Sự cố micro khi ông Biden nói về Trung Quốc
Bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden về Trung Quốc với các nhà lãnh đạo Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đã vô tình bị lộ tiếng qua micro tại hội nghị thượng đỉnh Bộ Tứ (Quad) ở Delaware, Mỹ ngày 21/9 (theo giờ địa phương). Các phát ngôn của ông Biden có nguy cơ làm suy yếu tuyên bố chung của nhóm, vốn rất thận trọng, tránh đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, AFP nhận định.
"Trung Quốc tiếp tục có hành vi hung hăng, thử thách chúng ta khắp khu vực", ông Biden nói trong một sự cố không tắt micro, hé lộ những bình luận đáng lẽ chỉ được chia sẻ kín trong nhóm Quad cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Thủ tướng Australia Anthony Albanese.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang tập trung vào "những thách thức kinh tế trong nước", ông vẫn "tìm cách có được không gian ngoại giao cho riêng mình", mà theo quan điểm của ông Biden là nhằm "theo đuổi lợi ích của Trung Quốc một cách gay gắt".
Tuy nhiên, ông Biden khẳng định rằng những "nỗ lực tích cực" gần đây của Washington nhằm giảm căng thẳng, bao gồm một cuộc điện đàm với ông Tập hồi tháng 4, đã giúp ngăn chặn xung đột.
Theo AFP, những bình luận trên có nguy cơ làm suy yếu nỗ lực ngoại giao thận trọng của cả 4 quốc gia trong suốt hội nghị khi các nước này tìm cách khẳng định rằng Quad không chỉ đơn giản nhằm mục đích cung cấp lực lượng đối trọng với Trung Quốc.
Trước đó, Nhà Trắng tuyên bố rằng, hội nghị thượng đỉnh Quad không nhằm vào bất kỳ quốc gia nào và Bắc Kinh không nên có vấn đề gì với sáng kiến này.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng phản đối cơ chế của Quad. Ông cho rằng đây là nỗ lực bao vây Bắc Kinh.
Tuyên bố chung thận trọng
Trong tuyên bố chung sau hội nghị, 4 nhà lãnh đạo không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc, mặc dù họ bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở các khu vực biên giới. "Chúng tôi rất quan ngại về tình hình ở Biển Đông và Biển Hoa Đông", tuyên bố chung của Quad nhấn mạnh.
Các nhà lãnh đạo lên án "những hành động ép buộc và đe dọa" ở Biển Đông nhưng không nêu rõ đó là hành động của ai.
Thay vào đó, họ sử dụng các phát ngôn kín đáo, như trong các dịp trước đây, về việc duy trì khu vực "tự do và mở cửa" và nói tới "các thách thức" địa chính trị.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 cũng phủ bóng hội nghị, trong bối cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris đang ở trong một cuộc đua sát sao.
Ông Biden khẳng định rằng Quad sẽ tồn tại bất kể tình hình chính trị như thế nào.
"Mặc dù sẽ có những thách thức, nhưng thế giới sẽ thay đổi vì Quad sẽ ở lại", Biden nói với các nhà lãnh đạo khi bình luận công khai trước thời điểm nhóm họp kín.
Khi các phóng viên hỏi liệu Quad có tồn tại sau cuộc bầu cử ngày 5/11 hay không, Tổng thống Bide nói: "Vượt xa tháng 11". Hiện tại ngày càng nổi lên nhiều băn khoăn chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Trump - người đã đe dọa rút Mỹ khỏi các tổ chức như NATO - quay trở lại Phòng Bầu dục.
Thủ tướng Ấn Độ Modi cũng đưa ra cam kết tương tự: "Thông điệp của chúng tôi là: Quad sẽ ở lại". Ấn Độ là nước đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh Quad vào năm tới.
Được xem là "hội nghị chia tay" ông Biden, nhà lãnh đạo Mỹ đã khiến sự kiện mang nhiều màu sắc cá nhân.
Hội nghị thượng đỉnh 4 bên diễn ra tại trường trung học cũ của ông ở Wilmington, bang Delaware. Trước đó, ông cũng mở cửa đón tiếp các nhà lãnh đạo tham gia các cuộc đối thoại riêng tư 1-1 tại nhà riêng trong thành phố.
"Tôi thực sự hài lòng vì các ngài có thể tới nhà và thấy nơi tôi lớn lên", ông Biden nói.
Các phương tiện truyền thông không được tiếp cận các cuộc họp riêng tư tại nhà của Biden.
Ông chủ Nhà Trắng đã đăng tải lên mạng xã hội hình ảnh bản thân chụp với ông Albanese và sau đó là với ông Kishida trong một phòng vẽ, và cho họ xem quang cảnh hồ nước nhìn từ hiên nhà.
Nhà Trắng cho biết, hội nghị thượng đỉnh phản ánh cách mà ông Biden ưu tiên các liên minh quốc tế. Dưới thời ông Trump, Quad nhóm họp ở cấp bộ trưởng. Ông Biden đã nâng Quad lên cấp lãnh đạo vào năm 2021.