Tổng Thanh tra Chính phủ: "Vừa nhận nhiệm vụ, tôi đã nhận tin nhắn tố cáo liên tục"

Hoàng Đan |

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, Luật Hình sự đã có quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân nên việc quy định tổ chức có quyền tố cáo cần được nghiên cứu.

Cứ ra khỏi hội trường là tin nhắn lại đến

Sáng 8/11, sau khi nghe tờ trình, thẩm tra về dự thảo luật Tố cáo (sửa đổi) tại hội trường, Quốc hội đã về tổ thảo luận dự án luật này.

Nêu ý kiến tại tổ, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, dự luật quy định, "tố cáo là việc cá nhân", tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, một số ý kiến đề nghị cần quy định cả tổ chức cũng có quyền tố cáo.

Vì hiện nay, Bộ luật Hình sự đã có quy định về trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân nên việc quy định tổ chức có quyền tố cáo là một vấn đề cần được nghiên cứu, xem xét.

Về hình thức, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng vẫn giữ quy định 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật thì đề nghị, ngoài hai hình thức trên thì xem xét bổ sung thêm các hình thức khác như thư điện tử, fax, điện thoại mà các luật khác đã quy định.

"Khi tiếp nhận thì phải đi xác minh ban đầu. Mà tố cáo qua điện thoại thì đâu có chữ ký, phải đi xác minh họ tên, địa chỉ, hành vi, lập hồ sơ… mới tiến hành thụ lý được. Tôi lo, nếu thu lý giải quyết với các hình thức này sẽ rất khó cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo", ông nêu.

Dự thảo quy định, người tố cáo có trách nhiệm gửi đơn tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, ông Khái phân tích, điều này để tránh trường hợp tố cáo tràn lan, vừa giúp các cơ quan không có thẩm quyền giải quyết mất thời gian, không làm ảnh hưởng đến uy tín của người bị tố cáo.

"Trong thực tế, có việc bức xúc thật, nhưng cứ gửi đơn khắp nơi từ trung ương đến địa phương mà không giải quyết. Ngay như tôi vừa nhận nhiệm vụ thôi đã nhận được tin nhắn tố cáo liên tục", Tổng Thanh tra CP Lê Minh Khái nói.

Bí thư tỉnh Hà Giang Triệu Tài Vinh cũng nêu quan điểm, nếu thêm cả hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại sẽ rất khó.

"Tổng Thanh tra vừa cho tôi xem tin nhắn, đấy cũng là hình thức tố cáo, thế này thì rất khó và mình có thể tìm được nhưng phải sử dụng các biện pháp đặc biệt. Mà tìm được, có khi lại dùng thuê bao khác rồi", ông Vinh lưu ý.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng cho rằng, đã đưa vào luật thì phải quản lý được xã hội chứ không làm phức tạp thêm xã hội.

"Cứ ra khỏi hội trường là tin nhắn lại đến. Mình phải điện anh em xuống nắm tình hình. Đúng con người ấy thật, đúng hiện tượng ấy thật nhưng đã giải quyết xong lâu rồi", ông Triệu Tài Vinh dẫn thực tế.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (ĐQBH tỉnh Hà Giang) thì cho rằng, hình thức tố cáo qua điện thoại, fax, thư điện tử đã xảy ra rồi. Cho nên, cần điều chỉnh thế nào cho phù hợp.

"Chúng ta phải suy nghĩ, dù tố cáo bằng đơn cũng như thư điện tử, điện thoại phải có một quy chuẩn nhất định. Nếu tố cáo không đúng tôi không giải quyết.

Như tố cáo qua thư điện tử thì phải chụp chứng minh nhân dân, mà tới đây là thẻ căn cước, phải ghi rõ nơi ở, chức vụ nghề nghiệp, nếu không thì không giải quyết", Thiếu tướng Sùng Thìn Cò nói.

Khi Chủ tịch Quốc hội nhận tin nhắn khiếu nại

Trước đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ lại việc, bà nhận được không ít tin nhắn vào điện thoại đề nghị kiểm tra, trả lời vấn đề mà công dân khiếu nại tố cáo.

Tổng Thanh tra Chính phủ: Vừa nhận nhiệm vụ, tôi đã nhận tin nhắn tố cáo liên tục - Ảnh 1.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân.

"Ví dụ chiều qua tôi nhận được tin nhắn nói rõ họ ở địa chỉ này, tên tuổi thế này, họ đã 3 lần gửi đơn tố cáo về việc thu hồi đất và tài sản của tôi chưa đúng nhưng đến nay Chủ tịch của tỉnh đó chưa giải quyết, đề nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo giải quyết sớm, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tôi đã chuyển ngay tin nhắn đó cho Chủ tịch địa phương đó, đó cũng là cách mình nhắc nhở, giao dịch trên phương tiện, không mất công gì, chỉ bấm nút chuyển tiếp là đến đúng địa chỉ...", bà Ngân nói.

Trong khi đó, Thứ trưởng Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết, dự thảo trước đưa việc tố cáo đối với người về hưu, nhưng không đồng nhất với luật Cán bộ công chức nên bỏ ra. Tuy nhiên, theo ông, đây là một khoảng để xem xét.

Đối với, trường hợp tố cáo qua thư điện tử, fax, có ngày tháng năm sinh, địa chỉ và nội dung tố cáo rõ ràng, Thượng tướng Vương cho rằng, cần nghiên cứu, vì tới đây chúng ta thực hiện mô hình Chính phủ điện tử.

"Cái này có địa chỉ người tố cáo rõ ràng và tôi băn khoăn những người tố cáo qua thư điện tử gần như công khai, vậy bảo vệ người tố cáo thế nào? Cái này chúng ta cần cân nhắc", ông Vương nói.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại