Tổng thống Mỹ Donald Trump và sứ mệnh đầy khó khăn tại NATO

Hồng Nhung |

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 24/5 đã đến Brussels, chặng dừng tiếp theo trong khuôn khổ chuyến công du đầu tiên tới châu Âu kể từ khi nhậm chức.

Trong hàng loạt các sự kiện ngoại giao tại Bỉ, điểm nhấn trong chuyến thăm Bỉ của Tổng thống Mỹ Donald Trump lần này chính là việc tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO trong ngày hôm nay (25/5).

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump với các đồng minh NATO. Nội dung cuộc họp sẽ bao gồm nhiều vấn đề lớn từ cuộc chiến chống khủng bố sau vụ đánh bom liều chết tại Anh vừa qua, cải cách hoạt động của NATO đến khoản đóng góp ngân sách cho hoạt động của tổ chức này.

Cuộc gặp lần này được giới phân tích và truyền thông đánh giá là tương đối khó khăn với ông Trump sau những bình luận trái chiều của ông đối với NATO chỉ trong một thời gian ngắn cũng như những bất đồng giữa các bên trong khoản đóng góp ngân sách cho NATO.

Trong cuộc vận động tranh cử hồi năm ngoái, ông Trump đã khiến giới lãnh đạo NATO không khỏi lo ngại khi ông mô tả liên minh Mỹ-NATO là “lỗi thời”. Tuy nhiên vào tháng trước, ông đã thay đổi bình luận trên với tuyên bố rằng NATO thực tế “không còn lỗi thời nữa”.

Sự thay đổi thái độ một cách nhanh chóng của Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trong một thời gian ngắn đã gây ra sự khó hiểu trong NATO. Đây được xem là cơ hội để hai bên hiểu rõ lập trường của nhau hơn.

Phát biểu với báo giới trước thềm hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh sẽ thể hiện lập trường cứng rắn đối với các nước đồng minh thuộc NATO, theo đó yêu cầu các nước này phải đáp ứng mục tiêu là dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc NATO tham gia liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ông Tillerson nhấn mạnh: “Tổng thống Donald Trump cho biết, ông thực sự muốn thuyết phục các nước thành viên NATO cần đẩy mạnh và đáp ứng đầy đủ cam kết chia sẻ gánh nặng tài chính. 2% GDP là mục tiêu mà tất cả các quốc gia đều đồng ý.

Tổng thống sẽ cứng rắn về vấn đề này. Riêng Mỹ sẽ dành ra 4% GDP. Nước Mỹ đang làm rất nhiều vì an ninh của các bạn, vì an ninh chung. Đây là thông điệp cốt lõi mà Tổng thống muốn chuyển đến NATO”.

Về phía NATO, trước đó cùng ngày, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, Hội nghị thượng đỉnh NATO tới đây sẽ thảo luận vai trò của khối này trong cuộc chiến chống khủng bố và chia sẻ chi phí công bằng hơn giữa các quốc gia thành viên.

Bên cạnh việc lên án vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thành phố Manchester, Anh mới đây, ông Stoltenberg nhấn mạnh các nước đồng minh cần phải liên kết với nhau và “chứng minh rằng NATO đang thống nhất trong cuộc chiến chống khủng bố dưới mọi hình thức”.

“NATO đóng vai trò trong cuộc chiến chống khủng bố theo nhiều cách khác nhau. Chúng tôi vẫn đang ủng hộ liên minh quốc tế chống IS. Các nước đồng minh sẽ thấy NATO đóng một vai trò toàn diện hơn trong liên minh này vì hai lý do.

Một phần là vì NATO muốn gửi đi một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng về sự đoàn kết chống khủng bố, đặc biệt sau vụ tấn công ở Manchester. Điều quan trọng là chúng tôi phải gửi đi một thông điệp về sự đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố”, ông Tillerson nhấn mạnh.

Việc có nên để NATO đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống khủng bố mà cụ thể là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà Mỹ đang dẫn đầu ở Syria và Iraq đang được xem là vấn đề gây tranh cãi trong nội bộ NATO.

Trong nhiều tuần qua, các nước thành viên NATO đã phải ra sức thuyết phục, thậm chí gây áp lực để Pháp và Đức buộc phải đồng ý về vai trò này của NATO.

Nguồn tin châu Âu cho biết, sau nhiều nỗ lực, Pháp và Đức đã đồng ý song cho rằng, đây sẽ chỉ là một vai trò mang tính biểu tượng của tổ chức này và rằng việc NATO tham gia liên minh chống khủng bố trên chỉ nên giới hạn ở việc huấn luyện và cung cấp thông tin tình báo.

Pháp và Đức vốn không ủng hộ kế hoạch mà Mỹ đề xuất để NATO giữ một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria và Iraq do lo ngại việc NATO phải tham gia vào các chiến dịch triển khai quân tốn kém, gây ảnh hưởng đến quan hệ với các quốc gia Arab hoặc làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự với Nga ở Syria.

28 nước thành viên NATO ngày 24/5 đã đồng ý để NATO tham gia liên minh này, mở đường để lãnh đạo các nước này chính thức phê chuẩn quyết định tại hội nghị trong ngày hôm nay.

Cũng theo Tổng Thư ký NATO, trong cuộc họp sắp tới, các nước thành viên cũng sẽ bàn thảo về vấn đề chia sẻ ngân sách, nhất là việc tôn trọng các cam kết được đưa ra năm 2014 về việc ngừng cắt giảm ngân sách quốc phòng và thực hiện lộ trình tăng dần trong 10 năm tới để đạt mức chi 2% GDP cho quốc phòng.

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cùng giới chức NATO cắt băng khai trương trụ sở mới của NATO tại Bỉ với trị giá 1,1 tỷ Euro (tương đương 1,2 tỷ USD) cũng như dự lễ kết nạp Montenegro trở thành thành viên mới của tổ chức này, trước khi bước vào hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ông Trump dự kiến cũng sẽ khánh thành một đài tưởng niệm loạt vụ tấn công 11/9/2001 ở Mỹ ngay tại lối vào trụ sở mới của khối này./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại