Tổng thống Pháp nhấn mạnh khái niệm "tự chủ chiến lược" của châu Âu trong chuyến thăm Trung Quốc

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tán thành khái niệm "tự chủ chiến lược" của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc từ ngày 5-8/4/2023.

Tháp tùng ông Macron là một phái đoàn gồm hơn 60 nhà lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, các nhà tài chính, các giám đốc điều hành cấp cao của tập đoàn năng lượng khổng lồ Electricite de France (EDF), tập đoàn đường sắt Alstom và tập đoàn sản xuất máy bay Airbus. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng tham gia đoàn.

Đây là chuyến thăm thứ ba của ông Macron tới Trung Quốc. Trước đó, năm 2018, ông Macron đã thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc và vào năm 2019, ông thăm Trung Quốc, tham dự Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế tại Thượng Hải, đồng thời đích thân quảng bá cho các sản phẩm của Pháp.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh khái niệm tự chủ chiến lược của châu Âu trong chuyến thăm Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bối cảnh chuyến thăm

Tình hình quốc tế diễn biến hết sức phức tạp và căng thẳng. Mỹ và châu Âu tăng cường ủng hộ vũ khí, tài chính cho Ukraine trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Trong khi đó, Trung Quốc đưa ra sáng kiến 12 điểm nhằm kêu gọi hai bên nối lại đàm phán để giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Cuộc bao vây cấm vận của Mỹ và phương Tây chống Nga đã không đem lại hiệu quả mong muốn. Nước Nga đã không sụp đổ, vượt qua nhiều khó khăn và vẫn đứng vững. Nhiều nước ở châu Á, Phi, Mỹ Latinh giữ thái độ trung lập không ủng hộ Mỹ, tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế, thương mại với Moscow.

Đặc biệt, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh vừa kết thúc chuyến thăm Nga, thỏa thuận tăng cường hợp tác chiến lược giữa hai nước nhằm thiết lập một trật tự thế giới đa cực, thay cho trật tự đơn cực của Mỹ và phương Tây.

Căng thẳng cũng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy và 17 nhà lập pháp Mỹ, bất chấp cảnh báo của Bắc Kinh, đã tiếp nhà lãnh đạo đảo Đài Loan Thái Anh Văn tại bang California.

Ông McCarthy là quan chức Mỹ đương nhiệm cấp cao nhất gặp một nhà lãnh đạo Đài Loan trên đất Mỹ kể từ năm 1979. Cùng với quan hệ chính trị, Washington tăng cường cung cấp vũ khí tấn công cho Đài Loan.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh khái niệm tự chủ chiến lược của châu Âu trong chuyến thăm Trung Quốc - Ảnh 2.

Pháp và Trung Quốc chủ trương duy trì đà phát triển ổn định trong quan hệ song phương.

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Trung Quốc. Tuy nhiên, giữa Mỹ và châu Âu, đặc biệt là Pháp gần đây, đã bắt đầu xuất hiện một số khác biệt trong quan hệ với Trung Quốc, Nga, cuộc xung đột Ukraine và vấn đề Đài Loan.

Giữa tháng 2/2023, Tổng thống Macron nói Pháp chưa bao giờ ủng hộ việc đánh bại Nga. Cựu Tổng thống Pháp Francois Hollande thì cho rằng các thỏa thuận Minsk có thể cho phép Ukraine tránh được một cuộc chiến tranh.

Tại Pháp, các cuộc biểu tình và đình công tiếp tục diễn ra xoay quanh đạo luật tăng tuổi nghỉ hưu gây tranh cãi, trong khi đời sống khó khăn, kinh tế trì trệ, lạm phát, thất nghiệp gia tăng. Tổng thống Macron chịu nhiều sức ép nội bộ.

Trong số các nước phương Tây, Pháp có nhiều điểm chung hơn với Trung Quốc. Hai nước đều ủng hộ chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại và quản trị toàn cầu, chủ trương duy trì đà phát triển ổn định trong quan hệ song phương kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.

Mục đích chuyến thăm Trung Quốc

Theo các nhà phân tích chính trị, hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga đang làm cho phương Tây lo ngại.

Vì vậy, Pháp và các nhà lãnh đạo châu Âu tìm cách thuyết phục Bắc Kinh hạn chế sự ủng hộ với Moscow để chống lại phương Tây, đồng thời Pháp ủng hộ Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết xung đột Nga-Ukraine. Đây là mục đích chính của Tổng thống Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khi đến Bắc Kinh.

Hãng thông tấn Pháp (AFP) trích dẫn một tuyên bố từ Điện Elysee, đưa tin: Đề nghị Bắc Kinh không cung cấp vũ khí cho Moscow, kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin có "quan điểm hợp lý" về Ukraine, tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng đàm phán với Kiev và không triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus là những vấn đề cụ thể được nêu ra trong các cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Macron đặt mục tiêu trong chuyến thăm là xác định cách thức giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine, thuyết phục Chủ tịch Tập Cận Bình gây ảnh hưởng đến Moscow và thúc đẩy đàm phán.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh khái niệm tự chủ chiến lược của châu Âu trong chuyến thăm Trung Quốc - Ảnh 3.

Hợp tác chiến lược giữa Trung Quốc và Nga đang làm cho phương Tây lo ngại.

Thông qua chuyến thăm Bắc Kinh, ông Macron muốn thể hiện quan điểm độc lập của mình, đóng vai trò là người kiến tạo hòa bình, đồng thời nâng cao uy tín sau kế hoạch cải cách hưu trí gây tranh cãi.

Về kinh tế, Trung Quốc là nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu lên tới 2,9 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Trung Quốc cũng nhà nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới sau Mỹ với 2,3 nghìn tỷ USD/năm.

