Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã chính thức có được bản quyền phát sóng Asiad 2018 vào trưa 21/8.
Tất cả các nội dung thi đấu tại Á vận hội lần này sẽ được VOV và VTC phát trực tiếp trên sóng truyền hình, phát thanh, báo điện tử và các nền tảng ứng dụng.
Nói về việc mua bản quyền phát sóng Asiad 2018 ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ trên báo Tuổi trẻ:
- Những ngày qua tôi cũng như nhiều người Việt Nam không vui khi các trận đấu của đội tuyển Olympic VN, đoàn thể thao VN tại ASIAD 2018 không được tường thuật trên các kênh sóng của đài truyền hình chính thống.
Là người đứng đầu đơn vị truyền thông nhà nước, tôi rất trăn trở và muốn làm gì đó để VOV phục vụ nhân dân.
Phải nói thật rằng VOV quyết định mua bản quyền Asiad 18 chỉ mới diễn ra trong chiều 20/8. Trong suốt chiều và đêm qua (20/8), tôi và anh Nguyễn Kim Trung (tổng giám đốc VTC) cùng các bộ phận khác của VOV, VTC đã làm việc xuyên đêm xúc tiến đàm phán với Công ty KJSM World Corp để mua bản quyền Asiad 2018.
VĐV wushu Việt Nam thi đấu tại Asiad 2018.
Khi báo Tuổi trẻ hỏi lãnh đạo cấp trên của VOV có chỉ đạo, chia sẻ với Đài về việc mua bản quyền truyền hình Asiad, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam đã chia sẻ một câu chuyện:
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người rất hâm mộ bóng đá và quan tâm đến thể thao VN. Ngày 20/8, Thủ tướng đã điện thoại cho tôi hỏi thăm tình hình việc đàm phán mua bản quyền Asiad đến đâu rồi.
Thời điểm đó tôi cũng báo cáo Thủ tướng là chúng tôi đi đến đoạn cuối của quá trình đàm phán rồi.
Thủ tướng nói rằng như vậy là rất tốt và dặn rằng việc mua bản quyền truyền hình là trách nhiệm. Thủ tướng cũng nói đáng ra phải tiến hành sớm hơn chứ không để người dân thất vọng như mấy ngày qua.
Hình ảnh trong một trận đấu của U23 Việt Nam ở Asiad 2018.
Nói về mục tiêu của Đài Tiếng nói Việt Nam khi mua bản quyền Asiad 2018 trên VOV, ông Kỷ nói:
- Tôi và lãnh đạo Đài nghĩ rằng: Chúng ta làm điều này trước hết là vì người hâm mộ. Chứ không phải vì thương hiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam. Các doanh nghiệp hỗ trợ cũng không phải vì đánh bóng danh hiệu. Hai doanh nghiệp lớn đồng hành thậm chí còn không muốn nhắc tên.
Nếu mua bản quyền làm người hâm mộ mãn nguyện thì các doanh nghiệp đó đã cảm thấy hài lòng. Họ không đòi hỏi phải có quyền lợi gì trong việc quảng cáo hay tuyên truyền của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Vừa qua, cũng có nhiều lời khích lệ động viên đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Nên chúng tôi nghĩ rằng: Đài đã làm một việc đúng. Nếu như tới đây, việc tường thuật các trận đấu tại giải chúng ta làm tốt thì lúc ấy, việc mua bản quyền mới thực sự ý nghĩa.
Ông nói thêm: Chúng tôi sẵn sàng đi vay để phục vụ công chúng, dù có lỗ mình cũng chấp nhận. Một đất nước hơn 90 triệu dân mà phải đi xem một kênh trên mạng xã hội, không chính thống là điều đáng tiếc. "Khi đói thì củ khoai cũng quý", nhưng chúng ta cần phải chính danh nữa.
Sau chuyện này chúng ta cần phải rút kinh nghiệm, ra quân sớm hơn. Không đơn vị này thì đơn vị khác phải phân công nhau làm. Không nên để công chúng "xao xác".
Người hâm mộ cũng mong muốn được tiếp cận với các trận thi đấu tại Asiad 2018 thông qua nhiều kênh.
Chia sẻ về điều này, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ cho biết:
- Để phục vụ số đông người hâm mộ, Đài Tiếng nói Việt Nam đồng ý chia sẻ bản quyền, hình ảnh Asiad 2018 với các đơn vị khác. Nhưng việc tiếp sóng, trích dẫn hình ảnh cần ghi rõ nguồn, giữ nguyên trạng từ VOV. Bởi có những vấn đề pháp lý trong hợp đồng với đối tác, chúng ta không thể thay đổi.
Tổng hợp