Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng, khi được hỏi lý do từ chối cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine, Tổng thống Biden đã trả lời rằng: "Bởi vì chúng tôi sẽ giữ chúng ở đây. Đó là một tình hình hoàn toàn khác", song không cung cấp thông tin chi tiết.
Những bình luận của Tổng thống Biden được đưa ra sau khi Mỹ nhất trí vào tháng trước sẽ cung cấp 31 xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams cho Ukraine, cùng với một số nước phương Tây cũng cam kết hỗ trợ xe tăng hạng nặng cho Kiev. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Tổng thống Biden đã bác bỏ ý tưởng cung cấp tiêm kích F-16 cho Ukraine.
Tiêm kích F-16 tham gia cuộc tập trận Air Shielding của NATO ở Lask, Ba Lan ngày 12/10/2022. Ảnh: AFP
Tuy nhiên, tuyên bố từ chối của Tổng thống Biden không loại bỏ hoàn toàn khả năng Washington chấp nhận xuất khẩu lại máy bay chiến đấu này từ các quốc gia khác. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Financial Times vào tháng trước, nhà điều hành cấp cao của Lockheed Martin, công ty sản xuất tiêm kích F-16, cho biết có "nhiều cuộc trao đổi về việc bên thứ ba sẽ vận chuyển F-16" cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak ngày 6/2 khi được hỏi liệu Warsaw có chuyển giao tiêm kích F-16 cho Ukraine hay không đã trả lời rằng: "Chúng tôi có quá ít máy bay này, chỉ 48 chiếc". Thông tin được đưa ra sau khi Thủ tướng Mateusz Morawiecki cho biết ông sẵn sàng cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine nhưng chỉ khi đó là "quyết định của toàn thể NATO".
Nga đã nhiều lần cảnh báo phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, cho rằng điều đó chỉ kéo dài xung đột. Tuần trước, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định, với việc Kiev nhận được các đợt vận chuyển vũ khí mới, Nga sẽ "tăng cường gấp đôi khả năng hiện tại để phản ứng"./.