Hiện nay Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Brussels. Trung Quốc đã vượt Mỹ trong quan hệ thương mại với EU. Năm 2022, kim ngạch thương mại giữa hai bên đạt 847,3 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, khối lượng trao đổi thương mại giữa Mỹ và EU chỉ ở mức 807 tỷ USD.

Trong bối cảnh kinh tế Pháp và EU đang gặp nhiều khó khăn, việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa Pháp và EU với Trung Quốc cũng nằm trong chương trình nghị sự của chuyến thăm.

Kết quả chuyến thăm

Trung Quốc đã vượt Mỹ và trở thành đối tác thương mại số một của EU. Mặc dù kinh tế toàn cầu đang phục hồi chậm chạp, hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu vẫn duy trì đà phát triển mạnh mẽ.

Tổng thống Macron đã đạt được một số kết quả quan trọng về kinh tế như bán 160 máy bay Airbus cho Trung Quốc, bên cạnh một số thỏa thuận đã được ký kết trong lĩnh vực năng lượng.

Theo Điện Elysee, chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt mua 150 chiếc A320 Neo và 10 chiếc A350 - một phần trong thỏa thuận trị giá 36 tỷ euro mà Airbus đã công bố vào năm ngoái. Đồng thời, Airbus sẽ mở dây chuyền lắp ráp máy bay thứ hai tại Thiên Tân, qua đó tăng gấp đôi năng lực sản xuất máy bay A320 tại Trung Quốc.

Thỏa thuận này thể hiện rõ Paris và Brussels không sẵn sàng tham gia trừng phạt Bắc Kinh dù Trung Quốc ủng hộ lập trường của Nga.

Tổng thống Pháp nhấn mạnh khái niệm tự chủ chiến lược của châu Âu trong chuyến thăm Trung Quốc - Ảnh 4.

Tổng thống Macron đã thể hiện quan điểm độc lập đối với nhiều vấn đề quốc tế quan trọng được Bắc Kinh đánh giá cao.

Về chính trị, đánh giá kết quả chuyến thăm Bắc Kinh của Tổng thống Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, báo Global Times của Trung Quốc viết: "Trung Quốc, EU và Pháp đã đạt được sự đồng thuận nhất định về các vấn đề toàn cầu lớn, bao gồm cuộc xung đột Ukraine. Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc hoan nghênh các giải pháp chính trị do Pháp đề xuất."

Trong tuyên bố chung khi kết thúc chuyến thăm, ông Macron và ông Tập Cận Bình đã cam kết sẽ cùng nhau hợp tác, ủng hộ mọi nỗ lực hướng tới mục tiêu khôi phục hòa bình cho Ukraine."

Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Macron rằng, không có phương thuốc thần kỳ nào có thể chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine, vì vậy bản thân các bên phải chủ động vượt qua khủng hoảng và ngồi vào bàn đàm phán.

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, ông Macron đã không thành công trong việc thuyết phục người đồng cấp Trung Quốc thay đổi quan điểm về cuộc xung đột Ukraine và lên án Moscow.

Theo một số nhà phân tích chính trị, chuyến thăm Trung Quốc của ông Macron và Ursula von der Leyen không đạt được mục tiêu trong việc thuyết phục Bắc Kinh thay đổi quan điểm đối với cuộc xung đột Ukraine, giảm bớt sự ủng hộ đối với Nga và nói chuyện với Tổng thống Ukraine V. Zelensky.

Tuy nhiên, Tổng thống Macron đã thể hiện quan điểm độc lập đối với nhiều vấn đề quốc tế quan trọng được Bắc Kinh đánh giá cao.

Sau kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, ông đã nhắc lại thuyết về quyền "tự chủ chiến lược" của châu Âu do Pháp đề xướng và "châu Âu không nên phụ thuộc vào Mỹ, cũng như tránh bị lôi kéo vào cuộc đối đầu Trung Quốc - Mỹ về vấn đề Đài Loan".

Ông cũng đề nghị châu Âu nên giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, một mục tiêu trùng hợp với chính sách của cả Moscow và Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình đã nhiệt tình tán thành khái niệm "tự chủ chiến lược" của ông Macron. Tờ Politico viết: "Bắc Kinh cho rằng phương Tây đang suy yếu và Trung Quốc đang trỗi dậy, việc làm yếu mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sẽ giúp thúc đẩy xu hướng này."

Đặc biệt, trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Tập Cận Bình, ông Macron nói: "Không quốc gia nào và trong bất kỳ hoàn cảnh nào có thể triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước ngoài".

Điều này không chỉ nhằm vào Nga khi Moscow tuyên bố về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân tại Belarus mà còn nhằm vào Mỹ là nước hiện đang có 100 vũ khí hạt nhân chiến thuật đặt tại 6 căn cứ ở 5 quốc gia NATO gồm Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong tình hình căng thẳng leo thang trên thế giới hiện nay, châu Âu đang hướng về Trung Quốc. Thủ tướng Italia Giorgia Meloni và Cao ủy của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell dự kiến sẽ thăm Bắc Kinh thời gian tới. Vai trò của Trung Quốc trở nên hết sức quan trọng không thể thiếu được trong việc giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu.

Chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Macron và Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen được coi là một thành công về ngoại giao, nhưng do không có kết quả cụ thể liên quan đến cuộc xung đột Ukraine và quan điểm giữa Trung Quốc và châu Âu đối với các vấn đề quốc tế vẫn còn nhiều khác biệt, nhiều nhà quan sát vẫn hoài nghi về tương lai quan hệ của Brussels với Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại