Tổng thống Donald Trump thường xuyên được "nhắc vở" trong các cuộc điện đàm xuyên quốc gia

Yến Chi |

Tổng thống Donald Trump thường xuyên không chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc trò chuyện với các nhà lãnh đạo thế giới đến nỗi các nhân viên Nhà Trắng phải túc trực bên cạnh để đảm bảo ông không phát ngôn những điều không phù hợp.

Mới đây, phóng viên CNN đã có cuộc trò chuyện với một nhân vật từng làm việc dưới thời cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và được biết, Nhà Trắng có đội ngũ nhân viên có nhiệm vụ điều chỉnh, hướng dẫn Tổng thống khi điện đàm với các lãnh đạo nước ngoài để tránh sai sót về mặt ngoại giao. “Ông John Kelly luôn muốn một nhóm chúng tôi có mặt ở Phòng Bầu dục chỉ để làm công việc đó mỗi khi có điện đàm quốc tế”, nguồn tin cho biết.

Bí mật trong Phòng Bầu dục

Trước đây, các quan chức của Hội đồng An ninh quốc gia sẽ tóm tắt với Tổng thống một số nội dung cần trao đổi trước khi gọi điện, sau đó họ ngồi cùng Tổng thống ở Phòng Bầu dục trong thời gian điện đàm. Các quan chức khác ở từng bộ phận riêng biệt của Nhà Trắng cũng sẽ lắng nghe các cuộc hội thoại và ghi lại trong “bản ghi nhớ cuộc điện đàm”. Công việc này thường được kết hợp với phần mềm ghi tự động trên máy tính.

Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông Donald Trump, Nhà Trắng bắt đầu hạn chế số người được phép nghe các cuộc gọi điện thoại sau khi bản ghi các cuộc gọi của ông Trump với các nhà lãnh đạo Mexico và Australia bị rò rỉ, tờ New York Times thông tin. Trong khi đó, nguồn tin của CNN cho biết, chính sách hiện tại thường cho phép 4 quan chức Nhà Trắng lắng nghe các cuộc gọi của Tổng thống với các nhà lãnh đạo nước ngoài, và bao gồm Cố vấn An ninh quốc gia, Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia và Phó giám đốc Hội đồng phụ trách khu vực.

Được biết, trước khi Chánh văn phòng John Kelly rời Nhà Trắng vào tháng 12-2018, ông thường phải “tắt tiếng” cuộc gọi một chút để mọi người trong phòng có thể “nhắc vở” cho Tổng thống, vì đôi khi ông Trump nói một cách “tự nhiên chủ nghĩa” với lãnh đạo nước ngoài. “Chúng tôi ở đó để chỉ cho Tổng thống ngay trong thời gian diễn ra điện đàm, bởi ông ấy khó nhớ hết những gì được trình bày trước cuộc gọi”.

Điều gì xảy ra khi Tổng thống “sảy miệng”?

Chủ đề điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo nước ngoài đang được đặc biệt quan tâm bởi cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump hiện nay khởi phát từ đơn tố cáo liên quan đến cuộc điện đàm giữa ông với Tổng thống Ukraine hồi tháng 7-2019.

Đơn tố cáo được giải mật vào tuần trước cáo buộc rằng, ông Trump đã gây áp lực với Ukraine để điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Nhà Trắng tuần trước cũng đã công bố bản ghi nhớ về cuộc gọi này với chi tiết cho thấy ông Trump hối thúc ông Zelensky mở một cuộc điều tra về các cáo buộc tham nhũng chống lại cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai của ông, Hunter Biden.

Một loạt sự việc được tiết lộ gần đây cũng đã cho thấy, dù các nhân viên Nhà Trắng đã cố gắng lèo lái, nhưng dường như nội dung các cuộc điện đàm đã đi chệch hướng, tạo ra sự bất lợi với chính Tổng thống Trump. Như trong cuộc gặp trực tiếp các quan chức Nga, ông Trump đã nói rằng ông không quan tâm đến cáo buộc Matxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 vì Mỹ cũng làm như vậy ở các nước khác, một lời khẳng định đã khiến các quan chức Nhà Trắng phát hoảng.

Một ví dụ khác, truyền thông Mỹ tuần này cho biết, Nhà Trắng đã phải đưa các bản ghi điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman vào cùng máy chủ tối mật, nơi chỉ dành riêng cho các hoạt động tình báo bí mật nhất.

Trong các chính quyền trước đây, bản ghi điện đàm thô của Tổng thống được giữ kín, song không được lưu trữ trên hệ thống máy tính có tính tuyệt mật, chứng tỏ các bản ghi điện đàm trên chứa thông tin an ninh quốc gia cực kỳ nhạy cảm nên không thể để rò rỉ được.

Theo một bài bình luận trên NBC, việc Tổng thống Trump “sảy miệng” khi điện đàm với lãnh đạo nước ngoài là điều có thể xảy ra xét đến phong cách giao tiếp và ứng xử thông thường của ông. Tuy nhiên, hiện có 2 luồng dư luận về việc này, một bên cho rằng câu chuyện chỉ là sự không chuẩn bị kỹ càng của một chính trị gia “nghiệp dư”, cần có sự “nhắc vở”. Ngược lại, cũng có người cho rằng, rất có thể ông Trump coi các cuộc gọi với các nhà lãnh đạo nước ngoài là cơ hội để lạm quyền.

Một loạt sự việc được tiết lộ gần đây cũng đã cho thấy dù các nhân viên Nhà Trắng đã cố gắng lèo lái nhưng dường như nội dung các cuộc điện đàm đã đi chệch hướng, tạo ra sự bất lợi với chính Tổng thống Trump. Như trong cuộc gặp trực tiếp các quan chức Nga, ông Trump đã nói rằng ông không quan tâm đến cáo buộc Matxcơva can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 vì Mỹ cũng làm như vậy ở các nước khác, một lời khẳng định đã khiến các quan chức Nhà Trắng phát hoảng.

Link gốc bài viết tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại