"Với tôi, đây là một trong những điều quan trọng nhất mà tôi có cơ hội thực hiện trong suốt sự nghiệp của mình", ông Biden nhấn mạnh trong bài phát biểu tại một sân bóng đá và điền kinh ở Laveen, bang Arizona.
"Đây là sự tội lỗi trong tâm hồn chúng ta... Tôi chính thức xin lỗi", ông nói.
Hàng trăm người tham dự sự kiện, nhiều người trong số họ mặc trang phục truyền thống của thổ dân. Họ reo hò khi ông Biden xin lỗi về sự tổn thương thế hệ mà cộng đồng người da đỏ bản địa phải trải qua trong các trường nội trú trên khắp đất nước.
Bài phát biểu của ông Biden bị ngắt quãng khi một người ủng hộ Palestine hét lên: "Làm sao ông có thể xin lỗi vì một cuộc diệt chủng trong khi lại thực hiện một cuộc diệt chủng khác ở Palestine?".
"Có rất nhiều người vô tội đang chết và điều đó phải chấm dứt", ông Biden nói.
Sự ủng hộ của Mỹ đối với chiến dịch quân sự của Israel ở Dải Gaza và Li-băng để đáp trả vụ tấn công của Hamas đã gây ra nhiều cuộc biểu tình trên khắp nước Mỹ.
Các nhà hoạt động đòi cấm vận vũ khí đối với Israel khi số lượng thương vong quá cao và người dân thường Palestine ở Dải Gaza rơi vào tình cảnh khốn khổ vì đói và bệnh tật.
Chuyến đi ngày 25/10 là lần đầu tiên Tổng thống Biden đến thăm vùng của người da đỏ và là một phần trong nỗ lực củng cố di sản của ông trong những tháng cuối cùng tại Nhà Trắng.
Arizona cũng là 1 trong 7 tiểu bang chiến trường đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua sít sao giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump.
Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Deb Haaland, người Mỹ bản địa đầu tiên giữ chức bộ trưởng nội các, đã mở một cuộc điều tra để làm rõ chính sách của các trường nội trú đối với thổ dân.
Báo cáo điều tra của Bộ Nội vụ công bố vào tháng 7 cho thấy ít nhất 973 trẻ em đã tử vong tại các trường này. Các thành viên trong gia đình bà Haaland nằm trong số những đứa trẻ bị ép vào trường nội trú.
Từ năm 1819 - 1970, Mỹ thực hiện chính sách thành lập và tài trợ cho hàng trăm trường nội trú dành cho thổ dân trên khắp cả nước, với mục đích đồng hóa họ bằng cách tách trẻ em khỏi gia đình, cộng đồng, tôn giáo và tín ngưỡng văn hóa của họ.
Các nước khác như Úc, New Zealand và Canada trong những năm gần đây cũng đã xem xét lại hành động ngược đãi cộng đồng người bản địa trong quá khứ, bao gồm chương trình đưa trẻ em vào trường nội trú.