Thông tấn Nga TASS ngày 22/8 dẫn lời Tổng thống Lukashenko yêu cầu lãnh đạo Bộ Quốc phòng Belarus triển khai đầy đủ các biện pháp "cứng rắn nhất để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ" và phải đặc biệt chú trọng đến biên giới phía Tây giáp các nước NATO.
"Trước hết, chúng ta phải bảo vệ viên ngọc phía Tây trên vương miện của Belarus với trung tâm ở Grodno", ông Lukashenko phát biểu trong chuyến thăm trường bắn quân sự gần Grodno, thành phố cổ cách biên giới Ba Lan và Litva chưa đầy 30km.
Theo nhà lãnh đạo Belarus, kịch bản sử dụng "cách mạng màu" với yếu tố bên ngoài đang được thực hiện chống lại quốc gia Đông Âu này. "Mọi thứ rõ cả rồi. Như chúng tôi nghĩ, mọi thứ diễn biến theo kế hoạch của một cuộc cách mạng màu", Lukashenko nói.
"Cách mạng màu" là cụm từ mô tả chiến lược tổ chức các cuộc bạo loạn phi vũ trang, bạo lực chính trị để lật đổ chính quyền hợp pháp, điều đã xảy ra ở một số quốc gia Đông Âu như Ukraine vào năm 2014.
Phát biểu được Tổng thống Lukashenko đưa ra trong bối cảnh Belarus lâm vào cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có khi hàng vạn người dân đã đổ xuống đường để biểu tình phản đối kết quả bầu cử ngày 9/8 mà ông giành hơn 80% phiếu bầu.
Trong khi đám đông liên tiếp gây sức ép để Tổng thống Lukashenko từ chức, đối thủ của ông trong cuộc bầu cử là bà Svetlana Tikhanovskaya, người nhận khoảng 10% số phiếu bầu và đã trốn ra nước ngoài, tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử và cổ vũ làn sóng biểu tình trong nước.
Những ngày qua, nhiều quốc gia châu Âu, gồm Pháp, Đức và các nước Baltic đã lên tiếng ủng hộ với người biểu tình, chỉ trích ông Lukashenko. Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/8 chính thức tuyên bố không công nhận kết quả bầu cử Tổng thống ở Belarus, cáo buộc cuộc bầu cử "không tự do, không công bằng".
Trước tuyên bố mới nhất, ông Lukashenko từng cáo buộc phe đối lập đang "âm mưu tiếm quyền" và rằng các cuộc biểu tình là một phần âm mưu gây bất ổn cho Belarus. Nhà lãnh đạo 65 tuổi nhấn mạnh ông sẵn sàng chia sẻ quyền lực, song thông qua việc sửa đổi hiến pháp chứ không phải bầu cử lại.
Đầu tuần trước, ông Lukashenko nói rằng các đơn vị quân đội Belarus đã được huy động thêm tới phía Tây, giáp biên giới các nước NATO châu Âu, sau khi cáo buộc NATO triển khai thêm xe tăng và máy bay chiến đấu tới gần biên giới Belarus.
Nga, đồng minh thân cận của Belarus, ngày 16/8 khẳng định sẵn sàng trợ giúp quân sự cho Belarus nếu có biến cố xảy ra. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18/8 cảnh báo các nước châu Âu không can thiệp vào tình hình Belarus khi có cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo của châu Âu.
Theo Euronews, ông Putin và các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về khả năng tổ chức các cuộc đàm phán giữa phe đối lập và chính quyền Belarus dưới sự chủ trì của Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE).
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 19/8 nói rằng Belarus không cần người trung gian mà các bên có thể tự đàm phán để giải quyết công việc nội bộ.