Vào ngày 21/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiếp đón Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Sau cuộc gặp này, ông Putin đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong gần một tiếng rưỡi đồng hồ.
Về việc này, ông Peter Ford, cựu đại sứ Anh tại Syria cho biết: “Kết thúc cuộc chiến có thể đang đến gần. Tôi cho rằng ông Putin đang điều phối tình hình Syria giống như một nhạc trưởng, bình tĩnh đưa vào những đối tác quan trọng vào đúng thời điểm thích hợp”.
Dù vậy, ông Ford cho rằng cuộc đối thoại song phương giữa Nga và Syria chủ yếu tập trung vào việc nâng cao quá trình liên lạc giữa hai bên, bởi cả Damascus và Moscow đều cơ bản có cùng quan điểm về tương lai của Syria sau chiến tranh.
Ông Ford dự báo rằng cuộc đàm phán tại Astana (Kazakhstan) do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tổ chức nhằm xây dựng hòa bình giữa chính phủ Syria và phe đối lập sẽ dẫn đến một hiến pháp mới cho phép các thành viên phe đối lập được giữ một số chức vụ quan trọng để được “giữ thể diện”, song do quân chính phủ đang có ưu thế hơn trên chiến trường, phe đối lập sẽ khó có thể làm gì được.
“Chính phủ mới sẽ có hình hài gần giống với chính phủ cũ trước đây”, ông Ford nói.
Không chỉ với Mỹ, ông Putin cũng có cuộc trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. Văn phòng truyền thông của điện Kremlin cho biết, hai bên cũng nói về các phương án nhằm “mở rộng quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi trong nhiều lĩnh vực”.
Ngoài ra, “hai bên cũng đã trao đổi quan điểm của mình về việc cải thiện tình hình ở Trung Đông, chủ yếu xoay quanh giai đoạn cuối trong cuộc chiến chống lại thế lực khủng bố tại Syria”.
Ông Putin còn thông báo với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi về “những nhận định của Nga đối với diễn biến mới nhất ở Syria” nhằm tiêu diệt những tàn dư khủng bố còn lại.
Tổng thống Nga cũng có cuộc trao đổi tương tự với Quốc vương Salman của Ả Rập Xê út về những vấn đề tương tự.
Ông John Kiriakou, một nhà phân tích tình hình Trung Đông và từng làm việc cho CIA trong 14 năm cho biết: “Thật thú vị khi chúng ta đang nói về việc một chính phủ thực sự sẽ được thành lập tại Syria sau chiến tranh, có sự tham gia của phe đối lập nhờ các cuộc đàm phán đã được tổ chức. Đây là điều có lợi cho Syria nhưng truyền thông Mỹ lại không hề đoái hoài đến”.
Trong khi đó, ông Mark Sleboda, một nhà phân tích an ninh quốc tế, đã bày tỏ sự nghi ngại của mình trước tình hình hiện tại. Ông Sleboda cho biết viễn cảnh mà ông Ford đề ra vẫn còn “quá lạc quan”.
“Cuộc xung đột ở Syria vẫn còn rất phức tạp. Trong vòng hơn một thập kỷ tới, chắc chắn các phần tử khủng bố sẽ tiến hành các cuộc tấn công du kích. Nhiều phần lãnh thổ ở Syria vẫn còn do IS kiểm soát, còn tỉnh Idlib hiện nay đang bị các nhóm vũ trang thuộc al-Qaeda như HTS, Tahrir al-Sham thống trị”, ông Sleboda nói.
Ngoài ra, một nhóm vũ trang khủng bố khác là Ahrar al-Sham, một phân nhánh của al-Qaeda, đang kiểm soát khu vực phía Bắc Syria và đang được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn. Ông Sleboda cho rằng vị thế của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang rất vững và cuộc chiến sẽ còn chưa kết thúc ngay.
“Tất cả chúng ta đều hi vọng một thỏa thuận chính trị sẽ được các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn và chính phủ Syria nhất trí”, ông nói. Thế nhưng, chính sách của chính quyền Trump “hiện nay cũng không rõ ràng giống như dưới thời Obama”.