Tổng thống Lukashenko kêu gọi trưng cầu dân ý sửa hiến pháp

Thiện Minh |

Tổng thống Aleksandr Lukashenko kêu gọi trưng cầu dân ý để cải cách hiến pháp, song bác bỏ lời kêu gọi phục hồi hiến pháp cũ của phe đối lập.

France24 cho biết lời kêu gọi được ông Lukashenko đưa ra hôm 31/8. Nhà lãnh đạo Belarus đã có các cuộc thảo luận về khả năng sửa hiến pháp với chánh án Tòa án Tối cao tại Minsk, trong đó có nội dung thiết lập một hệ thống tòa án độc lập hơn trong tương lai.

Các nội dung sửa đổi khác không được đề cập. Tuy nhiên, ông Lukashenko bác bỏ mọi khả năng quay lại hiến pháp năm 1994 do phe đối lập đưa ra.

Năm 1994, Belarus thông qua hiến pháp đầu tiên từ khi tách khỏi Liên Xô. Năm 1996 và 2004, nước này cải cách hiến pháp theo hướng tăng cường quyền lực cho vị trí tổng thống và cho phép tổng thống giữ chức ba nhiệm kỳ thay vì hai nhiệm kỳ như trước đây.

Theo lời ông Lukashenko, việc quay trở lại hiến pháp năm 1994 theo ý muốn của phe đối lập sẽ không đưa đất nước tiến lên. Tổng thống Belarus nói rằng, công chúng có thể "đưa ra ý kiến của họ: những gì họ thích, những gì họ không" nhưng "những người la hét đòi thay đổi" là chỉ là thiểu số.

Belarus đang lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất nhiều thập kỷ khi hàng vạn người dân đã đổ xuống đường những ngày qua ở Belarus để biểu tình phản đối kết quả bầu cử ngày 9/8, vốn có phần thắng áp đảo thuộc về ông Lukashenko.

Nhiều quốc gia châu Âu, gồm Pháp, Đức và các nước Baltic đã lên tiếng ủng hộ với người biểu tình, chỉ trích Lukashenko và ban bố lệnh trừng phạt nhằm vào ông. Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/8 chính thức tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử Tổng thống ở Belarus, cáo buộc cuộc bầu cử "không tự do, không công bằng".

Hôm 27/8 Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết người đồng cấp Belarus Aleksandr đã đề nghị Moscow hỗ trợ một nhóm nhân viên an ninh để hỗ trợ Minsk lập lại trật tự khi cần thiết. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng "chưa có nhu cầu như vậy lúc này", AP đưa tin.

Nga nhiều lần khẳng định ủng hộ Belarus cải cách hiến pháp và hối thúc phe đối lập ngồi lại bàn đàm phán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại