Tổng thống mới của Mỹ sẽ buộc phải “mạnh tay” ở Syria?

PHẠM KHÁNH |

Theo Bloomberg Politics, việc 51 nhà ngoại giao Mỹ cùng kí bản kiến nghị yêu cầu tấn công trực tiếp vào Tổng thống Syria Basha al-Assad là một tín hiệu cho thấy, tổng thống tương lai của Mỹ dù muốn cũng không thể tiếp tục chính sách mềm mỏng ở Syria.

Hôm 16/6, 51 quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký một bản kiến nghị thúc giục không kích vào các lực lượng của ông Assad và Nga. Họ cho rằng, hành động quân sự của Mỹ sẽ buộc ông Assad và đồng minh Nga phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán để giải quyết xung đột.

Bloomberg nhận định, bản kiến nghị là một lời cảnh báo không chỉ đối với Nga, ông Assad mà còn đối với người sẽ kế nhiệm Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Trong chiến dịch tranh cử, hai ứng viên nổi bật cho vị trí Tổng thống Mỹ là bà Hillary (đảng Dân chủ) và ông Donald Trump (đảng Dân chủ) đã tiết lộ những chính sách dự kiến ở Syria nếu được bầu làm Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, không ai có ý định hành động mạnh như đề xuất trong bản kiến nghị.

Bà Hillary chỉ cho biết sẽ có chính sách cứng rắn hơn ở Syria, bao gồm cả việc áp dụng một vùng cấm bay để bảo vệ thường dân Syria. Trong khi đó, ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump khẳng định sẽ tiến hành các chiến dịch quân sự mạnh mẽ hơn nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), chứ không phải ông Assad.

Mặc dù việc có ý kiến bất đồng về Syria là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, con số 51 nhà ngoại giao kí vào bản kiến nghị được cho là bất thường. Ông Robert Ford, cựu Đại sứ Mỹ ở Syria, cho hay, trong 3 thập kỉ làm việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ, ông chưa từng thấy một bản thể hiện bất đồng chính kiến nào có chữ kí của hơn 3 hay 4 quan chức ngoại giao.

Ông cho hay, 51 người ký vào một bản bất đồng chính kiến là một việc khác thường. Nó chứng tỏ sự đồng thuận rất lớn về việc “mạnh tay” với Syria ở cấp các quan chức chịu trách nhiệm thi hành các quyết định chính sách ở Bộ Ngoại giao Mỹ. Họ cho rằng, các chính sách hiện nay đang thất bại và sẽ tiếp tục thất bại.

Ông Joshua Landis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma thì cho rằng, bản kiến nghị thể hiện sự bất đồng sâu sắc ở Washington về Syria. Theo ông, sở dĩ nó thu hút được nhiều chữ ký như vậy bởi các nhà ngoại giao cảm thấy tự tin bày tỏ quan điểm khi nước Mỹ sắp có tổng thống mới.

Ông nói thêm, hầu hết người Mỹ đều cho rằng, sự can thiệp của Mỹ ở Trung Đông đang thất bại dù Mỹ đã chi tới hàng nghìn tỷ USD ở đây.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby từ chối thảo luận về nội dung của bản kiến nghị, nhưng ông cũng thừa nhận bất ngờ với số lượng chữ ký thu thập được.

Ông Andrew Tabler, một nhà phân tích Syria tại Viện Washington về Chính sách Cận Đông, cho biết, những người ký tên vào bản kiến nghị không đề nghị tấn công quy mô lớn vào các lực lượng của Tổng thống Syria mà muốn tấn công nhắm thẳng mục tiêu vào ông Assad, khiến chế độ này sụp đổ.

Ông nói thêm: “Đó chính xác là cái giá mà chế độ Syria phải trả vì đã không tuân thủ lệnh ngừng bắn".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, bản kiến nghị trên đã quá muộn để đẩy Mỹ thay đổi chính sách ở Syria.

Ông Robert Powell, một chuyên gia về Trung Đông, thuộc Cơ quan Tình báo Kinh tế tại New York, cho biết, cơ hội để Mỹ tấn công các lực lượng của ông Assad đã mất đi khi ông Obama quyết định không trừng phạt chính phủ Syria về những cáo buộc sử dụng các loại vũ khí hóa học vào năm 2013.

Ông nói: "Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu bà Hillary đồng ý cứng rắn hơn và sẵn sàng đối đầu với nguy cơ chiến tranh với Nga”.

Ông khẳng định: “Đã quá muộn để Mỹ hành động quân sự ở Syria. Đã từng có thời điểm Mỹ có thể gây ảnh hưởng lớn trong cuộc nội chiến chống ông Assad nhưng thời điểm đó đã qua lâu rồi”.

Trong khi đó, các cựu quan chức ngoại giao Mỹ và các nhà phân tích chính sách Syria nhận định, bản kiến nghị không thể khiến ông Obama thay đổi chính sách ở Syria.

Hôm 17/6, Phát ngôn viên Nhà Trắng, Jen Friedman cho biết chính quyền của ông Obama luôn sẵn sàng chào đón những quan điểm mới và khác biệt. Tuy nhiên bà không cho biết liệu ông Obama đã xem bản kiến nghị trên hay chưa.

Tuy nhiên, bà khẳng định: “Tổng thống luôn thể hiện quan điểm rõ ràng rằng ông ấy sẽ không dùng giải pháp quân sự đối với cuộc khủng hoảng ở Syria”. Bà nhấn mạnh, ông Obama đã cân nhắc kĩ mọi giải pháp.

Theo ông Andrew Tabler, dù không thể lay chuyển được ông Obama, nhưng bản kiến nghị sẽ tác động đến chính sách của chính quyền tiếp theo của Mỹ.

Thực ra, bản kiến nghị dường như đề cập tới "kế hoạch B" mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã từng tuyên bố. Hồi tháng 2/2016, ông Kerry cho hay, Mỹ sẽ chuyển sang "kế hoạch B" (được hiểu là Mỹ sẽ dùng sức mạnh quân sự) nếu Syria không chấp hành lệnh ngừng bắn và đàm phán về tương lai của đất nước này.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại