Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có kế hoạch tham dự G20. Nguồn: Reuters
Ngay sau thông báo của Tổng thống Jokowi, Indonesia đã nhận được những lời kêu gọi yêu cầu Nga không tham dự hội nghị, mới nhất là từ Vương quốc Anh. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Anh cho rằng Nga “không có quyền đạo đức” để tham dự Hội nghị G20, khi cuộc chiến tại Ukraine vẫn tiếp diễn.
Indonesia cần phải đảm bảo các tác động của cuộc xung đột Ukraine nằm trong chương trình nghị sự Hội nghị G20, cũng như đảm bảo sự hiện diện của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky với tư cách khách mời tại hội nghị. Đại sứ quán Nga ở London ngay lập tức phản đối, gọi tuyên bố của Anh là “ đạo đức giả” khi Anh cùng với các đồng minh NATO đã tham gia tích cực tham gia vào các chiến dịch quân sự ở Iraq, Libya, Syria cũng như các quốc gia khác ở Trung Đông và châu Phi.
Những tranh cãi này thực sự là bài toán khó giải cho nước chủ tịch Indonesia trước thềm Thượng đỉnh G20. Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Indonesia đã đối mặt với áp lực từ một số thành viên G20 tẩy chay nhà lãnh đạo Nga tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Bali. Tuy nhiên, Indonesia đã từ chối và khẳng định thái độ “trung lập”, mời cả Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky tham dự.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 vào tháng 7 vừa qua với sự tham dự của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã diễn ra trong bầu không khí căng thẳng với những màn chỉ trích lẫn nhau giữa Nga và các nước phương Tây. Do đó, đảm bảo sự hiện diện của tất cả các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh, kiểm soát các căng thẳng có thể phát sinh trên bàn thảo luận sẽ là thách thức không nhỏ của Indonesia.
Bà Lina Alexandra, một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng, Hội nghị Ngoại trưởng G20 vào tháng 7 là một bài học tốt, giúp hình dung cơ bản về bức tranh Hội nghị Thượng đỉnh tháng 11 có thể diễn ra thế nào. Indonesia đã có kinh nghiệm để tránh vấn đề Ukraine làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh.
Thực tế đây cũng không phải là lần đầu tiên Tổng thống Putin tham gia Hội nghị thượng đỉnh G20 trong bối cảnh đối mặt với nhiều chỉ trích. Năm 2014 với Australia là nước chủ tịch G20, Tổng thống Putin cũng đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ở Brisbane vài tháng 9 khi Liên minh châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow vì sáp nhập bán đảo Crimea. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Nga đã rời hội nghị để trở về nước sớm hơn dự tính, với truyền thông phương Tây cho rằng do sự đón tiếp lạnh nhạt của chủ nhà và sức ép từ các lãnh đạo phương Tây.
8 năm sau, “quả bóng” đã chuyển sang cho phía Indonesia nhưng với cái nhìn lạc quan hơn của các chuyên gia khi nhận định quốc gia Đông Nam Á này có nhiều lợi thế kiểm soát khủng hoảng, với việc thúc đẩy lập trường đối thoại với các tất cả các bên liên quan.
Tổng thống Indonesia Jokowi mới đây cũng khẳng định cả Ukraine và Nga đều hoan nghênh vai trò hòa giải của Indonesia: “Sự tin tưởng của quốc tế đối với Indonesia đang tăng lên theo cấp số nhân. Nga và Ukraine hoan nghênh Indonesia là cầu nối cho hòa bình. Vai trò của Indonesia cũng đang được các nước lớn thừa nhận trong bối cảnh sức nóng địa chính trị gia tăng".
Tuy nhiên giới phân tích cũng cho rằng Indonesia nên có một kế hoạch dự phòng để ngăn chặn bất kỳ động thái nào có thể làm chệnh hướng chương trình nghị sự đã đặt ra trong năm chủ tịch G20 của nước chủ nhà./.