Ông Tedros bảo vệ vai trò của WHO sau khi Mỹ một lần nữa không ủng hộ hoàn toàn một nghị quyết về đại dịch.
“Chúng tôi muốn trách nhiệm giải trình hơn bất kỳ ai. Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò lãnh đạo chiến lược để điều phối phản ứng toàn cầu”, ông Tedros nói.
Washington để nghị quyết kêu gọi đánh giá phản ứng toàn cầu đối với đại dịch COVID-19 được thông qua, nhưng khẳng định họ phản đối lời lẽ về các quyền sức khỏe sinh sản và cho phép các nước nghèo gác lại những quy định về bằng sáng chế.
Ngày 19/5, Nga lên án việc ông Trump dọa rút Mỹ khỏi WHO vì cách xử lý COVID-19.
“Vâng, có những cơ hội để cải thiện nó...và chúng tôi đã sẵn sàng đóng một vai trò chủ động trong công việc này”, Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Ryabkov được hãng tin Interfax dẫn lời.
“Nhưng chúng tôi một lần nữa phản đối việc phá bỏ mọi thứ ở đó vì lợi ích chính trị hoặc địa chính trị của một quốc gia, ý tôi là Mỹ hay một nhóm quốc gia do Mỹ đứng đầu”, ông Ryabkov nói với báo giới sau cuộc gặp với các nghị sĩ thuộc đảng Nước Nga Thống nhất.
“Chúng tôi phản đối chính trị hóa mọi thứ liên quan đến sự lây lan của COVID-19...WHO không thể trở thành quả bóng bị chuyền đi chuyền lại”, ông Ryabkov nói.
Còn ông Trump cáo buộc WHO làm hỏng phản ứng toàn cầu đối với virus corona và trở thành “con rối của Trung Quốc”.
Trong cuộc họp ngày 19/5, các thành viên WHO đồng ý tiến hành một cuộc điều tra về phản ứng đối với COVID-19. Các nước thông qua nghị quyết kêu gọi thực hiện một “đánh giá vô tư, độc lập và toàn diện” về phản ứng toàn cầu và các biện pháp mà WHO triển khai.
Trung Quốc cam kết dành 2 tỷ USD hỗ trợ tài chính cho WHO trong 2 năm để hỗ trợ đối phó với COVID-19, đặc biệt là giúp các nước đang phát triển. Mỹ cho rằng Trung Quốc phải trả nhiều hơn 2 tỷ USD và cho rằng cam kết này chỉ để đánh lạc hướng khỏi cái mà chính quyền Trump cho là sự thất bại của Bắc Kinh khi không cảnh báo thế giới kịp thời về sự bùng phát của coronavirus.