Thông tin trên do 3 quan chức cấp cao Mỹ cung cấp cho Reuters hôm 27-6.
Cũng vì lý do này, Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc một loạt biện pháp trả đũa Trung Quốc về thương mại, như đánh thuế nhập khẩu lên thép của Bắc Kinh.
Dù vậy, hiện chưa rõ ông Donald Trump có thực sự tiến hành những bước đi chống lại Trung Quốc hay không. Theo một quan chức (giấu tên), sẽ không có quyết định nào được đưa ra trong tuần này.
Về tình hình trên bán đảo Triều Tiên, 3 quan chức nói rằng nhà lãnh đạo Mỹ cảm thấy đã "cho Trung Quốc một cơ hội để tạo ra sự khác biệt" nhưng kết quả không như ông mong đợi.
Washington nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh gây sức ép về kinh tế và ngoại giao để Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi. Tuy nhiên, Trung Quốc lập luận ảnh hưởng của họ đối với láng giềng Triều Tiên là hạn chế và Bắc Kinh đang làm tất cả những gì có thể.
Tuy nhiên, một trong ba quan chức Washington cho biết: "Nỗ lực của Trung Quốc là rất ít. Nếu Tổng thống Donald Trump không nhận được những gì ông ấy kỳ vọng, ông ấy cần tiếp tục chương trình nghị sự rộng lớn hơn về vấn đề thương mại và Triều Tiên".
Cái chết của sinh viên người Mỹ Otto Warmbier hồi tuần trước sau khi được Bình Nhưỡng phóng thích càng làm phức tạp hơn nữa cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump đối với vấn đề Triều Tiên.
Trong thông điệp đưa lên mạng xã hội Twitter hồi tuần trước, Tổng thống Donald Trump không che giấu sự thất vọng: "Mặc dù tôi đánh giá cao những nỗ lực của Chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc trong việc giúp giải quyết vấn đề Triều Tiên nhưng nó đã không thành công. Ít nhất thì tôi biết Trung Quốc đã cố gắng!".
Hôm 26-6, nhà lãnh đạo Mỹ gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng. Ông Donald Trump nhấn mạnh Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ sớm tham gia các cuộc tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương, động thái dường như nhắm vào Bắc Kinh.
Tổng thống Donald Trump cũng cảm ơn Ấn Độ vì đã cùng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Triều Tiên.