Trước đó, Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga hôm 18/6 đã bỏ phiếu thông qua dự luật do ông Putin đệ trình. Đã có 417 nghị sĩ Nga bỏ phiếu ủng hộ dự luật về chấm dứt tuân thủ Hiệp ước INF.
TASS cho biết, tổng cộng đã có 417 nghị sĩ Nga bỏ phiếu ủng hộ dự luật này, chỉ có một người vắng mặt. Theo dự luật, Nga sẽ ngừng tuân thủ Hiệp ước INF, song Hiệp ước có thể được khôi phục theo quyết định của tổng thống.
Đến ngày 26/6, Hội đồng liên bang (Thượng viện) Nga tuyên bố ủng hộ dự luật này.
Chủ tịch Duma Vyacheslav Volodin cho biết, "Chúng tôi đưa ra quyết định này căn cứ trên nhu cầu bảo vệ các lợi ích quốc gia. Mỹ đã đơn phương dừng tuân thủ Hiệp ước và khiến toàn bộ hệ thống an ninh toàn cầu gặp nguy hiểm".
Thành viên Ủy ban quốc phòng và an ninh Thượng viện, nghị sĩ Frants Klintsevich khẳng định "Nga đã nỗ lực hết mình để gìn giữ Hiệp ước, nhưng để Mỹ rút khỏi [hiệp ước] mà không có phản ứng gì đồng nghĩa với hy sinh những lợi ích về an ninh quốc gia của chúng tôi".
INF là hiệp ước được ký kết giữa Liên Xô và Mỹ vào ngày 8/12/1987, có hiệu lực từ ngày 1/1/1988. Hiệp ước bao gồm các điều khoản về kiểm soát việc triển khai/không triển khai các tên lửa mặt đất tầm ngắn (tầm bắn 500-1.000km) và tầm trung (1.000-5.500km).
Trong nhiều năm qua, Moskva và Washington nhiều lần cáo buộc đối phương vi phạm thỏa thuận.
Ngày 1/2/2019, tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố nước này sẽ ngưng thực thi các nghĩa vụ trong Hiệp ước INF từ ngày 2/2 và rút khỏi hiệp ước trong vòng 6 tháng nếu Moskva không tuân thủ chặt chẽ các quy định đã thỏa thuận.
Tổng thống Putin cũng ra lệnh Moskva ngưng tuân thủ INF vào cùng ngày, đồng thời yêu cầu cắt đứt các đối thoại với Mỹ về Hiệp ước INF và đòi hỏi Mỹ phải tỏ rõ thiện chí đàm phán hiệu quả và công bằng.
Ngày 4/3, ông Putin đã ký sắc lệnh kết thúc việc Nga tuân thủ INF.