Tổng thống Putin cân nhắc khả năng đích thân tham dự hội nghị G20

Kiệt Linh |

(VnMedia) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cân nhắc khả năng tham dự cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của ông với các nhà lãnh đạo phương Tây kể từ khi ông phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2022, một nguồn tin từ Điện Kremlin vừa tiết lộ như vậy với hãng tin NBC News.

Tổng thống Putin cân nhắc khả năng đích thân tham dự hội nghị G20 - Ảnh 1.

Tổng thống Putin

Ông Putin vẫn chưa loại trừ khả năng đích thân xuất hiện tại cuộc họp thượng đỉnh G20 của các nền kinh tế lớn vào ngày 9-10/9 tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, một quan chức giấu tên của Điện Kremlin cho hay.

Tổng thống Nga muốn xuất hiện trở lại trên vũ đài thế giới sau một thời gian bị phương Tây cô lập do cuộc chiến ở Ukraine. Giống như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin cũng muốn lôi kéo các quốc gia không theo phe phương Tây tại một sự kiện được theo dõi chặt chẽ ở các thủ đô trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, việc xuất hiện trực tiếp tại hội nghị G20 sẽ đi kèm với những rủi ro đối với Nhà lãnh đạo Nga. Ông Alexey Maslov, giáo sư kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á và Châu Phi tại Đại học Quốc gia Moscow, cho rằng sự kiện G20 có thể “công kích ông ấy về mặt chính trị”.

“Các phương tiện truyền thông tại G20 sẽ đặc biệt dành riêng cho những người chỉ trích Nga và câu hỏi chính là liệu Tổng thống Putin có thể trình bày quan điểm của Nga hay không,” ông Maslov nói. “Nếu ông ấy không nhận được sự đảm bảo nào, ông ấy sẽ chỉ xuất hiện trực tuyến hoặc sẽ hủy bỏ việc tham gia của mình hoàn toàn”, ông Maslov phân tích.

Nhà lãnh đạo Nga gần như chắc chắn sẽ phải đối mặt với những câu hỏi khó xử từ các nhà báo, theo Jonathan Eyal, giám đốc quốc tế của Royal United Services Institute - một tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại ở London.

"Tôi không biết. Tôi đã không nghĩ về nó. Chúng tôi sẽ xem xét”, Tổng thống Putin đã cho biết vào cuối tháng 7 khi được hỏi về việc liệu ông có tới New Delhi vào tháng tới hay không, hãng thông tấn Itar Tass của Nga đưa tin. Vào tháng 3, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các nhà báo rằng hãy mong đợi một thông báo sau khi quyết định được đưa ra.

Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng tới được coi là hội nghị có nhiều tranh cãi nhất trong nhiều năm và là phép thử quan trọng đối với lập trường thực sự của nhiều quốc gia đối với Ukraine.

Vào tháng 7, một cuộc họp kéo dài hai ngày của các Bộ trưởng Tài chính G20 đã kết thúc mà không có thông cáo chung nào được đưa ra do những khác biệt căng thẳng về Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman nói rằng cả Nga và Trung Quốc đều phản đối việc đề cập đến vấn đề Ukraine. Trong khi đó, Pháp tuyên bố họ sẽ không ký bất kỳ tuyên bố nào chỉ dừng lại ở việc lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine, giống như tuyên bố được đưa ra vào cuối hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái ở Bali.

Một rắc rối nữa đối với Tổng thống Putin nếu ông đi ra ngoài biên giới Nga là lệnh bắt giữ do Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành.

Tổng thống Putin đã bỏ lỡ hội nghị thượng đỉnh BRICS của các nền kinh tế mới nổi ở Johannesburg trong tháng này, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, vì nước chủ nhà Nam Phi sẽ có nghĩa vụ bắt giữ ông. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã nói rằng ông không muốn bắt giữ người đồng cấp Nga của mình.

Nam Phi là một trong 123 quốc gia đã phê chuẩn Quy chế Rome buộc họ phải thực hiện các lệnh của ICC. Ấn Độ, giống như Nga và Mỹ, không phải là thành viên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại