Cách đây 3 tháng, khoảng mùng 7 Tết, ngay khi có dấu hiệu của dịch bệnh thì thị trường khẩu trang y tế bỗng trở thiếu hụt đột ngột do người dân đổ xô đến các hiệu thuốc mua dùng, tích trữ…
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, toàn bộ lực lượng đã tập trung vào công tác kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch như: khẩu trang y tế, nước rửa tay phòng dịch,…
Số liệu mới nhất cho thấy, trong dịp kiểm soát vật tư y tế, nhà thuốc vừa qua, toàn lực lượng đã tiến hành hơn 8.500 vụ kiểm tra, qua đó khui được rất nhiều cơ sở sản xuất khẩu trang, thiết bị phòng dịch giả ở nhiều tỉnh, thành, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Ông Trần Hữu Linh: "Nhiệm vụ của QLTT thời gian tới sẽ rất nặng nề" (ảnh: Nam Nguyễn)
Chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc, Tổng Cục trưởng Tổng Cục QLTT Trần Hữu Linh cho biết, loại khẩu trang thường ngày gần như chỉ để bán cho các bệnh viện, nay do nhu cầu đột ngột tăng cao nên thành ra khan hiếm.
Điều này dẫn tới việc người bán có thể trục lợi bằng cách giữ hàng lại và nâng giá lên.
"Thời điểm đó, lực lượng QLTT được Bộ Công Thương chỉ đạo phải ra quân kiểm tra sát sao, tránh việc các nhà thuốc găm hàng, nâng giá các mặt hàng: Khẩu trang, rửa tay, các thiết bị y tế khác như găng tay, quần áo bảo hộ….
Ban đầu, do khẩu trang y tế không đủ nhu cầu nên người dân chuyển sang mua khẩu trang vải thay thế. Rồi đến lúc khẩu trang vải cũng khan hiếm.
Đứng trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ kéo dài, trên thị trường bắt đầu xuất hiện các cơ sở sản xuất khẩu trang của tư nhân, một số nơi sản xuất khẩu trang kém chất lượng, giả công dụng khẩu trang y tế.
Phát hiện có tình trạng này, lực lượng QLTT đã nhanh chóng đi kiểm tra tại các cơ sở tại các địa bàn như Hà Nội, Bắc Ninh... và bắt được rất nhiều vụ.
Tại các cơ sở này, máy móc, nhãn mác, bao bì đều quảng cáo là khẩu trang y tế kháng khuẩn nhưng thực ra là giả công dụng. Mặt hàng nước rửa tay cũng vậy, nhiều cơ sở tự pha chế không theo tiêu chuẩn nào cả và cứ thế bán ra thị trường, bán cả trên mạng...", ông Trần Hữu Linh cho hay.
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, do sự việc diễn biến rất nhanh nên ngay từ khi xuất hiện dịch, Bộ Công Thương và Tổng Cục QLTT đã có những chỉ đạo kịp thời, hướng dẫn về mặt chuyên môn nghiệp vụ cho cả lực lượng…
Chẳng hạn, địa phương nào bắt, xử phạt được gì là phải nhanh chóng cảnh báo cho toàn lực lượng.
"Tại các địa phương chúng tôi đều huy động lực lượng QLTT trực ở các chốt rất vất vả, chia thành 3 ca và trực cả 24/7 tại các chợ, trung tâm, hiệu thuốc...để thực hiện công tác kiểm tra sao cho thật hiệu quả.
Chúng tôi phải làm như vậy vì thời điểm đó, chỉ cần thấy màu áo của lực lượng QLTT là các cửa hàng kinh doanh không dám có những hoạt động gian lận…
Bên cạnh đó, khi có hiện tượng xuất lậu khẩu trang đi nước ngoài qua các tuyến biên giới, lực lượng QLTT đã đặc biệt ưu tiên để xử lý vấn đề này", ông Trần Hữu Linh chia sẻ thêm.
Bia hơi tại các quán nhậu có dấu hiệu kém chất lượng
Thời điểm này, ngoài việc tiếp tục thực hiện các công tác liên quan đến sản phẩm phòng dịch, lực lượng QLTT còn phân bổ lực lượng kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm bởi tháng 5 này đang là tháng cao điểm về an toàn thực phẩm.
Theo Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh, Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các đơn vị về các phương án triển khai cho sau dịch. Vì thế, nhiệm vụ của QLTT thời gian tới sẽ rất nặng nề.
Mấy tháng vừa qua, các hàng quán đều đóng cửa do dịch bệnh, người dân đều tự nấu nướng tại nhà.
Thời điểm này đã hết cách ly xã hội thì lại tiềm ẩn nguy cơ do ai cũng có tâm lý giải tỏa, sinh hoạt cộng đồng tăng cao, ăn uống tụ tập tại các quán ăn. Ngay cả các quán bia hơi cũng có dấu hiệu kém chất lượng.
"Mấy tháng trước thực phẩm không bán được nên các nơi phải tích trữ, dẫn đến nguy cơ rất cao về an toàn thực phẩm. Cách đây 1-2 tuần lực lượng QLTT cũng đã bắt được một số vụ về an toàn thực phẩm ở Hà Nội, Hải Dương gồm hàng chục tấn lục phủ ngũ tạng, lòng lợn non…", ông Trần Hữu Linh cho hay.
Lực lượng QLTT tạm giữ hơn 23.000 sản phẩm bia, sữa nhập lậu tại TP Hồ Chí Minh
Xử lý gần 16.200 gian hàng, gần 32.880 sản phẩm vi phạm
Thời gian gần đây thương mại điện tử trở thành "mảnh đất" màu mỡ cho các doanh nghiệp, đồng thời giúp người tiêu dùng mua sắm tiện lợi với giá rẻ hơn, doanh nghiệp đa dạng kênh phân phối, tiếp cận thị trường, giảm chi phí…
Tuy nhiên, chính yếu tố trực tuyến đã và đang tạo ra những thách thức cho cơ quan kiểm tra, kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ...
Trước tình hình này, ông Trần Hữu Linh cho biết, "có tình trạng gian lận thương mai điện tử một phần là do 3 tháng dịch vừa qua người dân làm việc ở nhà nên chủ yếu mua sắm trực tuyến.
Do tính chất của Thương mại điện tử là người mua và người bán không gặp nhau, dẫn đến việc không cần cửa hàng, không biết kho hàng nằm ở đâu.
Đặc biệt, nhiều địa điểm hoạt động kinh doanh online nằm lẫn trong nhà dân, khu chung cư, nên lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, kiểm tra, xử lý. Ngay cả khi kiểm tra, xác minh được kho hàng, cũng khó xác minh chủ kho hàng là ai...
Với sự vào cuộc sát sao của các cơ quan chức năng, nhiều vụ việc vận chuyển hàng hóa, tàng trữ hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc trên cả nước đã bị triệt phá và xử lý.
Số liệu từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 3/2020, Bộ đã yêu cầu các sàn thương mại điện tử xử lý gần 16.200 gian hàng và gần 32.880 sản phẩm vi phạm kinh doanh trên môi trường mạng.
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh nhấn mạnh, năm 2020 cũng là năm trọng tâm về chống hàng giả của lực lượng QLTT, đặc biệt là tại các tụ điểm nổi cộm về hàng giả ở 20 điểm tại các tỉnh, thành phố, chủ yếu là tại Hà Nội, TPHCM… đã được lên kế hoạch từ năm 2019.