Theo ông Cẩn, hiện đang có khoảng trống pháp lý về quy định xuất xứ, có luật và nghị định nhưng lại chồng chéo. Hệ thống văn bản chưa rõ ràng, hơn nữa cách xử lý của các cơ quan chức năng cũng chưa kịp thời.
"Đơn cử như vụ việc Asanzo, đây được xem là khoảng trống pháp lý quy định về xuất xứ hàng hóa còn chồng chéo", ông Cẩn nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nhấn mạnh, nếu các ngành thống nhất cao và quy định rõ ràng thì vụ việc của Asanzo không đến mức nghiêm trọng như vậy.
"Đến nay sau khi các cơ quan chức năng công khai toàn bộ các sai phạm của doanh nghiệp thì doanh nghiệp này đã khắc phục toàn bộ những sai phạm như nộp đủ số thuế thiếu.
Hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ cũng đã được doanh nghiệp khắc phục. Bên cạnh đó doanh nghiệp này đang hoàn thiện xây dựng nhà máy công nghệ cao", ông Cẩn cho biết thêm.
Cung cấp thêm thông tin, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết tình hình gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng.
Trong năm 2019, ngành hải quan đã tập trung chỉ đạo toàn lực lượng đấu tranh phòng ngừa gian lận xuất xứ, giả mạo xuất xứ Việt Nam.
Nhiều mặt hàng sợi, may mặc, tiêu dùng, điện tử… khai là hàng Trung Quốc nhưng bên trong dán mác "Made in Vietnam", thậm chí giấy bảo hành, doanh nghiệp, địa chỉ sản xuất đều là Việt Nam và lấy thương hiệu của Việt Nam.
Tổng cục Hải quan đã trao đổi với Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao xác định cách thức xử lý đối với hàng không có nguồn gốc hợp pháp, không có xuất xứ rõ ràng, tiến hành tịch thu xử lý.
Tổng cục Hải quan cũng đã phối hợp với cơ quan điều tra Bộ Công an ngăn chặn Công ty nhôm Toàn cầu tại Vũng Tàu, trị giá hàng hóa lên đến 4,5 tỷ USD.
Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn kiến nghị, trong quý I/2020 này, các bộ, ngành sớm tiến hành rà soát quy định, tránh tình trạng khi phát sinh vụ việc, hành vi lại gây bối rối cho cả doanh nghiệp, và cả cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, xem xét quy định về tự khai, tự chứng nhận xuất xứ để công tác phát hiện, xử lý, triệt để kịp thời.
Trả lời VTC News ngày 6/1, ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Asanzo cho biết, kể từ khi dính đến nghi vấn hàng Việt "đội lốt" hàng Trung Quốc, doanh nghiệp đã gặp phải vô vàn khó khăn, hệ thống bán hàng tê liệt, sản xuất đình trệ, người lao động mất việc... Thiệt hại kinh tế ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
"Asanzo mong cơ quan chức năng sớm có kết luận cuối cùng, để doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, sản xuất", ông Tam nói.