Phát biểu trước thống đốc các bang Mỹ vào hôm qua 10/2, Tổng thống Trump khẳng định “Lầu Năm Góc có một số lượng lớn tên lửa loại này”.
“Chúng tôi gọi loại tên lửa đó là siêu nhanh. Các tên lửa này có tốc độ nhanh hơn năm, sáu, thậm chí bảy lần so với tên lửa thông thường”, ông Trump nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Nhà Trắng, Mỹ cần có nhiều hơn nữa những tên lửa siêu thanh trong bối cảnh Nga sở hữu nhiều loại vũ khí tương tự.
Đề cập đến tiềm năng vũ khí hạt nhân của Nga, Tổng thống Trump cũng không quên chỉ trích tiền nhiệm về chương trình vũ khí siêu thanh của nước Mỹ, mà theo ông “điều đó thực sự là rất tệ hại”.
Được biết, trong ba năm trở lại đây Lầu Năm Góc và các công ty vũ khí quân sự Mỹ tích cực hợp tác phát triển vũ khí siêu thanh. Tuy nhiên, tuyên bố Mỹ đang sở hữu nhiều loại tên lửa siêu thanh của Tổng thống Trump khiến giới phân tích quân sự, đặc biệt là Nga, nghi ngờ.
Tháng 8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết “sẽ mất vài năm nữa” thì Mỹ mới có thể sở hữu loại vũ khí này.
Chính phủ Mỹ trước đó cũng nhiều lần cảnh báo Quốc hội nước này về tên lửa siêu thanh Nga và Trung Quốc đang phát triển, khiến Mỹ khó bám theo và tiêu diệt.
Sức mạnh vũ khí siêu thanh của Nga
Vũ khí siêu thanh là các loại đạn hay tên lửa có tốc độ bay từ Mach 5 trở lên (Mach /h-PV) nhưng vẫn có khả năng cơ động để né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa, nên về lý thuyết là rất khó đánh chặn.
Mối quan tâm của các cường quốc quân sự đối với vũ khí siêu thanh được hình thành sau khi cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đề xuất sáng kiến "Chiến tranh các vì sao", về cơ bản là một chương trình chống tên lửa đạn đạo trên nền tảng không gian vũ trụ, trong những năm 1980.
Nhưng đến cuối thập kỷ 20, Liên Xô dần suy yếu và sụp đổ, kèm theo là các chương trình siêu thanh.
Một trong những hệ thống vũ khí siêu thanh của Nga được quảng cáo là tên lửa chống hạm Zircon.
Theo hãng tin TASS của Nga, tên lửa này đạt tốc độ Mach 8 và có thể được phóng đi từ 3C14, một loại bệ phóng chấp nhận rất nhiều loại tên lửa. Tên lửa Zircon được nói là có tầm bắn 400km và đã được lên kế hoạch tích hợp lên tàu chiến lần đầu tiên vào cuối năm 2019.
Ảnh: AP.
Cũng trong năm 2019, phương tiện siêu thanh mang tên Avangard cũng được Nga công bố trên các phương tiện truyền thông. Avangard có tầm bay hơn 6.000 km và có thể thay đổi quỹ đạo bay giữa hành trình xuyên qua bầu khí quyển.
Một loại vũ khí siêu thanh khác của Nga là RS-28 Sarmat – tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất. Loại tên lửa này được cho là có thể mang theo Avangard, theo nhận định của trung tướng Robert Ashley Jr., giám đốc Cơ quan tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA).
Ngoài ra, tên lửa siêu thanh phóng đi từ máy bay mang tên Kinzhal, hoặc còn được gọi là “Dagger,” cũng đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện. Hệ thống này được cho là có tầm bắn 1.500-2.000km, có thể mang theo đầu đạn hạt nhân hoặc đầu đạn thông thường với trọng lượng 480kg.