới cho Syria nếu 2 phía đạt được thỏa thuận.
"Số lượng các hệ thống phòng không cần có có thể được cung cấp trên cơ sở ưu tiên, sẽ không tăng thêm gánh nặng cho ngành công nghiệp quốc phòng" - ông Ozerov, chủ tịch ủy ban quốc phòng và an ninh của Thượng viện Nga nói.
Theo ông Ozerov, "thỏa thuận trên (nếu đạt được) không có gì bất thường, bởi Syria đang phải chiến đấu chống lại quân khủng bố và Nga đang giúp họ trong cuộc chiến này".
Ông Ozerov đồng thời nhấn mạnh rằng, việc chuyển giao các hệ thống phòng không cho Syria sẽ không vi phạm các quy tắc quốc tế hay các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc "vì hệ thống phòng không là vũ khí phòng vệ, không phải vũ khí tấn công".
Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ảnh tư liệu. Nguồn: Getty).
Trước đó, vào thứ Sáu, trong cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng tin Sputnik, Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho hay, Damascus đang quan tâm tới các hệ thống phòng không thế hệ mới của Nga, bởi hơn 50% vũ khí phòng không của nước này đã bị khủng bố phá hủy.
"Chúng tôi không thể tiết lộ con số chính xác, bởi đây là thông tin quân sự. Nhưng tôi có thể đưa ra con số ước tính là hơn 50%" - ông al-Assad nói, đồng thời cho biết thêm rằng, Moscow và Damascus đang thảo luận về khả năng cung cấp cho Syria các hệ thống phòng không tăng cường.
Vì sao Syria không thể đánh chặn tên lửa Tomahawk?
Nhu cầu hiện đại hóa lực lượng phòng không của Damascus có vẻ được thúc đẩy bởi vụ tấn công bằng 59 tên lửa Tomahawk của Washington tối 6/4 theo giờ Mỹ (tức 7/4 theo giờ Syria) nhằm vào sân bay quân sự ở Ash Sha’irat, cách thành phố Homs 40km.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cuộc tấn công này nhằm đáp trả việc quân chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường ở Idlib.
Bộ Quốc phòng Mỹ công bố video quân đội Mỹ phóng tên lửa hành trình vào Syria sau khi Tổng thống Donald Trump phát lệnh tấn công tối 6/4 (theo giờ Mỹ)
Đề cập tới việc các hệ thống phòng không Syria không thể đánh chặn tên lửa Tomahawk của Mỹ hôm 7/4, Tổng thống al-Assad lý giải rằng đây là "vấn đề phức tạp về mặt kỹ thuật, bởi tên lửa đánh chặn phải nhìn thấy mục tiêu".
"Về phương diện kỹ thuật, đây là vấn đề phức tạp, bởi tên lửa (đánh chặn) phải nhìn thấy mục tiêu.
Để nhìn thấy nó, bạn cần có một hệ thống radar có thể quan sát mọi ngóc ngách trên đất nước nhưng đây là điều không thể do các yếu tố địa hình, địa thế. Trong khi đó, như các bạn biết đấy, tên lửa hành trình lại lợi dụng địa hình để tránh bị radar phát hiện" - ông Assad nói.
Cũng theo ông Assad, các cuộc tấn công của lực lượng khủng bố là lý do thứ 2 khiến hệ thống phòng không Syria không thể bắn hạ tên lửa Tomahawk.
"Ngay từ giai đoạn đầu của các cuộc tấn công, chúng đã bắt đầu phá hủy hệ thống phòng không của Syria, mặc dù điều này đi ngược hoàn toàn với tuyên bố của chúng khi đó là 'biểu tình ôn hòa'.
Phần lớn các hệ thống phòng không đều nằm ngoài thành phố, xa trung tâm, vì thế chúng bắt đầu tấn công các hệ thống phòng không đó và khiến mạng lưới phòng không Syria bị ảnh hưởng đáng kể trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng" - ông Assad nói.
Đây là lần đầu tiên chính phủ Syria lên tiếng về hệ thống phòng không của họ kể từ sau vụ tấn công hôm 7/4.
Các hệ thống phòng không S-200 của Syria
Hiện trong biên chế quân đội Syria có các hệ thống tên lửa đất-đối-không S-200 (NATO định danh: SA-5 Gammon) từ thời Liên Xô.
Tổ hợp phòng không này được thiết kế để bảo vệ các cơ sở quan trọng của quân đội, cũng như cơ sở hạ tầng dân sự trước các mối đe dọa đường không.
S-200 được quân đội Liên Xô đưa vào biên chế năm 1967 và tới nay vẫn được quân đội Nga, cũng như hàng chục quốc gia khác trên khắp thế giới sử dụng.
Theo Sputnik, S-200 là tên lửa đất-đối-không tầm xa, tên lửa dài 11m của hệ thống có thể bay với tốc độ 700-1.200m/s, ở độ cao 300m-27km và có tầm bắn lên tới 300km.
S-200 có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết.
Tên lửa phòng không S-200. Ảnh: Wiki
Liên Xô đã chuyển giao các hệ thống S-200 đầu tiên cho Syria vào tháng 1/1983.
Chúng được tổ chức thành 2 trung đoàn tên lửa đất-đối-không tầm xa với ít nhất 24 bệ phóng, mỗi trung đoàn gồm 2 tiểu đoàn.
Trong những năm 1980, Moscow đồng ý cung cấp trung đoàn thứ 3 cho Syria.
Theo nhiều nguồn tin mở, trước khi bị quân khủng bố phá hủy, tổng cộng quân đội Syria có khoảng 40-50 bệ phóng S-200 trong biên chế.
Trong giai đoạn đầu cuộc chiến tranh, đã có những hình ảnh cho thấy một số bộ phận của S-200 còn sót lại tại những trận địa phòng không của Syria mà quân nổi dậy tràn qua.
Một quả đạn S-200 không còn khả năng sử dụng tại căn cứ phòng không Ghouta (ngoại vi Damascus). Ảnh: milinme.wordpress
Từ khi bắt đầu chiến dịch chống khủng bố tại Syria năm 2015, Nga đã giúp Syria phục hồi một số hệ thống S-200.
Tháng 11/2016, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng Nga đã giúp Syria khôi phục hệ thống S-200 trở lại tình trạng sẵn sàng hoạt động.
Trước đó, vào tháng 7/2016, quân đội Syria, với sự hỗ trợ của Nga, đã khôi phục trận địa tên lửa S-200 ở sân bay Kweires, gần Aleppo.
Tháng 3 năm nay, quân đội Syria thông báo hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ 1 máy bay quân sự của Israel tham gia cuộc tấn công nhằm vào binh sĩ Syria gần Palmyra.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Israel khẳng định không có máy bay nào của nước này bị thiệt hại.