Khi căng thẳng gia tăng giữa Washington và Tehran, Moscow đã áp dụng cách tiếp cận thận trọng hơn, Giáo sư Mark N. Katz từ trường Chính sách và Chính phủ Schar thuộc Đại học George Mason nhận định.
Trước đó, Tổng thống Vladimir Putin cùng với nhiều đồng minh phương Tây của Washington đã chỉ trích chính quyền Donald Trump rút khỏi thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đạt được trong những năm tháng dưới thời chính quyền Barack Obama.
Moscow đã tham gia cùng với các bên ký kết khác là Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc và Iran, trong việc tìm cách giữ gìn thỏa thuận. Sau thông báo gần đây của Iran về việc ngừng tuân thủ một số điều khoản của JCPOA để đáp trả các biện pháp trừng phạt gia tăng của Mỹ, chính ông Putin đã thúc giục Iran tuân thủ thỏa thuận.
Ông đã cảnh báo rằng ngay sau khi Iran thực hiện các bước phản ứng đầu tiên và rời khỏi thỏa thuận, ngày mai mọi người sẽ quên rằng Mỹ mới là người đầu tiên khởi xướng sự sụp đổ này. Iran sẽ trở thành người nắm mũi chịu sào và dư luận toàn cầu sẽ cố tình thay đổi theo hướng quay sang chỉ trích Iran.
Tổng thống Putin có thể gặt hái nhiều lợi ích từ cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran.
Nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ ra rằng, bất chấp sự phản đối đối với các biện pháp trừng phạt gia tăng của chính quyền Trump đối với Iran, châu Âu đã chứng tỏ sự bất lực trong tình huống này.
Ông đề cập đến việc các nước châu Âu không thể tiếp tục giao dịch với Iran - mặc dù rất muốn làm như vậy - vì các hình phạt nặng nề của Mỹ đối với các công ty châu Âu muốn gắn bó với Tehran. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng Moscow cũng không thể làm gì trong bối cảnh hiện tại vì Nga không phải là một đội cứu hỏa có thể dập lửa ở bất cứ đâu.
Theo Giáo sư Mark N. Katz, ở một khía cạnh nào đó, Nga không có khả năng ngăn chặn áp lực gia tăng của Mỹ đối với Iran - đối tác của Moscow về Syria và các vấn đề khác. Do đó, Nga cũng không thể giải quyết cũng như không ảnh hưởng đến cuộc khủng hoảng đang gia tăng căng thẳng những ngày qua.
Sự bất lực như vậy đã tổn hại đến mục đích lâu dài của Tổng thống Putin nhằm khẳng định lại vai trò của Moscow như một cường quốc có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Moscow đang được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran theo nhiều cách.
Đầu tiên là sự phản đối của châu Âu đối với sự thù địch ngày càng gia tăng của chính quyền Trump đối với Iran – điều sẽ thúc đẩy sự chia rẽ trong liên minh NATO.
Đáng chú ý hơn cả là sự đồng lòng của Nga và châu Âu lần này còn nhiều hơn so với năm 2003, khi Nga tham gia với một số chính phủ châu Âu (đặc biệt là Pháp và Đức) trong việc phản đối quyết định của chính quyền Bush xâm chiếm Iraq.
Lần này, một số chính phủ châu Âu khác (đặc biệt là Vương quốc Anh và Ba Lan) đã hỗ trợ Nga trong việc phản đối động thái của ông Trump về Iran.
Nếu căng thẳng Mỹ-Iran gia tăng hơn nữa, sự phản đối của châu Âu đối với chính sách của Mỹ có thể dẫn đến việc châu Âu sẵn sàng giảm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Nga liên quan đến Ukraine và các vấn đề khác.
Ngoài ra, bằng cách bày tỏ sự phản đối chính sách của Mỹ đối với Iran nhưng báo hiệu rằng Moscow không thể làm gì nhiều để thay đổi tình hình, Tổng thống Putin có thể hy vọng giữ gìn hoặc thậm chí cải thiện quan hệ Nga với bốn đồng minh Trung Đông của Mỹ đặc biệt thù địch với Iran: Israel, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain.
Iran chắc chắn sẽ mong muốn sự hỗ trợ nhiều hơn từ Moscow trong cuộc xung đột với Mỹ và hơn cả là không muốn Moscow có mối quan hệ tốt như vậy với các đối thủ của mình ở Trung Đông.
Nhưng Tehran có rất ít sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục dựa vào Nga. Bất kể sự khác biệt với Moscow, Iran khó có thể giảm bớt mối quan hệ với Nga chừng nào mối quan hệ giữa Mỹ và Iran tiếp tục căng thẳng.
Giờ đây, Nga và Iran đã thành công trong việc ổn định chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad và đánh bại hoặc trấn áp các đối thủ của mình. Nhưng giờ đây, một cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở Syria đã xuất hiện giữa Nga và Iran.
Iran và các đồng minh dân quân Hezbollah và Shi'a có sự hiện diện quân sự lớn hơn nhiều so với Nga ở Syria, do đó, Nga khó có thể giảm bớt ảnh hưởng của Iran ở đó (như chính quyền Trump và các đồng minh Saudi và Israel đã hy vọng).
Nhưng với mức áp lực tăng cường của Mỹ đối với Iran khiến cho Teheran khó hành động hơn ở Syria, Moscow có thể thừa cơ tăng cường ảnh hưởng của mình tại đó.
Ngoài ra, nếu các lệnh trừng phạt của chính quyền Trump thành công trong việc giảm xuất khẩu dầu của Iran, các nhà sản xuất khác bao gồm Nga sẽ có thể tăng xuất khẩu của họ thông qua cuộc khủng hoảng này.
Cuối cùng, trong trường hợp chính quyền Trump mải mê tập trung vào tranh cãi với Iran, họ sẽ ít chú ý đến các tranh chấp khác nhau với Nga, thậm chí có thể trao cho Moscow một bàn tay tự do hơn về các vấn đề Ukraine, Belarus và các khu vực khác.
So với Mỹ, Nga có dân số, kinh tế và quân sự nhỏ hơn nhiều. Mỹ vẫn có một mạng lưới các đồng minh lớn, trong khi Nga có tương đối ít.
Mặc dù vậy, những gì mà ông Pu tin hướng tới là tận dụng những sai lầm do những kẻ thù của Nga gây ra để tiếp tục gặt hái lợi ích cho đất nước. Chính sách Iran của chính quyền Trump đã cho nhà lãnh đạo Nga nhiều cơ hội để làm điều đó.