"Rất nhiều tình huống khó khăn đang ở phía trước. Khi lần đầu tiên người ta đề cập đến việc viện trợ xe tăng của phương Tây cho Ukraine, nhiều người nói rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra nhưng nó đã xảy ra. Các máy bay phương Tây cũng từng được đề cập và nhiều người nói rằng điều đó không xảy ra nhưng nó cũng đã xảy ra. Bây giờ là cuộc thảo luận về sự xuất hiện của binh sĩ phương Tây ở Ukraine. Một số người nói rằng điều này không xảy ra nhưng nó sẽ xảy ra. Tình hình sẽ xấu đi ở mọi nơi và chúng ta phải tìm ra giải pháp tốt nhất có thể cho đất nước của mình", ông Aleksandar Vucic nói.
Trước đó, sau một hội nghị về Ukraine ở Paris ngày 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân vào nước này. Mặc dù không có sự nhất trí về chủ đề trên nhưng ông Macron đã để ngỏ cho một kịch bản trong tương lai.
Sau hội nghị, hầu hết các bên tham gia đều cam kết họ không có kế hoạch đưa quân vào Ukraine để chiến đấu với Nga. Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne một ngày sau đó cho biết sự hiện diện của quân đội phương Tây ở Ukraine là cần thiết để cung cấp một vài sự hỗ trợ, chẳng hạn như các hoạt động dọn mìn và huấn luyện binh lính Ukraine nhưng sự hiện diện đó không cho thấy sự tham gia của họ vào cuộc xung đột này.
Còn theo tờ Le Monde của Pháp, việc phương Tây úp mở có thể triển khai quân đội tới Ukraine được coi là một cách để gây áp lực lên Nga.
Bài báo của Le Monde dẫn các nguồn tin chỉ ra rằng Pháp đã phủ nhận việc các lực lượng theo quy ước, dù có mặc đồng phục hay không, hiện diện ở Ukraine. Paris chỉ ngầm thừa nhận sự hiện diện của Tổng cục An ninh Đối ngoại tại Ukraine, đặc biệt là lực lượng từ các cơ quan chuyên hoạt động trong những khu vực khủng hoảng.
Các nguồn tin của bài báo cũng khẳng định, lực lượng quân đội dưới sự chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Pháp chưa bao giờ vượt qua biên giới Ukraine mà chỉ huấn luyện cho các lực lượng của Kiev tại Ba Lan.