Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva
Thủ tướng Scholz đã tìm cách lôi kéo sự ủng hộ, đoàn kết của các nước dành cho Ukraine trong chuyến công du kéo dài ba ngày của ông này đến Nam Mỹ. Nhà lãnh đạo Đức đã cảm ơn cả ba quốc gia mà ông đã đến thăm gồm Argentina, Chile và Brazil vì đã lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, hậu quả của cuộc chiến tranh và các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt mà phương Tây áp đặt đối với Nga, chẳng hạn như giá lương thực và năng lượng tăng vọt, đã tác động đặc biệt nặng nề đến khu vực Nam Mỹ. Thực tế này đặt ra câu hỏi về cách tiếp cận của phương Tây đối với cuộc chiến ở Ukraine. Nhiều người hoài nghi về chủ nghĩa can thiệp cũng như các biện pháp trừng phạt dựa trên quá khứ của chính cách tiếp cận này.
Trong chặng dừng chân cuối cùng của chuyến công du Nam Mỹ, Thủ tướng Scholz hôm qua (30/1) đã trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Brazil kể từ khi ông Lula nhậm chức. Châu Âu đang tìm cách thiết lập lại mối quan hệ với Brazil vốn bị đóng băng dưới thời cựu Tổng thống cực hữu Jair Bolsonaro.
Trong một cuộc họp báo chung ở Brasilia, Thủ tướng Scholz bày tỏ ông rất vui mừng khi Brazil trở lại sân khấu thế giới. Tuy nhiên, Nhà lãnh đạo Đức đã thay đổi thái độ khi Tổng thống Brazil thẳng thừng bày tỏ quan điểm của ông này về cuộc chiến Ukraine.
Ông Lula đã công khai nói với các phóng viên rằng: “Tôi nghĩ Nga đã mắc sai lầm kinh điển khi xâm chiếm lãnh thổ của một quốc gia khác, vì vậy Nga đã sai”. "Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng khi một người không đánh nhau thì hai người sẽ không đánh nhau. Bạn phải muốn có hòa bình", ông Lula nói đồng thời cho biết thêm rằng ông đã nghe rất ít từ cả hai bên về việc tìm kiếm một kết thúc hòa bình cho cuộc chiến tranh.
Tổng thống Lula nhấn mạnh rằng Brazil sẽ không cung cấp đạn dược cho pháo phòng không Gepard do Đức sản xuất cho Ukraine như yêu cầu của phía Đức.
Ông Lula khẳng định Brazil sẽ làm việc với các quốc gia khác để giúp đạt được hòa bình ở Ukraine, vì đất nước của ông không đứng về bên nào.
Theo Nhà lãnh đạo Brazil, Trung Quốc có một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán hòa bình, điều mà ông sẽ thảo luận trong chuyến thăm dự kiến tới Bắc Kinh vào tháng 3.
Không có vũ khí cho Ukraine
Trước đó trong chuyến công du của Thủ tướng Scholz, được thiết kế để tăng cường quan hệ với khu vực, các nhà lãnh đạo của Argentina và Chile đều lên án rõ ràng hơn cuộc tấn công của Nga nhưng dập tắt mọi hy vọng của phương Tây về việc các nước này sẽ ủng hộ cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine.
"Argentina và Mỹ Latinh không có kế hoạch gửi vũ khí tới Ukraine hay bất kỳ khu vực xung đột nào khác", Tổng thống Argentina Alberto Fernandez nhấn mạnh trong một cuộc họp báo chung ở Buenos Aires với Thủ tướng Scholz hồi cuối tuần vừa rồi.
Tổng thống Chile Gabriel Boric bảo vệ quyết định lên án cuộc chiến của Nga ở Ukraine bất chấp thực tế là "một số phương tiện truyền thông hoặc các nhà có ảnh hưởng có thể tin rằng đó là một quyết định tồi tệ khi tham gia vào chính trị của các quốc gia khác".
Né tránh câu hỏi liệu ông có đồng ý với Tổng thống Argentina Fernandez về vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không, ông Boric cho biết Chile đã hứa giúp Ukraine tái thiết sau chiến tranh, chẳng hạn như rà phá bom mìn.